Hoàng Linh Vương
Từ những năm gần đây, báo chí quốc tế đã đề cập đến dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý đồ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới. Đến hôm nay, càng ngày càng dồn dập, các quan sát viên, các bình luận gia của nhiều cường quốc như Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Anh, Nhật, Úc, Singapore v.v… một cách khẩn thiết hơn, đã và đang lần lượt đưa ra ánh sáng những thống kê rất đáng lo ngại, cảnh báo về nguy cơ của một Trung Quốc mới. Một tham vọng với qui mô tầm cỡ đang được thực hiện. Đó là âm mưu thống lĩnh toàn cõi địa cầu của Trung Quốc. Từ những động thái mà thế giới đang theo dõi chỉ cho thấy sự thực hiện đang ở tiến độ nguy hiểm.
Thế giới -dù hoàn cảnh nào- cũng không thể chấp nhận nguy hiểm của sự độc đoán. Vào đầu thập niên 90, khi khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ vì nền kinh tế kiệt quệ. Nga phá sản, mối lo ngại về một thế giới không quân bình mà Mỹ có khả năng trở thành bá chủ là hết sức có thể. Tình huống thế giới sẽ bị thao túng này cho dù là từ Mỹ đi nữa cũng không được phép xảy ra. Liền sau đó, một liên minh Âu châu -hoàn toàn không lệ thuộc Mỹ- được thành lập để quân bình cán cân. Đó là Europa Union (EU) ngày nay.
Trong quá trình từ đó, trên chính trường quốc tế, với “chức năng“ của mình, EU đã chứng tỏ là một tổ chức đối trọng (nhưng không đối địch) với Mỹ một cách xuất sắc về cả mặt chính trị lẫn kinh tế. Mỹ cũng đã có nhiều pha phải tối mặt vì EU không nhất quán trong những chương trình điều phối, hành động chống lại khủng bố vì nền hòa bình chung của thế giới -trường hợp Iraq và Afghanistan vừa qua- nhưng Mỹ cũng đã phải bằng lòng chấp nhận.
Tuy nhiên, một điều rất đáng mừng là cả Mỹ cũng như EU đều có chung một tiêu chí dân chủ và tiêu chuẩn nhân quyền, cùng có chung một mục đích là điều động trật tự toàn cầu (do rối loạn phát sinh vì nhân số tăng trưởng, thiếu lương thực, môi sinh, khủng bố…), và bảo vệ môi trường hòa bình trên toàn thế giới, trong tinh thần tôn trọng chủ quyền của nhau. Chính vì vậy, tham vọng bành trướng bá chủ thế giới của Trung Quốc là trấn áp, hiếu chiến, là vi phạm chủ quyền nước khác nên đã trở thành vấn nạn cho toàn cầu và đang bắt đầu gặp phản ứng của cả Mỹ lẫn EU. Nói một cách phổ quát hơn, là của thế giới hiện nay.
Người ta không khỏi lạnh xương sống vì qui mô chuyển biến và những chứng cứ về âm mưu thống trị này. Trung Quốc đã và đang có mặt khắp nơi, cả ở Phi châu và Trung Đông, bất chấp xa xôi, tốn kém hay rủi ro. Chắc hẳn trước khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc có thể gây thêm rối rắm xa hơn cho thế giới, thì Việt Nam của chúng ta đã trở thành nồi cháo tương. Là một nước sát nách với Trung Quốc (môi hở răng lạnh), Việt Nam dĩ nhiên phải là một nước bị ảnh hưởng đầu tiên và sẽ nằm dưới áp lực nặng nhất của Trung Quốc.
Với Việt Nam, một sự thật lại quá đau lòng, từ việc Trung Quốc đã “lèo lái“ thành công -bất chấp dư luận- để được khai thác quặng nhôm ở tây nguyên với cả một đội quân công nhân hùng hậu -vùng khai thác biến thành lãnh địa bất khả xâm phạm của Trung Quốc- đến việc thuê được bao la rừng đầu nguồn, là chứng cớ để cho rằng Nhà cầm quyền Việt Nam đã tỏ ra thuần phục. Lại càng có cơ sở hơn để khẳng định hành động này của cấp lãnh đạo Việt Nam là cố ý-là có ý đồ mờ ám-vì những tiếng nói chống lại sự lấn chiếm lãnh thổ của Trung Quốc ở các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều bị cấm đoán, bị bắt bớ, bị khủng bố đe dọa.
Ai trong chúng ta chỉ vì một ân tình nào đó trước kia mà hôm nay dám quyết định nhân nhượng dâng đất nước cho Đại Hán để phải mang tội phản bội với tổ quốc ngàn đời? Chắc chắn là không ai (có trí óc) dám dại dột làm điều này. Vậy nếu không vì tiền tài và tham vọng làm tối mắt-của một nhóm cố hữu độc tài cầm quyền trong Đảng Cộng Sản, đang lung lay vì áp lực dân chủ từ các nhà trí thức, từ nội bộ Đảng và từ quần chúng nên cần thế lực để dựa dẫm-thì còn có tình huống và lý do nào khác? Trung Quốc lại cũng đang cần Việt Nam tự ngả vào lòng họ để khỏi tốn công tốn sức. Thế là xong.
Trái lại, vì nền hoà bình chung, quốc tế không thể chấp nhận sự bành trướng đầy rẫy những nguy hiểm này của Trung Quốc. Cũng như thông lệ, Mỹ (luôn tỏ ra là người anh cả) tiên phong xốc vác lãnh trách nhiệm ngăn chặn hiểm hoạ này. EU (đa phần là các nước trong khối đồng minh NATO) thì đã nhiều lần chỉ trích đích danh về sự bành trướng của Trung Quốc đang xảy ra và sẽ có những tác động cụ thể. Nga và các nước Đông Âu cũ còn đang bận rộn với những ngổn ngang của nền kinh tế nước mình nên chưa có những chủ động thấy được, nhưng họ đã tỏ thái độ bức xúc.
Mỹ sau một thời gian dè dặt, chẳng đặng đừng, vừa công khai xác định lập trường của mình là quan điểm tạo ổn định đối với vùng biển Đông Nam Á mà Trường Sa và Hoàng Sa tọa lạc (còn gọi là vùng lưỡi bò). Họ đang tập trung, tìm dư luận đồng thuận và đồng minh điều hợp nhằm đưa ra phương án để ngăn chặn kịp thời tai họa này. Nhật, Nam Hàn, Nam Dương và các nước Á châu tự do khác đang sẵn sàng, không phải để thực hiện chiến tranh, nhưng để đối phó với một cuộc bành trướng xâm lược, từ Trung Quốc. Chắc chắn trong tương lai sắp đến nhiều biện pháp chế tài phong toả kinh tế đối với Trung Quốc sẽ được quốc tế ban hành phù hợp.
Việt Nam -trong bối cảnh này- là một nước rất quan trọng về qui mô chiến lược vì (vô tình) ở ngay cạnh Trung Quốc, lại có vùng hải phận ngoài biển đông Hoàng Sa và Trường Sa là huyết mạch vận chuyển dầu khí (85%) của Trung Quốc từ Trung Đông (trong vùng lưỡi bò), và cũng là cửa ngõ, được dùng làm bàn đạp để tiến về phía nam, tây-nam và đông-nam của Trung Quốc.
Câu hỏi “Theo Tầu hay theo Mỹ” đã được đặt ra một cách không khách quan. Mỹ chỉ là quốc gia đứng đầu trong nhóm đồng thuận ủng hộ cho một thế giới trật tự và hoà bình. Nhóm quốc gia đồng thuận này (gồm EU và các quốc gia Á châu tự do khác) xin được gọi tắt ở đây là đồng minh.
Mỹ và đồng minh-đã bằng cách này hay cách khác-tỏ ý mong muốn Việt Nam tham gia. Đứng ở ngã ba đường, trước tình thế éo le này, biết đâu lại là vận may (nếu biết khai thác) của dân tộc? Biết đâu đây cũng lại là cơ hội “thiên thời địa lợi” để đưa đất nước lên một tầm cao mới?
Vậy Việt Nam nên theo Tầu hay theo Mỹ và đồng minh? Nhìn từ góc cạnh dân tộc, hai câu hỏi căn bản được đặt ra là:
- Thứ nhất: Đâu là chính nghĩa?
- Thứ hai: Đâu là quyền lợi dân tộc?
Làm chư hầu theo Tầu để xâm lược thế giới giành ngôi thứ có phải là chính nghĩa của dân tộc ngày nay không? Và đây có phải là hành động vì quyền lợi dân tộc không? Chắc chắn là không! Tổ tiên đã hơn ngàn năm kinh nghiệm, đã tốn biết bao xương máu mới không bị đồng hóa, mới giữ được mảnh đất này. Không lẽ thế hệ chúng ta vứt bỏ? Trung Quốc không phải không có những cái tốt, nhưng cái văn hóa khép kín nghi kỵ đầy xấu xa của họ đã theo chiều dài lịch sử vận vào dân tộc ta chưa ngóc đầu lên được thì lấy cớ gì để mà nói “có” với hành động “theo đóm ăn tàn” này?
Đôi lời tuyên bố suông “Hoàng Sa và Trường sa thuộc chủ quyền của Việt Nam” và một số động tác tăng cường quốc phòng của Nhà nước Việt Nam về những hợp đồng mua tầu ngầm, chiến đấu cơ… mới đây có ý nghiã gì? Phải chăng nó là mũi tên được bắn đi để đến 2 cái đích: Một là để xoa dịu sự phẫn nộ trước mắt của quần chúng, hai cũng là để tăng cường, chuẩn bị cùng với sư phụ Trung Quốc chinh phục thế giới? Dễ lắm! Nhưng ai dám nghĩ thế?
Biết rằng ngay cả ở Mỹ vẫn còn xảy ra những tiêu cực. Nhưng ở đâu ít hơn? Không cần phải bàn cãi, ai cũng có thể khẳng định Mỹ hiện nay là một nước văn minh tiêu biểu về mọi mặt. Họ có một nền khoa học tiên tiến, có môi trường sinh hoạt xã hội dân chủ pháp chế, có nếp sống bình đẳng pháp trị, và một nền văn hóa nhân văn, dù quá trình lập quốc cũng chỉ mới có hơn 200 năm. Xã hội và luật pháp của Mỹ không dung túng cho những hành động phi nhân. Những lập luận nhằm chối bỏ thực tế này đều là ngụy biện.
Ở đâu ra để có những hiệu quả của sự công bằng tự do này nếu không phải là từ môi trường sinh sống dân chủ trên đất Mỹ? Hầu như tất cả những tiêu cực của chính phủ Mỹ đều do người dân Mỹ chủ động phát hiện đã có thể đảm bảo cho một sự lấn át sẽ bị bẻ gẫy (nếu có) của chính phủ Mỹ. Vào thời trước, chính người dân Mỹ đã rầm rộ phản đối chiến tranh đóng góp phần lớn cho sự quyết định bỏ cuộc của chính phủ Mỹ để kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngay trong lúc bài này được viết, trên VTV4 cũng đang phát sóng những phóng sự về người Mỹ và các cựu chiến binh Mỹ, nói về tâm tư của họ sau cuộc chiến. Họ luôn luôn nhận trách nhiệm về những đổ vỡ trong cuộc chiến dù ở bất cứ góc nhìn nào và họ đang cố gắng tìm đến xoa dịu, hàn gắn. Còn chúng ta? Vẫn nghi kỵ?
Như nước Mỹ (tối thiểu): Giầu mạnh, nhân ái và công bằng! Đây chắc chắn là tiêu chuẩn của một quốc gia mà mọi người con yêu nước đều mong mỏi. Những ý tưởng cho rằng VN quan hệ rồi sẽ bị lệ thuộc vào Mỹ không những là gian trá, mà còn thể hiện sự yếu kém về khả năng, về kiến thức ngoại giao, về định vị chính trị. Nhật và Đức sau thế chiến đều có quan hệ mật thiết với Mỹ (dù trong hoàn cảnh tự nguyện hay bị ép buộc). Cuối cùng, Nhật và Đức cũng đã nhờ vào đó mà trở thành cường quốc (rất nhanh) hôm nay, và họ vẫn độc lập. Điều này đã chứng minh khả năng “thực hiện đế quốc cuả Mỹ ngày nay là rất yếu”. Dân tộc Iraq thì nhìn không tới (hay vì lý do nào đó khác) nên cứ chém giết lẫn nhau hằng ngày. Tại sao chúng ta không (hoặc sẽ) trở thành cường thịnh giống Nhật, Đức?
Hôm nay, Việt Nam đã khó có thể tự mình đương đầu chống nạn “Hán hóa” của láng giềng to, vật đông như kiến cỏ bất đắc dĩ này. Vì tầm chiến lược rất quy mô nên Việt Nam muốn nắm bắt cơ hội thì phải có thái độ dứt khoát, quyết định cho đúng nơi và hành động cho đúng lúc, trước khi thời cơ vụt mất. Người đời bảo “không có mợ thì chợ cũng vẫn đông” đấy.
Thời thế tạo anh hùng! (Nhưng tốt nhất vẫn là không với chiến tranh!). Ai, tổ chức nào có đủ dũng khí, đủ sáng suốt lèo lái con thuyền định mệnh của dân tộc ra khỏi vòng xoáy tai ương này? Tổ Quốc sẽ đời đời nhớ ơn!
© Hoàng Linh Vương
No comments:
Post a Comment