Pages

Wednesday, July 7, 2010

Vụ bê bối gián điệp Nga tại Mỹ: Điệp viên hay là bọn lừa đảo?

Michał Potocki & Mariusz Janik  - Lê Diễn Đức dịch
Những "điệp viên" Nga trước toà án - Ảnh: AP
11 điệp viên Nga được ngụy trang hết sức khôn ngoan đã bị FBI bắt giữ – Đây là thông tin giật gân trong tuần qua trên trang nhất của các báo. Và điều này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới thăm Barack Obama. Cho đến hôm nay, người ta vẫn không biết liệu có phải là sự tình cờ.
Còn nếu không, thì tại sao vụ bê bối gián điệp nổ ra đúng lúc này? Các nhà báo và các chuyên gia trình bày ít nhất là vài cách diễn giải về sự kiện này.
Chúng ta đều đã biết đến mạng lưới điệp viên bao gồm những người được gọi với danh xưng là “những người bất hợp pháp”. Cách gọi này có nguồn gốc từ tiếng lóng, có nghĩa là điệp viên không hoạt động dưới lốt ngoại giao, mà thâm nhập vào xã hội của nước đó, có cuộc sống bình thường, thường sử dụng lý lịch bản thân không đúng với sự thật. – Những người bất hợp pháp là một phần của cộng đồng – họ hiểu biết sinh hoạt xã hội và các vấn đề của nó, sau đó cung cấp chúng cho các chuyên gia từ Đại sứ quán – Edward Luttwak, nhà nghiên cứu chiến lược, cựu cố vấn cho Tổng thống Mỹ George H.W. Bush cho biết trong một cuộc phỏng vấn của “DGP”.
- “Những người bất hợp pháp hoạt động trên ba cấp độ. Đầu tiên chỉ đơn giản là cuộc sống – sống tại một nơi cụ thể, có công ăn việc làm, con cái. Thứ hai là hoạt động xã hội hoặc làm chuyên môn, cho phép làm quen với những người trong các lĩnh vực kỹ thuật, trí tuệ và sân sau chính trị của những người quan trọng ở Washington. Và thứ ba – dần dần kết bạn với họ, phát triển mạng lưới các quan hệ, để cuối cùng thông qua hàng xóm hoặc đồng nghiệp làm quen được ai đó làm việc ở Bộ Ngoại giao, CIA và các tổ chức quan trọng khác. Một tính năng đặc trưng của hoạt động tình báo Nga là xác định thật rõ căn cước của những người có thông tin và điểm yếu của họ – họ cần tiền, hay đang giấu diếm một vụ bê bối nào đó” – Luttwak nói.
Càng kéo dài thời gian kể từ vụ bắt giữ này sẽ càng ít sáng tỏ hơn những động cơ của họ. Các thành viên của mạng lưới không bị buộc tội phản quốc. Bởi vì đơn giản là suốt mười năm hoạt động 11 điệp viên đã không ăn cắp được một cái gì được xem là những thông tin bí mật. Từ đây đặt ra câu hỏi, tại sao họ bị bắt, trong khi – như lập luận của FBI – các hoạt động của họ đã được quan sát kín đáo bởi cơ quan phản gián của Hoa Kỳ? Theo giải thích của các chuyên gia, phá vỡ mạng lưới là phương sách cuối cùng – dễ dàng để quan sát một mạng lưới đã làm việc hoặc tìm cách kiểm tra ở phía mình, hơn là bắt đầu từ đầu số không với một mạng được xây dựng sau khi phá vỡ mạng đầu tiên.
Tại sao FBI đã chọn đúng vào thời điểm mà mối quan hệ với Nga đang thân thiện hẳn lên? Cuối cùng, tại sao Moscow – mặc dù dơ tay lên gân bắp ngay lập tức sau khi công bố vụ bê bối – đã nhanh chóng cho qua trên chương trình nghị sự? Vì không biết bất cứ điều gì chắc chắn, nên xuất hiện hàng chục giả thiết đưa ra bởi các nhà báo Nga và phương Tây, các nhà khoa học chính trị và chuyên gia tình báo.
Giả thiết 1: Người Nga đã bán đứng họ
“Xem ra có vẻ các gián điệp Nga là một món quà của bạn hữu ở Moscow” –  Giả thiết này được tờ báo Ý “La Stampa” đưa ra.
Trong bối cảnh Nhà Trắng ngày càng đối thoại tốt hơn với điện Kremlin, một mạng lưới điệp viên rộng lớn như vậy (cộng thêm hoàn toàn vô giá trị, nếu chú ý đến hiệu quả công việc của họ) đã trở thành một vật cản không cần thiết. 11 điệp viên nhận lương thường xuyên, do đó, người Nga để bảo đảm cuộc sống cho họ phải bỏ ra ít nhất số tiền hàng trăm ngàn đô la. Có thể là họ đã là những điệp viên nằm phục sẵn chờ đợi tín hiệu, giống như với Lee Harvey Oswald (sát thủ của John F. Kennedy) thức tỉnh sau cuộc hôn mê và sẽ hạ sát một nhà lãnh đạo kế tiếp của Mỹ. Trong mối quan hệ Nga-Mỹ mới, điều này được xem như đã lỗi thời – Tờ báo Ý viết.
Giả thiết 2: Tình báo của Nga rất nghiệp dư
Vụ bê bối gián điệp cho thấy các điệp viên tình báo Nga rải rác các nơi chỉ là như thế – Những nhà bình luận khác viết.
Các điệp viên đã phạm các lỗi cơ bản, đã sử dụng mật khẩu và các ám hiệu, còn trung tâm tại Moscow nhận được những thông tin may mắn, thì những thông tin ấy có thể tìm thấy trên các trang web và các báo. Tờ “Irish Times” của Ireland lưu ý rằng, kết quả nhiều năm làm việc của các điệp viên là họ đã được xâm nhập được vào giới đưa tin “đồn đại”. Theo Anne Applebaum của tờ “Washington Post”, lãnh đạo Nga đánh giá người Mỹ bằng cái thước đo của mình. – “Cứ nghĩ rằng, những thông tin mà điện Kremlin cho phép được công bố trên phương tiện truyền thông bị nhà nước kiểm soát ở Moscow, thì thực tế cũng như thế ở Washington. Theo cách suy nghĩ cũ của KGB, các thông tin gọi là “bí mật” từ các điệp viên đáng tin cậy hơn bất cứ điều gì chính phủ Hoa Kỳ thông báo công khai” – Applebaum viết.
Giả thiết 3:  Khiêu khích của FBI
Cựu giám đốc của An ninh Liên bang Nga, hiện là dân biểu của đảng “Một nước Nga” Nikolai Kovalov bị sốc trước thông tin rằng, cả nhóm điệp viên giữ liên lạc thường xuyên với nhau. – “Mười một người làm việc với nhau và quen biết nhau. Đối với người chuyên nghiệp là chuyện khôi hài” – Kovalyov nói trong phỏng vấn của hãng thông tấn Nga Novosti.
Theo ông, những người được gọi là gián điệp kia là những tay lừa đảo bình thường và chuyện này là một sự khiêu khích của FBI. Bằng cách này, những con diều hâu của Mỹ trong lực lượng quân sự sẽ phá tan mối quan hệ đang được cải thiện lại với Nga, bởi vì  Obama loại bỏ mất của họ một kẻ thù bên ngoài, cái lý do biện minh cho việc duy trì ngân sách rất lớn. Và hành động này sẽ có hiệu quả.
– “Tất cả sẽ đánh vào giá trị quan trọng nhất: lòng tin” – Victor Kriemieniuk của Học viện Khoa học Nga nói với tờ báo Nga “Moskowsky Komsomolc”. Nhà Mỹ học này tin rằng, hậu quả là thỏa thuận giảm bớt kho vũ khí START có thể bị hoãn phê chuẩn. – “Tin tạo ra bởi cơ quan an ninh muốn vẽ Obama với một hình ảnh sau: một thanh niên, thiếu kinh nghiệm, bị lừa, và muốn cộng tác với những người không đáng tin cậy” – Kriemieniuk nói thêm.
Giả thiết 4: Các điệp viên thực sự thì vẫn tự do
Chúng ta không nên xem thường mạng lưới này – Một số nhà báo phương Tây kêu gọi. Các điệp viên đã có tiền bạc và được trang bị công nghệ thông tin tình báo hiện đại nhất. Có lẽ các điệp viên bị bắt giữ ở Mỹ vì họ đã chuẩn bị cho một bất ngờ với phong cách James Bond –  Tờ “The Independent” của Anh viết.
Theo Edward Lucas của tờ “Economista” nói đây mới là đỉnh của núi băng chìm. 11 người bị bắt giữ bề ngoài thu thập một số thông tin có vẻ như không thích hợp, nhưng sau đó được các điệp viên khác hoạt động tại Mỹ sử dụng. – “Các điệp viên thực hiện công việc thực sự vẫn còn tự do” – Lucas nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nga Rosbalt. Theo ông, sau Chiến tranh Lạnh, tinh báo phương Tây đã thừa nhận rằng, họ không còn cần phải đối phó với Nga. Ngay lập tức Điện Kremlin tận dụng cơ hội tăng mức độ xâm nhập, ít hơn vào lĩnh vực quốc phòng, nhiều hơn vào các tập đoàn lớn và ngân hàng.
- “Trong lĩnh vực này tình báo thực hiện một nhiệm vụ dễ đi: tìm một điệp viên như vậy đơn giản hơn là đào tạo một người trẻ tuổi, giành được bằng cấp tương ứng, và sau đó làm việc trong tình báo hấp dẫn” – Luttwak nói.
Giả thiết 5: Trấn an người Mỹ
Theo Vyacheslav Nikonov, người đứng đầu Quỹ Polityka, cháu nội của Vyacheslav Molotov, vụ bắt giữ 11 gián điệp như một cử chỉ thiện chí vì lợi ích của những công dân Mỹ bình thường quan tâm đến sự hâm nóng lên bất ngờ trong mối quan hệ với Nga.
Nhận định này rất có thể – theo viện Gallup – ba phần tư người Mỹ tin rằng sức mạnh quân sự của Nga trong tương lai có thể tạo nên mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Theo báo cáo của ORC Institute, 28 phần trăm ngươi Mỹ cho rằng Thượng viện không nên phê chuẩn hiệp ước với Nga về hạn chế vũ khí chiến lược.
- “Các nhà chức trách Mỹ phải thấy rằng, dù cải thiện các quan hệ với Nga thì vẫn phải đứng về phía lợi ích của đất nước” – Nikonov lập luận trong một cuộc phỏng vấn với báo Nga “Trud” – “Còn Kremlin hiểu rằng, điều này chỉ là một thiện chí, cho nên thôi không nói nữa rằng, nó sẽ dẫn đến một Chiến tranh Lạnh mới. Gần đây, người ta cũng đã phát hiện ra một số điệp viên của Israel ở Mỹ, nhưng không làm tổn hại gì đến quan hệ truyền thống giữa Washington và Jerusalem”.■
Nguồn: Nhật báo Dziennik 3/07/2010
Bản tiếng Việt © Lê Diễn Đức

No comments:

Post a Comment