Những tưởng với những gì mà mấy ngài công an chỉ biết “còn Đảng còn mình” hay mấy ông khoác quân phục nhưng cầm bút thuê cho những kẻ “trung với Đảng” và cả bộ máy tuyên truyền phải đi theo “lề phải” đã tỏ ra hết sức cay cú, hậm hực, tức tối với những quan điểm nảy lửa chống lại chế độ độc đảng của Luật sư Cù Huy Hà Vũ thì ông Vũ sẽ phải bị “tùng xẻo” trước bàn dân thiên hạ hay chí ít cũng phải bị khép vào tội “lật đổ chính quyền nhân dân” với án phạt cao nhất là “tử hình”, thế nhưng ông Vũ chỉ bị khép vào tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 1, điểm C, điều 88, Bộ luật Hình sự, với án phạt rất du di từ 3-12 năm tù. Đến nay cũng không thấy cơ quan tố tụng còn nhắc lại sự kiện “hai bao cao su đã qua sử dụng” do “cơ quan an ninh điều tra” thu được khi bắt ông Vũ. Chỉ mới hơn một tháng sau khi bị bắt, Luật sư Cù Huy Hà Vũ còn đang có cơ trở thành người “tuyên truyền chống đối, phỉ báng nhà nước” được đưa ra xét xử sớm nhất so với những người “tuyên truyền” khác bị bắt trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ đòi phải xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp hiện hành, đòi phải thiết lập chế độ đa đảng, đòi phải trả lại danh dự cho những viên chức Việt nam Cộng Hòa, đòi phải gọi “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” là “nội chiến”. Đó đều là những vấn đề chạm đến những điều cốt tử, những dối trá, lừa mỵ đang làm nền cho sự tồn tại của chế độ độc đảng hiện hành. Thế nhưng, để bắt Luật sư Vũ, chính quyền đã phải thực hiện những trò ty tiện nhất, phải huy động cả bộ máy tuyên truyền để bôi nhọ, lấp liếm cho hành vi trấn áp. Nhưng cuối cùng chính quyền cũng chỉ dám “truy tố” Luật sư Vũ vào một tội danh khá tầm thường và đang luống cuống muốn khép nhanh vụ việc. Cách đây chưa đến 10 năm, chỉ nội việc đưa tin về dân oan cho các tổ chức nước ngoài cũng đã bị giam giữ hàng năm trước khi bị khép vào tội “gián điệp” với mức án từ “12 năm, 20 năm, chung thân hoặc tử hình”.
Như vậy với vụ bắt giữ và truy tố Luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhà nước độc tài đảng trị đã tự phơi ra nhiều hơn sự suy đồi, hèn hạ về tư cách và sự yếu kém, bất lực trong khả năng đối phó với một tiếng nói phản đối triệt để, đanh thép của xã hội. Một chế độ chính trị đã không còn tính chính danh và không thể duy trì khả năng tự do trấn áp như đã có là một chế độ chính trị rất mỏng manh, cho dù nó vẫn có thể tiếp tục bắt bớ, trấn áp. Những án phạt hàng chục năm tù hay tử hình còn không thể lung lạc được nhiều người thì thật là dại dột khi đi phết vài năm tù cho người đã cả gan bỏ cả danh gia, vọng tộc, phú quí để làm người cương trực, yêu nước. Lịch sử luôn cho thấy khi không thể thẳng tay tiêu diệt được người đối lập thì tốt nhất là nên thừa nhận sai lầm và hợp tác thành thực. Nếu không, những bắt bớ, trấn áp nửa vời chỉ là hành động tự “vẽ nhọ, bôi hề” thêm cho chế độ, vốn đã bị căm ghét âm ỉ từ lâu rồi, mà thôi.
No comments:
Post a Comment