Võ Hưng Thanh
Đây là một chủ đề luôn luôn quan trọng, luôn luôn thời sự, ít ra cũng đối với số đông những người Việt Nam, nên hôm nay tôi bắt buộc phải ưu tiên đề cập đến, mặc dầu nó nó vẻ như lạc lỏng, chẳng ăn thua gì với cuộc sống thực tế đang rất xao động như hiện nay cả. Lý do thực chất vì sao ? Vì hầu như mọi người Việt nào cũng đều thích thơ, ưa làm thơ, hay chí ít cũng phần nào có chú ý, quan tâm, tò mò đọc thơ. Còn ý nghĩa tư tưởng cũng vậy, phần lớn người mình theo tôi thấy đều quan tâm đến tư tưởng, khao khát triết học, đề cao nhà triết học, mặc dầu trong thực chất, nhiều khi do điều kiện văn hóa còn phần nào đó hạn hẹp của xã hội, đều chưa hề giúp họ hiểu ra sâu sắc, chính xác nội dung ý nghĩa của các khái niệm triết học, tư duy, nhà triết học, đích thực thật sự chúng là gì.
Nhà chính trị cũng thế, thông thường ý nghĩa những nhà chính trị thật sự đúng nghĩa và lớn đều như ít có, mà phần lớn chỉ là những con người chạy theo, học theo, làm theo, nó làm héo hon, hạ giá, hay mất hết các ý nghĩa chính trị chân chính, đó cũng là điều rất đáng nói đến.Vậy thì đây chẳng qua cũng chỉ là ý nghĩa hay nhu cầu của vấn đề chính danh, mà từ ngàn năm xưa chính nhà triết học lớn Khổng Tử từng đã yêu cầu phải luôn quan tâm hay nhấn mạnh. Chính danh có nghĩa phải chỉ đúng ra tên gọi và nội dung sự vật một cách trung thực, chính xác, không mơ hồ, không lệch lạc, không lừa dối, hay không thiên kiến. Trong tính cách đó, nhà thơ phải nói chính xác là người sáng tạo, sáng tác nghệ thuật đúng nghĩa trong thi ca. Nhà tư tưởng hay nhà triết học là người tư duy, sáng tạo đúng nghĩa về mặt nhận thức, tư tưởng, hay triết học. Còn nhà chính trị là người có thực tài về kinh bang tế thế, có nguyện vọng và mục đích cao quý, chính đáng, muốn đem khả năng của mình ra để giúp đời, giúp nước. Thế thì cả nhà thơ, nhà tư tưởng hay nhà triết học, nhà chính trị đích thực đều phải có ý nghĩa và giá trị khách quan, thực chất, tức có thực tài, có năng lực sáng tạo, có tính linh hoạt thật sự, có giá trị và hiệu quả giúp đời thật sự, không phải chỉ làm dáng, ngụy tạo, bị đánh giá lầm, hay chỉ một thứ cuộc chơi.
Có điều là các thực chất đó ở nhiều nước văn minh mang tính truyền thống lớn trong lịch sử và trên thế giới, thông thường đều hay có, trong khi đó ở Việt Nam ta, ngay tình, thực chất, hay thẳn thắng mà nói, toàn thể các điều ấy thường có rất ít, có khi mặt này mặt khác liên quan trong đó hãy còn rất nghèo nàn, thậm chí chưa có mấy. Đó là điều cần nên quan tâm lưu ý, tức là nhằm để nâng cấp và khắc phục chung trong tương lai, là nghĩa vụ của tất cả mọi người, đó cũng là thực tế hay điều kiện chung của nhiều nước đang phát triển khác, mà người ta có thể nói được là đó cũng phần nào do các điều kiện lịch sử, xã hội, kinh tế đưa đến. Có nghĩa lịch sử đã đi theo cách không được hiệu quả lắm, bị nhiều cản trở hoặc ngán ngại chưa vượt qua hết được, chính điều đó cũng phần nào tác động đến những hoàn cảnh, thực tế, thực trạng, hay các điều kiện xã hội. Cuối cùng toàn bộ chúng lại kết hợp hay cấu kết với nhau làm ảnh hưởng đến kinh tế, làm cho tính chất nền kinh tế èo uộc, chậm phát triển, tất nhiên làm ảnh hưởng, tác động, điều kiện hóa hết cả mọi ý nghĩa, thực chất, triển vọng của các khía cạnh đời sống tinh thần, ý thức, làm nghèo nàn đi văn hóa, văn học nghệ thuật, tư tưởng triết học, sinh hoạt chính trị tầm cao nói chung. Đó là tất cả những gì như trên kia chúng ta đã phân tích.
Từ các tính chất quan trọng như thế, ai cũng có thể rút ra được các đánh giá, kết luận, giải pháp như thế nào rồi, khỏi cần nói nữa. Ở đây chỉ thử phân tích sâu thêm vào một vài thực tế mà nhiều người đã biết, nhằm tìm ra các định hướng, các ý nghĩa chân chính hay chính đáng nhất, để có thể khả dĩ đi vào những kết quả mới, những triễn vọng khác nhau trong tương lai, đó chính là ý nghĩa tiềm lực của xã hội, cũng là điều không nên đánh giá thấp, không thể không quan tâm, hay không cho là quan trọng. Bởi chính cái tiềm lực của mọi dân tộc, mọi đất nước là điều ý nghĩa và chính đáng nhất, không phải chỉ có những gì đã có hay đang có mới là quan trọng. Vì tiềm lực luôn mang ý nghĩa tương lai, là sự chuẩn bị cho các thế hệ sẽ tới, là sự phát huy giá trị tự thân và nội lực, là khắc phục mọi điều kiện chủ quan, khách quan đã hay đang có, nhằm đi đến một tương lai thực chất nhất, giải phóng tất cả mọi hạn chế, ràng buộc giả tạo, bên ngoài, để nhằm sống được thực chất với mình, phát huy đầy đủ năng lực thực có và xứng đáng nhất của mình. Trên các ý nghĩa đó, có thể nói trong quá khứ Việt Nam đã từng có những nhà thơ lớn đúng nghĩa, thậm chí chẳng phải là ít. Đã từng có những nhà chính trị rất lỗi lạc để lịch sử được mãi mãi tôn vinh, ghi nhớ. Tất nhiên nhà tư tưởng, nhà triết học thì thật sự ít hơn. Nhưng đó là thời gian của quá khứ, của các giai đoạn cận đại. Trái lại trong thời kỳ hiện đại, tất cả những ý nghĩa trên theo riêng đánh giá chủ quan của tôi là có rất ít hay hoàn toàn chưa có. Đó là điều phải nói thực chất rất đáng quan tâm hoặc ngại ngùng nhất.
Có thể đơn cử. Chẳng hạn theo tôi, Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm là hai nhà thơ lớn, kiệt xuất nhất trong số các nhà thơ lớn khác của nước ta trong giai đoạn cổ điển. Chẳng hạn Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu cũng đều là những nhà thơ lớn, tuy thi ca của họ làm không nhiều, không chuyên, vì họ là những nhà chính trị theo đúng nghĩa, họ cũng là đỉnh cao trong các nhà thơ lớn khác của nước ta thời cận đại. Về chính trị, thời cổ điển của Việt Nam, có thể coi Nguyễn Trải, Chu Văn An, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, thật sự là những đỉnh cao trong nhiều những nhà chính trị lớn, tiêu biểu khác, mà chỉ nghiên cứu tổng thể về lịch sử mới có thể thấy hết. Riêng mặt tư duy, tư tưởng, triết học, quả chúng ta còn có rất ít trong lịch sử quá khứ. Chỉ có thể kể Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tư duy xuất sắc nhất từng được biết tới trong quá khứ, kể cả là một nhà tư duy lớn, có giá trị muôn đời của Việt Nam. Đó là khả năng tôi chỉ có thể nói sơ lược, rất có thể còn thiếu sót, nhưng đại thể theo tôi chắc chắn là như vậy. Bởi lẽ trong thời hiện đại, ngay tình hay ngay ngô mà nói, theo tôi thì chẳng có ai kiệt xuất, xuất sắc hay quan trọng đúng nghĩa, chí ít cũng theo quan điểm của riêng tôi về các mặt như thế. Đó cũng là điều rất buồn hay rất đáng nói nhất.
Bởi vì khi đo đạc những khuôn mặt lớn về các lãnh vực đã nói, cần phải nhìn bao quát về năng lực thực chất cũng như tầm vĩ mô của lịch sử. Không thể chỉ theo cảm tính, sự hạn hẹp về nhận thức, sự chủ quan, thiên lệch, hay chỉ là các thiên kiến nhất thời nào đó của mình. Cho nên ở miền Bắc thì tôi không biết, nhưng ở miền Nam trước đây, kể cả hiện nay, cả trong nước và số người Việt nào đó ở nước ngoài, có những người đường đột cho rằng Trịnh Công Sơn là thiên tài về âm nhạc, Phạm Công Thiện và Bùi Giáng là thiên tài về thi ca và tư tưởng, theo tôi các điều đó là không chính xác, hoặc kể cả hoàn toàn không đúng. Điều đó chỉ làm hạ thấp giá trị đích thực của âm nhạc, giá trị đích thực của thi ca, giá trị đích thực của tư tưởng và triết học như trên kia đã nói. Bởi Trịnh Công Sơn thật sự là một nhạc sĩ có tài, nhưng hót lên cao quá là thiên tài, thật sự rất quá đáng. Theo tôi trong lịch sử âm nhạc đương đại nước ta, có rất nhiều nhạc sĩ tài hoa, xuất sắc, luôn luôn xứng đáng chiếu trên so với nhạc sĩ họ Trịnh rất nhiều. Điều này xin để cho quan điểm và dư luận chung nhận xét.
Đối với Phạm Công Thiện và Bùi Giáng cũng thế. Phạm Công Thiện mới chủ yếu chỉ là một người của tư tưởng thiền Phật giáo, nếu có thể nói được như vậy, còn tư tưởng sáng tạo của riêng ông, quả thật không có gì. Thơ của Phạm Công Thiện theo tôi chỉ mới thuộc loại thông thường, chưa thật sự có gì xuất sắc. Riêng Bùi Giáng phải thật sự xem ông là một thi tài, chỉ tiếc thơ họ Bùi còn rất tản mạn, chưa hình thành nên được các tác phẩm lớn, phần lớn chỉ là các ý thơ, câu thơ, bài thơ hay rải rác, như những mảnh ngọc sáng đẹp, nhưng chưa được tạo thành, xâu chuỗi lại như những tác phẩm lớn, ngọc ngà thật sự. Riêng tư tưởng Bùi Giáng, đó cũng chỉ mới là tư tưởng của thiền, của triết học hiện sinh phương Tây du nhập vào, không hề tìm thấy gì có tính sáng tạo riêng thật sự về mặt tư tưởng, tư duy triết học của Bùi quân. Ngay đến cả Trần Đức Thảo, theo ngu ý của tôi cũng thế. Cho dầu ông được rất nhiều người tôn vinh như một nhà tư tưởng vĩ đại, xuất sắc nhất của Việt Nam, thậm chí có tầm cỡ quốc tế, hay có giá trị và ý nghĩa muôn đời. Theo tôi có lẽ người ta quá lóa mắt trước sự thông minh vốn có của Trần Đức Thảo, trước tính cách bằng cấp và học vị cao của ông, song theo tôi tư tưởng chủ yếu của Trần Đức Thảo là tư tưởng của Mác sao chép lại, chỉ là bản sao, là phó bản của tư tưởng Mác, trong đó chẳng có gì hay chỉ có rất ít sự sáng tạo hay chủ động riêng tư của chính bản thân tư duy riêng của Trần Đức Thảo theo đúng nghĩa. Ngay cả mọi sự phê bình của ông đối với những nhà triết học đương thời khác, các quan điểm triết học khác, đại loại nó cũng chỉ là như thế.
Tất nhiên nói những điều trên quả thật là tôi đã rất gồng mình. Bởi vì điều đó nhất định sẽ gây ra những sự chửi bới, mạ lị của khá nhiều người. Song lời nói của tôi chỉ do xuất phát từ sự ngay tình, kể cả là ngây ngô như mọi người đều thấy. Sở dĩ tôi phải nói như thế, không phải vì bản thân tôi, cũng không phải vì những người sẳn sàng công kích, phản kháng kịch liệt lại tôi, nhưng là vì các thế hệ trẻ, để họ hiểu thực chất như thế nào là thi ca, là triết học, là chính trị mang ý nghĩa giá trị thật sự. Cho nên tiện đây tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, thông thường những con người bẩm thụ có tài năng, họ hay bao gồm trong đó khá nhiều thứ. Chẳng hạn, thường những nhà chính trị chân chính, thực tài, xuất sắc, cũng rất hay có khả năng làm thơ, thậm chí có nhiều năng lực tư duy, tư tưởng. Tất nhiên điều ngược lại thì hoàn toàn không đúng. Bởi vì những nhà tư duy, tư tưởng thật sự, tức là những nhà triết học đúng nghĩa, họ chỉ quan tâm sâu sắc về triết học, về khoa học, cũng tương tự như những nhà khoa học chuyên nghiệp, họ thường tránh xa mọi đấu đá chính trị tầm thường ở đời(1).
Chẳng hạn, Nguyễn Công Trứ là một nhà chính trị giỏi theo nghĩa nào đó, ông cũng là một nhà thơ rất xuất sắc. Trường hợp Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và nhiều nhà cách mạng đương thời của họ của họ cũng đều như thế. Bởi vì hình như cái máu làm thơ là cái máu đã ở trong xương tủy của người Việt chúng ta. Vả chăng thi ca thường khi cũng là những công cụ rất đắc lực của chính trị, bởi nó rất thu hút mọi sự quan tâm và thích thú của số đông, của quần chúng. Cả trên thế giới cũng thế, có nhiều nhà tư tưởng cũng là nhà thơ, như trường hợp điển hình ở nước Đức. Tuy nhiên, theo tôi nói cho cùng, lãnh vực tư duy triết học vẫn là ý nghĩa bao trùm, sâu xa nhất về mọi mặt trong sinh hoạt văn hóa, tinh thần nói chung của nhân loại. Cho nên triết học thường chỉ gần với khoa học hơn là gần với thi ca hay chính trị. Trong ý nghĩa đó, làm nhà triết học đúng nghĩa vẫn phần nào cao hơn làm nhà thơ đúng nghĩa hay làm nhà chính trị đúng nghĩa. Đó là lý do tại sao các nhà triết học đúng nghĩa thường ít khi làm thơ, hay không muốn dấn thân vào chính trị thực tiển, mặc dầu thực chất họ có thể là một nhà thơ thật sự, hay là người có năng lực tư duy và năng lực thực tế về chính trị thật sự. Nên nói chung lại, bài viết này chỉ nhằm nhắn nhủ đối với các con người trẻ, các thế hệ trẻ về những gì mà theo tôi vẫn luôn mang tính chất thời sự và quan thiết về đời sống nói chung, mà ngay từ vào đầu của chủ đề bài viết nhỏ này đã nhấn mạnh.
(1) Xem thêm cùng tác giả : “Thế nào là những thành phần ưu tú của một dân tộc” (07/3/2011), “Đi tìm khái niệm trí thức VN” (14/3/2011), “Tư tưởng và nghệ thuật thi ca” (15/3/2011), “Chính trị, từ thực tiển đến lý thuyết” (17/3/2011), “Tính hào khí của thơ chính trị” (19/3/2011), “Nói về hiện tượng chuộng hư danh của xã hội VN hiện nay” (23/3/2011), “ Thử nhìn lại non một thế kỷ nguyện vọng khai dân trí, chấn dân khí, phục dân chí, hậu dân sinh của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh” (23/3/2011), “Nhân ngày giỗ Phan Chu Trinh, nói về vài tật xấu nguy hiểm của người VN” (24/3/2011), “Nói về bản chất đích thực của người trí thức” (25/3/2011), “Điều cấu thành cốt lõi của người trí thức” (26/3/2011)
(Sài Gòn, 27/3/2011)
© Võ Hưng Thanh
No comments:
Post a Comment