Lời tác giả: Tôi chỉ là một người bình thường trong xã hội; không có vai trò, chức phận gì trong cuộc sống xã hội đất nước Việt Nam cả thời Vàng và Đỏ thúc đẩy cho lịch sử xã hội tiến lên hoặc kéo lùi lịch sử. Tôi chỉ là hạt cát, giọt nước của đất nước này, sống, lớn lên trong một giai đoạn lịch sử nhiều bi hùng, nhiều máu, nước mắt và mồ hôi, nhiều đảo điên, gian dối, khổ đau, bào mòn đạo đức, văn hóa, tâm linh, tâm hồn dân tộc… Hôm nay dù kẻ thù truyền kiếp xưa chưa từ bỏ dã tâm; bọn Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thời nay vẫn tiếp tục đi ngược dòng lịch sử dân tộc nhưng tôi tin dân tộc Việt, đất nước Việt Nam yêu dấu mãi trường tồn vì mỗi tâm hồn Việt hôm nay và mai sau sẽ mãi cháy ngọn lửa Danco trong tim, luôn đi về phía trước…
Phần I: Con đường tôi đã đi qua ….
1/ Như vậy, tôi đã đi qua con đường ấy!
Con đường ấy tôi đã đi từ khi tuổi còn rất trẻ và đến nay, qua thời vàng, đỏ, dù chưa già nhưng tôi đã thành “người đứng tựa gốc cây”!.
Con đường tôi đã đi qua nó không như mơ ước, ngược lại với nhưng gì mà một thời tuổi trẻ đã lý tưởng, ước mơ. Nó vùi dập cả đời mình khi con đường bắt đầu lộ dạng..Niềm vui ban mai tắt lịm! Rồi đến một ngày tôi phải tự mình đi bên lề dòng sông xã hội. Cuộc sống nhiều vất vả, cả vật chất và tinh thần nhưng đã trót sinh ra ở thế gian này, sống trong cuộc đời này, có chấp nhận hay không thì cũng phải sống, phải tồn tại. Đi bên bờ dòng sông nhưng nào có thong dong như khách nhàn du ngắm cảnh đất trời, ngắm nhìn đời, con người và cuộc sống xã hội bồng bềnh nổi trôi! Khi tôi có ý kiến trên một cơ quan truyền thông đại chúng địa phương qua một phóng sự chân dung văn nghệ, tôi ví – xã hội như một dóng sông, tôi là kẻ không biết bơi nên tôi chỉ đi bên bờ dòng sông ấy nhưng tôi vẫn luôn sống trong cuộc sống xã hội! Có những người bạn mỉa mai, trách móc- Tại sao lại đi bên bờ? không biết bơi thì phải tập, sao không chịu tập bơi? Cứ nhảy xuống sông thì tự khắc sẽ biết bơi chứ có lo gì? Tôi chẵng trả lời mà nghĩ đến hình ảnh dòng nước đầy rác rưởi, hôi tanh, sền sệt, ghê tổm, chứa đựng tất cả mọi thứ cặn bả mà con người, xã hội đã thải ra như dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội, con kênh Thị Nghè ở HCM…! Sông Tô Lịch là một con sông lịch sử gắn liền với dòng sống lịch sử đầy tự hào của dân tộc trong những thời ký chống giặc phương Bắc (Năm 545 Lý Nam Đế đã dựng thành luỹ để đánh thắng quân xâm lược nhà Lương do Trần Bá Tiên cầm đầu ở cửa sông Tô Lịch, sau đó lập nên nước Vạn Xuân) nhưng bây giờ có ai dám xuống dòng sông ấy để tập bơi hay không? Hoặc như con Kênh Thị nghè cũng vậy và rất nhiều con sông, dòng suối trên đất nước này đang lừ đừ chảy! Đi bên những dòng sông, con kênh ấy người ta đã bịt mũi, không chịu nổi mùi ô uế của nó nhưng vì cuộc sống, sự tồn tại ở đời mà bao nhiêu người phải “cắm dùi” bên bờ mà sống …Tôi thật sự gớm ghê, không có dũng khí để “tập bơi” trong dòng sông ấy, chỉ an phận làm một người bình thường, một công dân trong xã hội dù cũng chỉ là loại công dân thứ cấp…
2/ Tôi đã đi qua con đường ấy!. Được sinh ra và lớn lên trong thời “vàng”, chưa biết vị mặn, đắng, cay của cuộc đời chỉ bằng trái tim ngu ngơ yêu nước, yêu hòa bình, độc lập, tự do tôi đã “nhập dòng”, làm một hạt nước nhỏ nhoi của dòng sông mong làm cho nước tràn bờ vào đồng ruộng khô cằn trong bom lửa và đất đang chờ nước để ươm lên những sự sống, tạo nên những cánh đồng xã hội tốt tươi….Khi nước mới bắt đầu tràn lên mặt đất, chỉ mới bắt đầu thôi, một sự phôi thai nhưng có những mãnh đất đã dị ứng với nước; có nhiều vùng đất lại bị ngập úng; có những dòng nước cứ tràn lan chảy; có những hạt đất đang khao khát chờ nước; có những hạt đất ngỡ ngàng đón nhận; có những hạt đất trôi lăn…Nước tràn, nước lũ trên rừng chảy xuống; dưới đất trồi lên; nước úng bao năm nay đập bị vỡ tràn ra lai láng…Nước trong, nước đục; nước đỏ, nước đen, nước phèn, nước mặn, nước pha dầu, pha mở trôi lăn…Vị nước pha tạp. Đất khát đang chờ vậy mà đất cũng nghẹn…..
Tôi chỉ là hạt nước ngậm đất quê hương mà buồn! ”Ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất” [1] một câu hát của tuổi trẻ Miền Nam trước đây đã tiếp nối những dòng sử ca đến với tuổi trẻ như đất khô gặp nước bây giờ phải “ngậm” để thấm mà tự an ủi mình. Với độ tuổi vừa qua đôi tám tôi đã đến với các hoạt động, phong trào sinh viên học sinh Miền Nam bằng tình yêu nước của tuổi trẻ, yêu lích sử quật cường, bất khuất của dân tộc trên nền tảng xã hội miền Nam với nền giáo dục dân tộc, nhân bản, khai phóng…Tôi đã có những quyền tự do, dân chủ, sống, tham gia các hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội một cách tự nguyện, không bị ai ép buộc; quyền công dân bình đẳng trong cuộc sống xã hội được luật pháp tôn trọng và bảo vệ…. Xã hội mới! “Cách mạng”! Tất cả như bị đảo ngược. Đảo ngược tất cả! Cái nền đạo lý xã hội cũng bị đào bới tận cả gốc rễ …Tôi tin vào tính Người, sự nhân bản của con người và lòng yêu nước của mỗi con người Việt Nam! Những tình cảm ấy đã thắng trong tôi từ khi tôi tự lựa chọn đường đi của mình! Cống hiến thì đứng đòi hỏi! Yêu Nước mình thì có mất mát gì đâu. Mỗi người VN nếu không yêu đất nước, Tổ quốc Việt Nam thì làm sao giữ gìn, xây dựng, bảo vệ đất nước khi có họa ngoại xâm…Càng đi trên đường, thời gian lăn nhanh sao mà chậm chạp. Có tiếng chim hót; có tiêng kêu than. Có những tiếng cười ngạo nghễ, đắc thắng; có những tiếng khóc ứ nghẹn cứ trôi vào lòng. Có những nụ cười môi mím chặt nhìn cuộc đời, nhân thế… Đất và nước cứ giằng xé trong tâm trí, nó cứ tác động hàng ngày, hàng giờ, quyết định cả cuộc đời mình, nó buộc cả xã hội phải đi tới mà không biết tới đâu! Quay lui thì không còn đường quay lại vì họng súng, nhà tù đã dựng lên bức tường thành những con người lẻ loi không thể vượt qua!
Con người Việt Nam chỉ có một Tổ quốc Việt Nam nhưng “Tổ Quốc ” bây giờ cũng bị đổi thay. Tổ quốc tôi là Tổ quốc nào đây? Tổ quốc Việt Nam là Tổ quốc từ Hùng Vương để lại mà cả hàng ngàn năm cha ông đã đấu tranh bất khuất giữ gìn, đến bây giờ Tổ quốc ấy còn hay mất!? Tại sao yêu nước phải là yêu chủ nghĩa xã hội? Yêu Tổ quốc phải là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa? Tổ quốc Việt Nam của tôi đâu? Trong tâm khảm con người Việt Nam Tổ quốc là trên hết! Tổ quốc nào là “trên hết”? Người ta đã biền Tổ quốc VN thành Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; biến yêu nước phải là yêu chủ nghĩa xã hội! Yêu nước phải là “yêu đảng”, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa! Tôi đi trong dòng sống lịch sử bất khuất của dân tộc, yêu Tổ Quốc Việt Nam như mọi người VN yêu nước. Tôi đã tự do thể hiện tình cảm yêu nước của mình bằng tấm lòng tuổi trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng nay sống trong xã hội mới xhcn Tổ quốc của tôi đâu? Người Việt Nam muốn thể hiện tình cảm yêu nước, bảo vệ tổ quốc, giang sơn của mình tại sao bị ngăn cấm? Đất Nước tôi có còn toàn vẹn? Tổ quốc tôi còn không? Ai đã cướp đất nước, Tổ quốc tôi!? Nếu có, kẻ đó chắc chắn không phải là nhân dân! Nhân dân muôn đời vẫn luôn là người giữ nước, bảo vệ đất nước, yêu tổ quốc VN ngàn đời bất diệt!
3/ Con đường tôi đã đi qua, có lẽ do an phận, chỉ đi bên bờ dòng sông nên cũng không gập ghềnh, sóng gió – Từ tuổi học sinh tôi đã ủy viên Tổng đoàn học sinh, Liên toán trưởng phong trào Du ca Đà Lạt rồi tham gia phong trào SVHS nội thành. Sau cái ngày tháng tư “bước dưới cờ phơi phới một trời xuân” (*) đầy ước mơ và …sau đó cũng đầy buồn đau. (!) Tôi đã bỏ nghề giáo vì ham vui, vì tất cả bạn bè “đồng chí” đều về cùng một cơ quan để làm công tác đoàn thanh niên. Nếu tiếp tục làm nghề giáo, với một nền giáo dục và xã hôi không như tôi mong đợi thì có thể tôi đã bỏ nghề từ lâu nhưng có lẽ do nhân duyên cuộc đời và số phận nên tôi mới là tôi bây giờ! Làm công tác Đoàn thanh niên- “đội hậu bị” của đảng csvn, tôi đã góp lời tuyên truyền giáo dục “lý tưởng cộng sản” trong thanh niên, vẽ nên những gì tốt đẹp mà tôi mơ tưởng nhưng rồi đến một ngày trong sinh hoạt cơ quan tôi đã nêu lên câu hỏi -chúng ta đi tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên, tuổi trẻ về tương lai nhưng còn tương lai của mình thì ở đâu?! Cán bộ chẵng biết tương lai mình ở đâu thì thế hệ trẻ biết tương lai mình ở đâu mà “lý tưởng”, “ước mơ”! Sau hơn 6 năm làm công tác Đoàn, tương lai, lý tưởng của tôi bay theo quả bong bóng, rồi phần vì cái tội “phản động” với thủ trưởng; không chấp nhận ” lý của kẻ mạnh” cùng với bản án “chủ nghĩa lý lịch” tôi đã xin chuyển sang làm công tác công đoàn- một tổ chức đoàn thể không khống chế độ tuổi, ở đó tôi có thể an phận suốt đời(!). Nhưng sống trong cuộc đời đã mang “số phận”, dù “thân” yên nhưng “phận”…nào yên!
Tôi chỉ làm dân-dân đoàn thể. Trong xã hội mới không có đoàn thể nào khác ngoài những “đoàn thể quần chúng” của đảng. Đây là những tổ chức đoàn thể nhân dân “độc quyền nhà nước”; tất cả đều là tổ chức chính trị nhưng chính trị của đảng, “quần chúng của đảng” độc quyền lãnh đạo; vì “độc quyền” nên nhân dân cũng phải …”phấn đấu”! Vị trí, vai trò của các đoàn thể tùy theo tính chất của nó trong quan hệ với đảng lãnh đạo. Là “đội hậu bị của đảng” như đoàn thanh niên cs hoặc là tổ chức quần chúng rộng rãi của giai cấp công nhân, cơ sở chính trị giai cấp của đảng lãnh đạo, “bể chứa” của chính quyền; “phối hợp” với nhà nước trong thực hiện “nhiệm vụ chính trị” của đảng cs. Khi chuyển về công tác tại công đoàn rồi tôi cảm thấy mình lại sai nhưng đi đâu bây giờ? ở đâu cũng một “cơ chế” ấy, cũng lắm kẻ cộng sản còn hơn những người cộng sản (!). Nhân-duyên không có! Nhìn tới, nhìn lui, ở đâu cũng đầy sự phân biệt; đi đâu cũng gặp những “con chim hay hót”, những kẻ luồn trôn; cũng bè cũng phái; đi đâu cũng phải là đảng viên và phải có “lý lịch”, “truyền thống gia đình cách mạng”, “thành phần giai cấp cơ bản” để có thể trở thành đảng viên…Những điều kiện “nhân thân” ấy tôi có mà không có! Bản thân tôi lại mang thêm chút “kháng chiến” thì lại càng khổ vì sự ganh ghét, người ta sợ tôi giành chức, giành quyền… Cơ quan nào cũng bè cũng nhóm, cục bộ địa phương, “đồng hương, đồng khói”, “anh hai, anh ba ”… bảo vệ cho nhau.. Tôi chẵng phe chẵng phái, chẵng “đồng hương, đồng khói” với ai. Thấy điều trái tai gai mắt thì hay nói. Việc không lương thì mình gánh; việc có lương thì người khác làm. Cơ chế lúc đó nếu như bây giờ thì có lẽ cơ quan nhà nước, đoàn thể chỉ còn lại những kẻ không thể tồn tại trên chính đôi chân của mình mới ở để “làm cách mạng”, để “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên …”thiên đàng…
4/ Con đường tôi đã đi qua! Vốn liếng ôm mộng đổi đời từ trong cuộc sống gia đình. Một gia đình lao động nghèo, tha hương…Tôi muồn thay đổi cuộc đời mình và thay đổi cuộc đời của lớp người lao động nghèo bao đời cùng cực; ước mong một cuộc đời ai cũng có quyền dân chủ, tự do, ấm no, hạnh phúc; không có bất công, áp bức; con người sống bằng phẩm chất, tài năng của mình, bình đẳng trong cuộc sống xã hội…Quê tôi ở đất Thần Kinh!.Làng tôi nghèo, đất cát, ruộng cằn… Chiến tranh cứ tiếp chiến tranh. Loan lạc nối tiếp loạn lạc. Mong một cuộc sống bình yên! Đã nghèo, lo cái ăn trước mắt cũng đã khó thì làm gì có tiền để mà lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn…Tôi may mắn hơn những anh chị trong gia đình, có lẽ, cũng nhờ đất nước một thời gian ngưng tiếng súng để cuộc đời cha mẹ, cuộc sống gia đình có khá hơn xưa, cũng là thời gian tôi bắt đầu lớn lên được cắp sách đến trường, dù trể, nhưng rồI, Miền Nam lại tiếp tục chiến tranh …Bước đến trường, lớn lên theo thời gian và cấp học, môi trường cuộc sống xã hội trong tôi ngày rộng lớn hơn, tôi đã bước chân vào cuộc sống xã hội đất nước khi đang ngồi trên ghế nhà trường trung học. Cứ lao vào dù cũng có nhiều suy xét nhưng lòng yêu nước vẫn lớn hơn tất cả. “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” nhưng sao” như hà nghịch lỗ lai xâm phạm”?!…Tuổi trẻ cứ phơi phới, chấp nhận hiểm nguy, chỉ nhìn trước mắt chẵng hề suy xét tương lai! Rồi, đến một mùa Xuân! Cứ ngỡ Xuân đã về! …
Tuổi trẻ cứ đi qua, tương lai thì chẳng có. Xuân mùa cứ tiếp nối nhưng riêng mình chẳng còn Xuân! MỗI lần Xuân đến tôi một mình lặng thầm đón những cái Tết buồn, nghĩ về thân phận mình, nghĩ về thân phận Kiều- “Mười lăm năm, Sông Tiền Đường những nhớp nhơ Thuý Kiều rửa sạch”; còn tôi, tôi ước mơ, “mơ một dòng sông Tiền Đường trong ngày hội non sông….”! [2]
Ước mơ xưa có thể thỏa chí tang bồng còn bây giờ bầu trời xanh kia đâu còn nữa. Kẻ nắm quyền lực tự quyết định một con đường, một lối đi cho cả dân tộc, đất nước! Những người “đồng chí” của tôi đang bay lửng lơ trên bầu trời mới; những người bạn, người yêu thương của tôi thì đã ra đi. Tôi không hề trách ai vì tôi hiểu, chế độ đã không cho họ quyền sống, không cho họ những điều kiện để tồn tại như là một con dân nước Việt, một công dân trong cuộc sống xã hội này. Có người đã tham gia đấu tranh cho tự do, độc lập dân tộc nhưng độc lập(!) rồi lại phải …đi tìm tự do! Có người cho họ là phản bội! Nhưng ai đã phản bội ai?! Còn tôi, tôi chưa hề có ý nghĩ ra đi! Tôi nhìn lại chính mình, nhìn lại một thời tuổi trẻ [3] mình đã đi qua! Một thời trăng rằm; một thời đẹp nhất của muôn cây, muôn hoa; một thời có ý nghĩa quyết định mỗi số phận….
…Đi qua thời vàng, đỏ, hôm nay tôi đứng tựa cây thông già- những cây thông hàng ngày đang bị đốn -tiếp tục nhìn lại mình, lề đường và dòng sông…..
No comments:
Post a Comment