Pages

Wednesday, March 23, 2011

BÀI HỌC LIBYA: CUỘC CÁCH MẠNG HOA SEN TẠI VIỆT NAM TRONG VIỄN TƯỢNG DÂN CHỦ HÓA TOÀN CẦU

Ngô Quốc Sĩ
Cuộc cách mạng Hoa Lài từ Tunisia  và Ai Cập đã làm bừng khởi trận bão dân chủ lan toả khắp Bắc Phi và Trung Đông, làm bừng lên những tia hy vọng phấn khởi trên toàn thế giới. Nhưng khi luồng gió cách mạng lan vào Iran, và Libya, thì hình như phần nào bị khựng lại trước bàn tay sắt và đầu óc máu đọng của các nhà lãnh đạo bất nhân cuồng tín  như Ahmadinejad và Gadhafi. Nhưng may mắn thay! Tiếng kêu cứu thảm thiết của người dân Libya đã đánh động con tim nhân loại và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua quyết nghị nhẳm giải  cứu người dân Libya khỏi cánh tay đao phủ của Gadhafi. Trước tình hình phấn khởi tại Libya, thiết tưởng chúng ta nên phóng cái nhìn về Việt Nam để cổ võ cho cuộc cách mạng dân chủ Hoa Sen đang nhen nhúm..
Nhìn về Libya với sự kiện Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết “thiết lập vùng trời cấm bay và  áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ sinh mạng người dân Libya”,  chúng ta phải thẳng thắn mà nhìn nhận rằng, Liên Hiệp Quốc đã hành động hợp lý và hợp thời.
Hợp lý, bởi lẽ cuộc cách mạng dân chủ tại Bắc Phi và Trung Đông không phải là chuyện tình cờ hay cục bộ, mà đã được nhen nhúm từ lâu và là một diễn biến dĩ nhiên trong bối cảnh quốc tế đang triển nở cao trào dân chủ hóa toàn cầu. Thật vậy, nếu cuộc cách mạng tại Đông Âu cách đây 20 năm được nhen nhúm từ Công Đoàn Đoàn Đoàn Kết với Walesa, từ Hiến Chương 77 của Tiệp Khắc với Havel, và tại Liên Sô với chủ trương Perestroika và Glassnost của Gorbachev thì mới đây, cuộc cách mạng Tunisia cũng đuợc chuẩn bị từ nhóm “Thanh Niên 6 Tháng 4” và tại Libya với  người chiến sĩ của công lý và dân oan là Luật Sư Fathi Tirbil. Cũng thế, sau khi chủ thuyết cộng sản tàn tạ và chủ nghĩa thần quyền cuồng tín đang làm thế giới chán ngán, thì ý niệm dân chủ toàn cầu đang được tôn vinh và  cổ võ. Trước sự triển nở của cao trào dân chủ đó, khát vọng dân chủ của người dân Libya, Ai Cập, Tunisia, Yemen , Bahrain cũng như Iran không còn là khát vọng riêng rẽ của mội dân tộc, mà là khát vọng chung của con tim nhân loại, là thao thức chung của lương tâm thế giới. Thế nên, nhân loại nói chung và Liên Hiệp Quốc nói riêng đã không thể làm ngơ trước nỗi thống khổ của nguời dân Libya đang thoi thóp trước họng súng bất nhân của Gadhafi, như Thủ Tướng Anh Cameron đã khẳng định:” Chúng tôi không thể ngồi yên nhìn người dân Libya bị hành hạ.”
Hợp thời, tuy hơi muộn một chút khi xe tăng thiết giáp của Gadhafi sắp tiến vào để cày nát căn cứ chính của lực lương nỗi dậy là Benghazi, nhưng cũng còn kịp để cứu vãn tình thế, giảm thiểu cuộc tàn sát đã dự trù theo lời tuyên bố của can trai Gadhafi “chúng tôi sẽ lục soát từng nhà, từng phòng, từng hộc tủ và sẽ tiêu diệt từng quân phản nghịch không một chút nương tay.” Phải nhìn nhận rằng, quyết nghị cho phép đồng minh thiết lâp vùng cấm bay và sử dụng mọi biện pháp để cứu dân Libya, đã được các thành viên Liên Hiệp Quốc gồm 24 nước hợp tác thi hành một cách nghiêm chỉnh và hữu hiệu, duới sự lãnh đạo kinh nghiệm và cương quyết của Hoa Kỳ, Pháp và Anh Quốc. Điều đáng mừng là những quốc gia vốn thân thiện với Gadhafi như Nga và Trung Quốc đã không phủ quyết và không đến dự họp, ngầm hiểu rằng, họ muốn cho nghị quyết của Hội Đồng Bảo An được thông qua. Khi chiến sự bùng nổ khốc liệt, chính quyền Gadhafi đang điêu đứng, thì họ cũng chỉ phát biểu “thật đáng tiếc” cho có lệ mà thôi.
Đến giờ này thì người ta đã đoán biết chuyện gỉ sẽ xảy ra. Gadhafi phải kêu gọi ngưng bắn, nhưng chẳng ai tin lời ông, vì chỉ cách một tuần lễ, chính ông đã kêu gọi ngưng bắn trong khi cho quân tiến vào tàn sát Benghazi! Điều chắc chắn là Gadhafi, nhà độc khét tiếng, kẻ thù của nhân loại “không còn một lý do chính đáng nào để  ngồi tại chức”  như lời Ngoại Trưởng Hillary Clinton, và khẳng quyết hơn, như lời Tổng Thống Pháp Sarkozi và Tổng Mỹ Obama: “ Gadhafi phải ra đi lập tức!”. Ben Ali đã ra đi. Mubarak đã ra đi. Đến lượt Gadhafi cũng phải ra đi thôi!
Trong cái nhìn phấn khởi về tình hình Libya, người ta không khỏi liên tưởng đến Việt Nam, nơi đó, cuộc cách mạng Hoa Sen đang được nhen nhúm và có thể bừng khởi bất cứ lúc nào. Có người dè dặt đến bi quan, cho rằng, đừng nôn nóng nghĩ tới một cuộc cách mạng dân chủ khởi phát nay mai, vì chưa có dấu hiệu khả tín và cũng chưa có những chuẩn bị cho một biến động như thế. Cái nhìn dè dặt đó có thể là hậu quả của những suy đoán vế tình hình dân chúng và Đảng Cộng Sản Việt Nam. So với dân chúng Ai Cập, Tunisia và Yemen cũng nhu Libya, có thể dân Việt chưa vượt qua bức tường sợ hãi, dù nỗi uất ức và phẫn nộ đã ngút trời! Qua những thủ đoạn  cộng sản Việt Nam áp dụng để triệt hạ tiếng nói dân chủ qua các biến cố Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm và Cồn Dầu, nguời dân Việt Nam chưa sẵn sàng thách đố với mũi súng, roi điện, hơi cay và vòi rồng. Đó là chưa nói tới thái độ cam phận của đa số dân Việt, vì chủ truơng quản lý bao tử phải nói là thâm độc của cộng sản Việt Nam. Chỉ cần bóp cho đến gần chết, rồi nhả ra một chút cho hơi thở thoi thóp thì cũng đủ làm cho nạn nhân cảm thất dễ chịu, và không muốn tham gia đấu tranh vì sợ mất đi chút ít dễ chịu đó! Mặt khác, các tiếng nói dân chủ của  LM Nguyễn Văn Lý, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Đan Quế, Lê Thị Công Nhân, Lê Cộng Định, Cù Huy Hà Vũ..tuy khẳng khái, nhưng chưa đạt được tầm mức châm ngòi cho một cuộc cách mạng như Bouazizi, Khaled Said và Fathi Tirbil. Cần thêm nhiều tiếng nói nữa, thêm nhiều hy sinh qủa cảm hơn nữa mới đốt lên được ngọn lửa cách  mạng dân chủ. Cũng cần thêm một khía cạnh tâm lý khác nữa, là sự hoài nghi vào thực tâm của  các nước đồng minh. Kinh nghiệm đau đớn về cái chết của Đệ Nhất Cộng Hòa, của ý đồ bán đứng Việt Nam qua Hiệp Định Ba Lê, của quyết định bỏ rơi Miền Nam Việt Nam cho cộng sản Miền Băc, làm cho dân Việt không còn biết tin vào ai, không  còn biết dựa vào đâu, dù có được hứa hẹn đủ điều như Nixon đã từng hứa với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trước khi  Hoa Kỳ tháo chạy khỏi Việt Nam năm 1975!
Kinh nghiệm là thế! Suy luận là thế! Nhưng từ Libya nhìn về Việt Nam, chúng ta phải lạc quan mà nói rằng, tình hình thế giới đã thay đổi, tâm lý con người đã thay đổi và lương tâm nhân loại cũng đã thay đổi. Thật vậy, tiếng kêu cứu dân chủ, tiếng gào thét nhân quyền, tiếng khao khát tự do của người dân, nhất là những dân tộc nhỏ bé, thấp cổ bé miệng đã vang vọng hơn với lương tâm chức nghiệp của các cơ quan truyền thông chân chính, nhất là của kỹ thuật truyền thông đại chúng. Cũng thế, tiếng kêu cứu đó càng đánh động hơn với ý thức  dân chủ, nhân phẩm và nhân quyền đang dâng cao. Sự đáp ứng của Hôi Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trước thảm nạn hủy diệt tại Libya đã đốt lên một hy vọng mới: Không ai có thể làm ngơ trước nổi đau khổ của người khác. Không con tim nào có thể hờ hững trước cảnh máu đổ thịt rới vì khát vọng tự do dân chủ. Thiên An Môn đã đủ qúa rồi! Kossovo đã đủ qúa rồi! Và hôm nay, Libya cũng đủ quá rồi! Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm, Cồn Dầu cũng đủ qúa rồi!
Tóm lại, tiếng kêu cứu của những người thống khổ oan ức đã động tới Trời, đã  vang vọng vào tim người tại  Tunisia, tại Ai Cập, và tại Libya, thì tại sao không thể tại Việt Nam? Hãy gào thét thêm nữa, hãy hy sinh thêm nữa, và hãy can đảm thêm nữa để thổi bừng cơn bão lửa cách mạng Hoa Sen tại Việt Nam. Gadhafi phải ra đi ngay. Tập đoàn cai trị cộng sản Việt Nam cũng phải ra đi ngay!
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment