Pages

Wednesday, December 1, 2010

Núm ruột quê hương [1]

Một góc làng quê Việt Nam
Tưởng Năng Tiến
Đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi.
(Phạm Duy _Thuyền Viễn Xứ )
Vào những năm đầu của thập niên 1980, khi phong trào vuợt biển tìm tự do lên đến điểm cao nhất ở Việt Nam, người ta hay nghe những “người di tản buồn” nghêu ngao hát bài “Sài Gòn Vĩnh Biệt” – của Nam Lộc:
Sài Gòn ơi tôi xin hứa rằng tôi trở về.
Người tình ơi tôi xin hứa giữ vững lời thề… “
So với những kẻ chạy trốn cộng sản từ miền Bắc – hồi đầu thập niên 1950, và chỉ dám hứa hẹn mơ hồ dè dặt với Hà Nội là “biết đâu ngày đó anh về” – thì cái kiểu hứa (đại) cho đã miệng, của những kẻ túa đi từ miền Nam ra nước ngoài, nghe hơi … láu cá.
Họ chỉ hứa cho vui, cho đỡ kỳ, trước khi đành đoạn quay lưng vậy thôi, chớ “giữ vững lời thề” với người tình (lỡ) – xét vào thời điểm đó – rõ ràng hơi bị khó, và chuyện “ trở về” thì còn khó hơn nhiều.
Mới chạy thoát được ra khỏi nước, hàng triệu “boat people” còn chân ướt chân ráo, chưa kịp bước lên bờ, đã nghe “chủ nhà” tới tấp ném theo những lời nguyền rủa (rất) hàm hồ và (vô cùng) ác độc: “đồ đĩ điếm, trộm cướp, bất hảo; đồ trây lười lao động, sợ khó, ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn …”.
Nghe mà thấy ghê! Phen này kể như là đi … đứt. Về chắc chết, chết chắc.
Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Trong lúc giận nên Đảng và Nhà Nước (trót) nói vậy thôi, chứ đã là dân Việt thì dù trôi sông lạc chợ vẫn là “khúc ruột xa ngàn dặm”, và là “một bộ phận không thể tách rời” của quê hương đất nước – như báo và đài của ta, về sau, vẫn thiết tha và ân cần nhắc đi nhắc lại (hoài hoài) như thế.
Được lời như cởi tấm lòng. Thiên hạ quay về nườm nượp. Trong số những người này có ông Nguyễn Cao Kỳ, một nhân vật thuộc hàng ngũ lãnh đạo của chính quyền miền Nam.
Khi được hỏi “ông sẽ nói gì với cộng đồng người Việt ở hải ngoại”, sau khi hồi hương vào tháng 1 năm 2004, ông Kỳ cho biết: “Tôi sẽ nói rằng tôi đã tận mắt chứng kiến những thay đổi lớn lao của đất nước. Nói để cho họ hiểu rằng đừng có ngối cổ mà nhìn lại quá khứ nữa. Cũng đừng có cay cú, cay đắng, chua chát mà làm gì, hãy xóa đi dị biệt hướng tới tương đồng để mà cùng nhau xây dựng đất nước.
Quan niệm tích cực và lạc quan của ông Kỳ về “giấc mơ hồi hương” được chia sẻ (tận tình) bởi một Việt Kiều khác, nhạc sĩ Phạm Duy. Ông cũng vừa từ Hoa Kỳ trở lại Việt Nam, và cũng đã quyết định nhận (lại) nơi này làm quê hương – cho dù có (hơi) khó thương, chút đỉnh.
Khi được hỏi rằng nhà nước CSVN cần phải làm gì thêm nữa không để cho chính sách “đại đoàn kết dân tộc được hữu hiệu hơn”, ngoài chuyện ban hành Nghị Quyết 36, Phạm Duy đã trả lời gọn gàng và dứt khoát – như sau:
Không, Chính phủ VN vừa làm một chuyện hết sức ngoạn mục là Nghị quyết 36. Đó là một cách đưa tay ra với những người thua trận. Thế là đủ rồi”.
Trước cảnh nhân tâm ly tán, và xã hội lầm than, như hiện nay, ở Việt Nam, chủ trương đoàn kết dân tộc để xây dựng quê hương đất nước là chuyện hoàn toàn đúng đắn. Bởi thế, trong thời gian vừa qua – trên rất nhiều cơ quan truyền thông của Nhà Nước CHXHCNVN – nhạc sĩ Phạm Duy, cũng như tướng Nguyễn Cao Kỳ, đã thường lên tiếng khuyên nhủ những kẻ di tản rằng: ”đừng có cay cú, cay đắng, chua chát mà làm gì, hãy xóa đi dị biệt hướng tới tương đồng để mà cùng nhau xây dựng đất nước”.
Coi như một chương sách đã lật qua. Lá đã rụng về cội. Nước đã chẩy về nguồn. Sẽ không còn ai đi nữa. Tất cả đều đã lục tục trở về. Kể cả mấy cái cột đèn, đã lỡ bỏ đi, cũng sẽ trở lại (y) vị trí cũ – như chưa hề bao giờ có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra. Mọi người nên đồng lòng xóa bài làm lại. Vietnamese Exodus ended!
Tưởng vậy nhưng (cũng) không phải vậy. “Đêm nay trên bản đồ”, tuy không còn con thuyền nào ra đi nữa nhưng vẫn có những đoàn người bồng bế dắt díu nhau bỏ trốn – hoặc đang bị bắt đưa về lại một cửa khẩu nào đó, ở Việt Nam.
Ông Thắng A Di là một trong những người (không may) như thế. Năm nay 38 tuổi, người sắc tộc Hmong, quê ở Bắc Hà, ông đã đi từ Lào Cai đến Đắc Lắc, rồi vượt biên sang Lào, và từ đó vượt sông qua nước Thái – vào tháng 6 năm 2005.
“Cùng với 6.500 người Hmong khác, cũng chạy nạn từ Lào sang, gia đình ông Thắng A Di bị nhà cầm quyền Thái Lan coi là những di dân bất hợp pháp. Từ ngày 4 tháng 7, họ bị xua đuổi và không còn chỗ nào khác hơn là tập trung trên hành lang dài 2 KM, dọc theo con lộ chính nơi Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng. Họ che những tấm vải nhựa, nhưng rõ ràng là khó vượt qua được cái nóng vẫn còn gay gắt, hoặc những trận mưa đầu mùa ở vùng đông Bắc Thái … Họ đã trải qua bốn ngày điêu đứng như người chạy loạn, không nơi che mưa nắng, không thực phẩm, không nước sạch, kể cả không có chỗ làm công việc vệ sinh cần thiết …” – theo như tường trình của đặc phái viên Nam Nguyên, từ Bangkok, được RFA phát đi hôm 07 và 28 tháng 7 năm 2005.
Cùng với 6.500 người Hmong khác, cũng chạy nạn từ Lào sang, gia đình ông Thắng A Di bị nhà cầm quyền Thái Lan coi là những di dân bất hợp pháp. Từ ngày 4 tháng 7, họ bị xua đuổi và không còn chỗ nào khác hơn là tập trung trên hành lang dài 2 KM, dọc theo con lộ chính nơi Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng. Họ che những tấm vải nhựa, nhưng rõ ràng là khó vượt qua được cái nóng vẫn còn gay ắt, hoặc những trận mưa đầu mùa ở vùng đông Bắc Thái … Họ đã trải qua bốn ngày điêu đứng như người chạy loạn, không nơi che mưa nắng, không thực phẩm, không nước sạch, kể cả không có chỗ làm công việc vệ sinh cần thiết …” –  theo như tường trình của đặc phái viên Nam Nguyên, từ Bangkok, nghe được qua RFA trong hai hôm 07 và 28 tháng 7 năm 2005.
Dù đã sa chân tới bước đường cùng, đến nông nỗi phải xin ăn để sống, nơi quê người đất khách, ông Thắng A Di vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng “nếu phải chết em thà chết tại đây” (RFA 2005/07/28).
Nơi mà ông Thắng A Di, cùng toàn gia đình, quyết định ở lại để chết, thay vì trở lại cố hương, là thung lũng Ban Huay Nam Khao (ở phía Bắc tỉnh PhetChabun, giáp ranh giới Thái – Lào) và được gọi một cách rất thơ mộng – theo âm tiếng Việt – là Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng.
Cũng vào thời điểm này, năm trước, người ta cũng đã một tiếng kêu thương (đến xót lòng) tương tự của một người dân sắc tộc miền núi khác – ông Ralanpee, từ Cao Miên: ”Tôi thà chết ở đây, hơn là trở lại Việt Nam” – (BBC NEWS 2004/07/21).
Hai ông Thắng A Di và Ralanpee, rõ ràng, không đủ “tinh tế” để nhìn ra sự “ngoạn mục” của Nghị Quyết 36 – như nhạc sĩ Phạm Duy. Ở tuổi 38, họ cũng không có đủ dĩ vãng để đừng “ngoái cổ lại nhìn mà cay cú và chua chát” – theo như lời khuyên (chí tình) của tướng Nguyễn Cao Kỳ, dành riêng cho đám dân đi tị nạn. Cả hai đều nằng nặc, nhất định không chịu trở về (để “thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc”, và “xây dựng đất nước”) chỉ vì họ biết chắc rằng về là chết (mẹ) thế thôi.
Khi hai ông Nguyễn Cao Kỳ và Phạm Duy được tặng hoa, và đón tiếp ở phi trường Tân Sơn Nhất thì hàng trăm người như ông Ralanpee phải trải qua “một cảnh tượng vừa kinh hoàng, vừa tuyệt vọng, xẩy ra giữa tiếng than khóc ầm ĩ của những người không muốn trả về và hành động không thể chấp nhận được của một số nhân viên an ninh địa phương” – theo như tường thuật của Khanh Nguyễn và Gia Minh, được RFA phát đi hôm 23 tháng 7 năm 2005:
“Những người bị cảnh sát Cambodia lôi ra xe chở về Việt Nam nằm trong toán chừng 700 người băng rừng từ Tây Nguyên sang xứ Chùa Tháp xin tị nạn chính trị hồi năm ngoái, sau khi họ tổ chức hoặc tham gia biểu tình phản đối nhà cầm quyền Hà Nội lấy đất canh tác hoặc không cho họ được hưởng quyền tụ do tín ngưỡng”.
Lúc hai ông Phạm Duy và Nguyễn Cao Kỳ trả lời phỏng vấn ở Sài Gòn, ca ngợi sự “ngoạn mục” của Nghị Quyết 36, và tính cách “đúng đắn” của chính sách đoàn kết dân tộc thì gia đình ông Thắng A Di đang sống “điêu đứng như người chạy loạn, không nơi che mưa nắng, không thực phẩm, không nước sạch để uống” – nơi Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng, ở Thái Lan.
Cũng như hai ông Ralanpee và Thắng A Di, phần lớn những kẻ ra đi muộn màng, từ đầu thế kỷ này, đều là dân miền núi. Họ là những đồng bào Thượng, theo như cách nói thân ái của những kẻ ở miền xuôi. Nói vậy nhưng không phải vậy.
Trong ánh mắt của rất nhiều người Việt, chứ chả riêng gì hai ông Phạm Duy và Nguyễn Cao Kỳ, đồng bào Thượng – có lẽ – không phải là đồng bào (thiệt). Chả mấy ai cảm thấy xót xa trước trước những bất công và nỗi đau đớn, đắng cay mà họ đang phải ghánh chịụ cả.
Còn đối với những kẻ đang nắm quyền bính ở Việt Nam thì núm ruột của những sắc dân thiểu số – không tiền, bất kể gần xa – chỉ là thứ ruột thừa, cần cắt bỏ.
Dân tộc Việt sẽ còn gặp nhiều thảm kịch khác nữa – trong tương lai gần, ngay cả sau khi những người cộng sản đã đội nón ra đi – nếu cái nhìn hẹp hòi và thiển cận này không được nhận diện và loại bỏ.
© Tưởng Năm Tiến
© Đàn Chim Việt
(Bài viết từ năm 2005, Đàn Chim Việt đăng lại nhân cuộc tranh luận của bạn đọc liên quan tới tướng Nguyễn Cao Kỳ)

No comments:

Post a Comment