Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, 1979 |
Sau 30 năm cải tổ kinh tế do Chủ Tịch Đặng Tiểu Bình chủ xướng, Trung Quốc đã mạnh. Thời đại ngoại giao thân thiện đã qua?
Trung Quốc khẳng định rằng tăng cường sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ngoại giao không là mối đe dọa đối với ai. Cả thế giới còn lại, đặc biệt là Hoa Kỳ, không tin chắc như như vậy (nhận định của Sử Gia Edward Carr).
Vào năm 492 trước Công Lịch, vào cuối Thời Kỳ Xuân Thu trong lịch sử Trung Hoa, Vua Câu Tiễn của nước Việt tại vùng Chiết Giang hiện nay bị bắt làm tù binh sau một trận chiến chống lại Vua Phù Sai của nước Ngô, một quốc gia láng giềng về phía Bắc. Câu Tiễn bị sai làm việc ở chuồng ngựa của Vua Ngô, nhưng vẫn giữ nhân cách của mình trong thời gian bị giam giữ nên được Vua Phù Sai dần dần kính nể. Sau vài năm, Vua Phù Sai cho phép Câu Tiễn trở về quê quán với tước hiệu của một chư hầu.
Câu Tiễn không bao giờ quên được nỗi nhục. Đêm nằm trên giường kết bằng cành cây và hàng ngày liếm một túi mật treo ở trong phòng để nuôi dưỡng ý chí trả thù. Nước Việt xem ra trung thành với Vua Ngô. Nước Việt lại có nhiều thợ thủ công khéo léo và gỗ tốt nên Vua Ngô xây nhiều cung điện và lâu đài khiến mang nợ. Câu Tiễn làm Vua Ngô lãng trí với nhiều gái đẹp nhất của nước Việt (trong đó có Tây Thi), hối lộ quan chức của nước Ngô, mua ngũ cốc để làm cạn kho lương thực của Vua Phù Sai. Trong khi vương quốc của Phù Sai suy sụp, nước Việt trở nên giầu có và gây dựng một đạo quân mới. Câu Tiễn chờ đợi thời cơ trong suốt 8 năm trời. Vào năm 482 trước Công Lịch, tin tưởng vào ưu thế của mình, Câu Tiễn đưa gần 50,000 quân tiến về phía bắc. Sau một vài trận chiến, Câu Tiễn đánh bại Phù Sai và nước Ngô.
Câu chuyện nằm gai nếm mật rất quen thuộc đối với người dân Trung Hoa như câu chuyện Vua Alfred và những chiếc bánh đối với người Anh, và Tổng Thống George Washington và loại cây anh đào đối với dân Mỹ. Vào đầu thế kỷ 20, Vua Câu Tiễn trở thành một biểu tượng của sự phản kháng của Trung Hoa chống lại những thương ước buộc nước này phải mở rộng hải cảng và những nhượng bộ khác do ngoại quốc đòi hỏi trong những năm Trung Hoa bị biến thành thuộc địa.
Câu chuyện ngụ ngôn về Vua Câu Tiễn được kết luận bởi một số người như là một báo động đối với việc Trung Quốc trở thành một đại cường quốc hiện nay. Kể từ khi Đặng Tiểu Bình quyết định cải tổ kinh tế vào năm 1978, Trung Quốc chỉ nói về hòa bình. Còn quá yếu về mặt quân sự và kinh tế để có thể thử thách Hoa Kỳ, Trung Quốc chú trọng về việc làm giầu. Ngay cả khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh và xây dựng lại quân đội, Tây Phương và Nhật Bản mắc nợ và bán kỹ thuật cho Trung Quốc. Cho đến nay Trung Quốc vẫn kiên nhẫn, nhưng cái ngày quốc gia này có thể thực hiện ý chí của mình đã gần kề.
Tuy nhiên cũng có một cách giải thích khác về chuyện Vua Câu Tiễn. Học giả Paul Cohen của Đại Học Harvard viết về Vua Trung Quốc giải thích rằng người dân Trung Quốc nhìn Vua Câu Tiễn như một tấm gương kiên trì và tận tình. Học sinh được dậy rằng nếu muốn thành công thì phải như Vua Câu Tiễn, nằm gai nếm mật – những thành quả lớn đòi hỏi sự hi sinh và phải có mục đích vững chắc. Vua Câu Tiễn này tượng trưng cho sự tự cải tiến và tận tình, không phải là sự trả thù.
Vào thế kỷ 21 này Trung Quốc sẽ theo Vua Câu Tiễn nào? Trung Quốc sẽ hội nhập hay không vào thế giới Tây Phương, nơi mà mọi người không mong muốn gì hơn là có cơ hội thành công và thụ hưởng kết quả của sự làm việc vất vả? Hay là khi sự giầu có và sức mạnh của Trung Quốc vượt qua tất cả các nước ngoại trừ Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe dọa – một quốc gia tức giận muốn phục thù những sai trái trong quá khứ và buộc những nước khác phải uốn mình theo ý muốn của Trung Quốc? Jim Steinberg, Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao của Hoa Kỳ nhận xét rằng sự lựa chọn vai trò của Trung Quốc là “một vấn đề to lớn của thời đại chúng ta.” Nền hòa bình và thịnh vượng thế giới phụ thuộc vào đường lối của Trung Quốc.
Một số người lập luận rằng hiện nay Trung Quốc vướng mắc quá sâu vào mạng lưới toàn cầu hóa để có thể làm đảo lộn kinh tế thế giới bằng chiến tranh hoặc áp bức. Thương mại đã mang lại sự thịnh vượng. Trung Quốc mua nguyên liệu và bộ phận ở nước ngoài và bán sản phẩm chế tạo trên thị trường ngoại quốc. Hiện nay Trung Quốc có trong tay $2,600 tỉ dự trữ ngoại tệ. Tại sao Trung Quốc lại muốn phá sập hệ thống đã phục vụ nước này một cách khá tốt đẹp?
Nhưng quan điểm này quá lạc quan. Trong quá khứ sự hội nhập đến trước xung đột. Âu châu nằm trong biển lửa vào năm 1914 mặc dù Đức là thị trường xuất cảng lớn thứ hai của Anh và Anh là thị trường lớn nhất của Đức. Nhật Bản trở nên giầu có và gia nhập vào nhóm các cường quốc Âu châu trước khi xâm chiếm Á châu làm thuộc địa một cách tàn bạo.
Một số người khác có quan điểm cực đoan trái ngược lập luận rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt buộc là kẻ thù của nhau. Theo những người này kể từ khi Đế Quốc Sparta lãnh đạo Liên Minh Peloponnesian chống lại Athens [theo lịch sử Hy Lạp 600 năm trước Công Lịch], những cường quốc suy thoái không chịu nhường bước nhanh chóng để thỏa mãn những cường quốc đang vươn lên. Khi sức mạnh kinh tế và quân sự tăng lên, quyền hạn và tham vọng của Trung Quốc cũng sẽ tăng lên. Cuối cùng, Trung Quốc không còn kiên nhẫn được nữa vì Hoa Kỳ sẽ không muốn từ bỏ vai trò lãnh đạo.
Lý do để lạc quan
Quan điểm trên quá đơn sơ và bi quan. Trung Quốc quyết tâm đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ về Đài Loan, Nam Hải, một số hải đảo và tranh chấp về biên giới với Ấn Độ. Tuy nhiên không giống những đại cường quốc trước 1945, Trung Quốc không tìm thuộc địa. Và không giống Liên Bang Sô Viết, Trung Quốc không có chủ thuyết gì để xuất cảng. Thật sự, lý tưởng cấp tiến của Hoa Kỳ có sức thuyết phục hơn là chủ nghĩa Cộng Sản, đạo Khổng đang được làm sống lại, hay bất cứ cái gì khác mà Trung Quốc phải cống hiến. Khi hai nước đều có võ khí nguyên tử, không đáng để giao chiến với nhau.
Trên thực tế, cách đối xử giữa những cường quốc đang vươn lên và những cường quốc đang suy thoái không đơn giản. Hai lần nước Anh lo sợ lục địa Âu châu bị chế ngự bởi một nước Đức đang bành trướng và cả hai lần nước Anh dấn thân vào chiến tranh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ dành vai trò lãnh đạo thế giới của Anh, hai nước vẫn tiếp tục là đồng minh của nhau. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật Bản và Đức vươn dậy từ đám tro tàn và trở thành cường quốc kinh tế thứ hai và thứ ba của thế giới mà không có một dấu hiệu nào muốn thử thách Hoa Kỳ.
Những lý thuyết gia về bang giao quốc tế dành nhiều suy nghĩ về sự suy tàn của những đế quốc. Sự hiểu biết sâu sa về “lý thuyết về chuyển tiếp quyền lực” (power-transition theory) cho thấy rằng những cường quốc được thỏa mãn như Đức và Nhật Bản sau chiến tranh không thách thức trật tự thế giới khi đang vươn lên. Nhưng những cường quốc bất mãn như Đức và Nhật Bản trước chiến tranh nghĩ rằng hệ thống xếp đặt và duy trì bởi những cường quốc đang ngự trị chống lại họ. Trong thời đại hỗn loạn của địa chính (geopolitics), những quốc gia này tin rằng những quyền lợi chính đáng của mình sẽ bị phủ nhận, trừ khi họ ép buộc các nước khác phải tôn trọng.
Theo nhận định của GS David Lampton thuộc Shool of Advanced International Studies, Johns Hopkins University, trong gần cả một thập niên vừa qua, hai đại cường quốc tiến gần đến tình trạng được gọi là hai cuộc đánh cá. Một cách tổng quát, Trung Quốc nằm trong trật tự hậu chiến của Hoa Kỳ, đánh cá rằng những nước khác trên thế giới cần sự giúp đỡ và thị trường của Trung Quốc, sẽ cho phép Trung Quốc làm giầu hơn và mạnh hơn. Hoa Kỳ không ngăn cản sự vươn lên của Trung Quốc với niềm tin rằng sự thịnh vượng cuối cùng sẽ biến Trung Quốc thành một trong những quốc gia ủng hộ chế độ – một “cổ đông có trách nhiệm” theo cách nói của Ông Robert Zoellick, Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao dưới thời Tổng Thống George W. Bush và nay là Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới.
Trong gần cả một thập niên vừa qua, bỏ ra ngoài những xích mích nhỏ, hai cuộc đánh cá trên đã thành công. Trước 2001, Trung Quốc và Hoa Kỳ tranh cãi nhau về Đài Loan, Hoa Kỳ ném bom vào Tòa Đại Sứ Trung Quốc tại Belgrade và vụ đụng độ làm chết người giữa phi cơ do thám EP3 của Hoa Kỳ và một chiến đấu cơ của Trung Quốc. Nhiều bình luận gia vào lúc đó nghĩ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc ở trong chiều hướng nguy hiểm, nhưng những nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ đã không theo đuổi con đường này. Kể từ đó, Hoa Kỳ bận rộn với việc chống khủng bố, và chọn lựa cách ứng phó giản dị với Trung Quốc. Những công ty Mỹ vui vẻ được tiếp cận với thị trường của quốc gia này. Trung Quốc cho chính phủ Hoa Kỳ vay một số tiền lớn lao.
Điều này rất phù hợp với Trung Quốc. Đã từ lâu Trung Quốc kết luận rằng cách tốt nhất để xây dựng quyền lực quốc gia toàn diện là bằng cách phát triển kinh tế. Theo sự phân tách của Trung Quốc qua những sách trắng và những bài diễn văn vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Trung Quốc cần một “Quan Niệm An Ninh Mới.” Phát triển cần sự ổn định. Điều này đòi hỏi rằng những quốc gia lân cận với Trung Quốc không cảm thấy bị đe dọa.
Để làm các nước láng giềng an tâm cũng như để chứng tỏ là một công dân tốt, Trung Quốc gia nhập những tổ chức quốc tế mà một thời đã tránh xa. Đây là cách an toàn nhất để đối phó với ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Trung Quốc lãnh đạo cuộc thương thuyết giữa sáu nước để ngăn chặn chương trình nguyên tử của Bắc Hàn. Chính phủ Trung Quốc ký kết Hiệp Định Chống Việc Thử Nghiệm Võ Khí Nguyên Tử Toàn Diện (Comprehensive Test-Ban Treaty) và một cách tổng quát chấm dứt phổ biến võ khí (mặc dù những công ty đểu cáng vẫn tiếp tục việc này). Trung Quốc gửi nhiều nhân viên tham dự vào những hoạt động duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc hơn là các thành viên thường trực của Hội Đồng An Ninh hoặc bất cứ quốc gia nào trong tổ chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chắc chắn là vẫn còn có những tranh chấp và khác biệt. Nhưng những nhà ngoại giao, những người làm chính sách, và giới học giả tự cho phép mình tin tưởng rằng trong thời đại nguyên tử, Trung Quốc có thể trỗi dậy thành một đại cường quốc mới một cách hòa bình. Tuy nhiên, sự tin tưởng đó đã yếu đi. Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã tranh cãi với Nhật về việc một chiếc thuyền đánh cá của Trung Quốc đã đâm vào ít nhất một lần, nếu không phải là hai, hai chiến hạm bảo vệ duyên hải ngoài khơi của một chuỗi đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Diaoyu.
Trước đó, Trung Quốc đã không ủng hộ Nam Hàn về vụ một chiến hạm của Hải Quân Nam Hàn bị bắn chìm với 46 thủy thủ bị thiệt mạng – mặc dầu một nhóm chuyên viên quốc tế đã kết luận rằng chiến hạm Cheonan bị tấn công bởi một tầu ngầm của Bắc Hàn. Khi Hoa Kỳ và Nam Hàn phản ứng lại bằng cách tổ chức một số cuộc tập dượt hỗn hợp ở Hoàng Hải (Yellow Sea), Trung Quốc đã phản đối và đã buộc một cuộc tập dượt phải dời qua biển Nhật Bản. Và khi Bắc Hàn nã đạn vào một hòn đảo của Nam Hàn vào tháng vừa qua, rõ ràng là Trung Quốc miễn cưỡng lên án Bắc Hàn.
Trung Quốc cũng đã bắt đầu xếp việc dành chủ quyền trên những phần rất lớn của Nam Hải vào danh sách sáu “quan tâm quan trọng nhất” của Trung Quốc – một ngôn ngữ mới đã làm những nhà ngoại giao lo ngại. Khi các nước hội viên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (Association of South-East Asian Nations – ASEAN) than phiền tại buổi họp tại Hà Nội vào mùa Hè, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Trung Quốc Yang Jiechi đã tức giận tuyên bố: “Tất cả quý vị nhớ rằng bao nhiêu thịnh vượng kinh tế của quý vị dựa vào chúng tôi.” Theo báo cáo, ông ta cũng phản ứng bằng cách nhổ nước bọt.
Năm ngoái, một bài xã luận của tờ Nhật Báo Nhân Dân của Trung Quốc đã tấn công Ấn Độ sau khi Thủ Tướng của nước này, Manmohan Singh, viếng thăm một địa điểm trong vùng tranh chấp gần Tây Tạng; Barack Obama bị đối xử một cách không xứng đáng, lần thứ nhất trong cuộc viếng thăm Bắc Kinh và lần thứ hai tại Hội Nghị về môi trường tại Copenhagen. Tại đây một viên chức ngoại giao cấp thấp của Trung Quốc vừa lắc vừa chỉ ngón tay vào nhà lãnh đạo của thế giới tự do như để quở trách. Những chiến hạm của Trung Quốc liên tiếp quấy rối tầu của Hải Quân Hoa Kỳ và Nhật Bản, kể cả khu trục hạm USS John S. McCain và tầu tuần thám USNS Impeccable.
Những điều này xem ra nhỏ bé nhưng mang tính cách quan trọng vì cả đôi bên đều dò dẫm nhau. Hoa Kỳ liên tục tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chấm dứt quan hệ bình thường và trở thành gây hấn – Trung Quốc cũng tìm kiếm những dấu hiệu chứng tỏ rằng Hoa Kỳ và các nước đồng minh cấu kết với nhau để ngăn cản sự vươn lên của Trung Quốc. Mọi sự đều bị pha trộn với mầu sắc của sự ngờ vực có tính cách chiến lược.
Chăm chú nhìn qua ống kính này, những người theo rõi Trung Quốc phát hiện một sự thay đổi. Ông Richard Armitage, Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao dưới thời Tổng Thống George W. Bush nói: “Chính sách ngoại giao thân thiện đã qua rồi.” Yukio Okamoto, một chuyên viên về an ninh Nhật Bản nhận xét rằng: “khát vọng về quyền lực của Trung Quốc khá rõ rệt.” Những nhà ngoại giao với điều kiện dấu tên nói về những ngờ vực và lo ngại trong sự giao tiếp với Trung Quốc. Mặc dù sự liên lạc hàng ngày giữa các bộ của hai chính phủ vẫn trôi chảy, nhưng “sự ngờ vực chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục tăng thêm” theo nhận xét của chuyên gia về Trung Quốc, Boonie Glaser của Trung Tâm Nghiên Cứu chiến Thuật và Quốc Tế (Centre for Strategic and International Studies) tại Washington-DC.
Không có thể tránh được sự suy đồi này. Hòa bình vẫn có ý nghĩa. Trung Quốc phải đối phó với những vấn đề to lớn ở trong nước. Trung Quốc hưởng lợi từ thị trường Hoa Kỳ và liên hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, cũng giống như vào năm 2001. Đảng Cộng Sản Trung Quốc và những nhà lãnh đạo Tòa Nhà Trắng dù thuộc bất cứ khuynh hướng chính trị nào cũng đều thu thập được nhiều lợi ích từ phát triển kinh tế hơn bất cứ cái gì khác.
Những nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ điều này. Vào tháng 11-2003 và tháng 2-2004, Bộ Chính Trị của Trung Quốc đã nhóm những phiên họp đặc biệt về sự hưng thịnh và suy thoái của các quốc gia kể từ thế kỷ 15. Những nhà làm chính sách Hoa Kỳ dư hiểu biết rằng mặc dù đối phó với một Trung Quốc mạnh sẽ khó khăn, không thể có một Trung Quốc bất mãn và hùng mạnh.
Tuy nhiên ngày nay nhiều yếu tố về nhiều mặt, từ chính trị nội bộ đến hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chánh, kết hợp lại làm cho mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn. Sự rủi ro không phải là chiến tranh – vào giai đoạn hiện nay điều này gần như không thể nghĩ ra được, nếu chỉ vì rủi ro quá to lớn, rất bất lợi cho mọi người. Sự nguy hiểm là các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ tạo ra một nền tảng cho sự đối kháng sâu đậm trong thập niên sắp tới. Điểm này được Ông Henry Kissinger mô tả tốt nhất.
Khía cạnh đen tối
Dưới thời Tổng Thống Richard Nixon, Ông Kissinger đã tạo điều kiện cho 40 năm hòa bình ở Á châu bởi nhìn thấy rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng hưởng lợi khi hợp tác làm việc với nhau thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Ngày nay, Ông Kissinger lo âu. Tại buổi họp của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế về Chiến Lược (International Institute for Straregic Studies) vào tháng 9 vừa qua, Ông Kissinger nhận xét rằng mang Trung Quốc vào trật tự thế giới còn khó hơn là mang Đức quốc vào một thế kỷ trước.
Theo Ông Kissinger: “Đây không phải là một vấn đề kết hợp một quốc gia thuần nhất mà là một cường quốc to lớn phát triển toàn diện… DNA của cả hai quốc gia có thể tạo ra một mối quan hệ thù nghịch ngày càng lớn rất giống như hai nước Đức và Anh chuyển từ bạn sang thù… Washington hoặc Bắc Kinh đều không thực tập một quan hệ cộng tác với sự bình đẳng. Những nhà lãnh đạo của hai nước không có một nhiệm vụ nào quan trọng hơn là cần nhận thức một chân lý rằng không bao giờ một nước này có thể chế ngự nước kia và sự xung đột giữa hai nước sẽ làm kiệt quệ xã hội và làm hại cho triển vọng hòa bình thế giới.”
Không có nơi nào mà sự kình địch chớm nở lại rõ rệt hơn là giữa quân lực của Hoa Kỳ và quân lực của Trung Quốc, một lực lượng đang được tối tân hóa nhanh chóng. Về toàn bộ, quân lực của Hoa Kỳ siêu việt hơn nhiều. Nhưng quân lực của Hoa Kỳ sẽ không còn có thể đoạt được chiến thắng một cách dễ dàng ở trong vùng duyên hải của Trung Quốc.
Bản tiếng Việt: Nguyễn Quốc Khải© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment