Pages

Wednesday, July 14, 2010

Robert Byrd: Một thí dụ về hòa giải

Tác giả: Đinh Từ Thức
(Ảnh: Linda Davidson/The Washington Post)
Ông Robert Byrd, Nghị sĩ phục vụ lâu đời nhất trong lịch sử Thượng viện Hoa Kỳ – 51 năm – mới qua đời ngày 28 tháng 6, 2010, ở tuổi 92.
Khi còn trẻ, ông Byrd là thành viên của KKK (Ku Klux Klan), một tổ chức nổi tiếng về kỳ thị và có nhiều thành tích bạo động chống người da đen.



Ông Barack Obama, Tổng thống da đen đầu tiên của Hoa Kỳ đã cùng với Phó Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Clinton tới Charleston, Thủ phủ bang West Virginia dự tang lễ, đọc điếu văn trước quan tài của Nghị sĩ Byrd vào ngày 2 tháng 7. Trước đó, ông đã ra lệnh treo cờ rủ trên toàn quốc để tang ông Byrd từ ngày ông qua đời cho đến khi được mai táng vào mùng 6 tháng 7, kéo dài hơn một tuần. Vì trong tuần có ngày Quốc khánh không được treo cờ rủ, ông Obama phải ra một lệnh khác, kéo cờ cao ngày 4 tháng 7, để vinh danh ông Byrd là một người yêu nước vĩ đại.


Ngày 1 tháng 7, quan tài ông Byrd được đặt tại phòng họp khoáng đại Thượng viện ở Washington, để công chúng tới viếng. Đây là việc rất hiếm, chuyện tương tự lần chót diễn ra đã trên nửa thế kỷ, 1959, năm ông Byrd bắt đầu làm Nghị sĩ liên bang.


Có thể nói, đây là một thí dụ điển hình về hòa giải. Nhìn vào cuộc đời Nghị sĩ Robert Byrd, người ta thấy rõ thế nào là hòa giải, và ai phải hòa giải với ai.


Ra đời trong hoàn cảnh nghèo nàn, ông Byrd còn phải chịu cảnh côi cút từ tấm bé: mẹ qua đời vì bệnh dịch, bố bỏ rơi khi mới 10 tháng tuổi, được một bà dì và dượng nuôi dưỡng. Vừa làm vừa học, tuy đứng đầu lớp khi tốt nghiệp trung học trước tuổi 17, nhưng không có tiền theo đại học. Lấy vợ và có con sớm, ông phải làm đủ thứ nghề để lo cho gia đình. Làm nghề cắt thịt và bán siêu thị cả chục năm, rồi làm thợ hàn ở xưởng đóng tàu. Nhưng ông vẫn dành thì giờ học chơi vĩ cầm, và cây đàn đã luôn bên cạnh ông trong mọi cuộc vận động tranh cử.


Trước khi là ứng viên chính trị, Robert Byrd đã hoạt động tích cực cho KKK, được bầu vào chức “Exalted Cyclops”, tương đương với cấp “huyện ủy” của tổ chức này. KKK không những theo chủ trương kỳ thị cực đoan, còn thường có hành vi khủng bố người da đen, như đe dọa, hành hung, đốt nhà, treo cổ. Trong khoảng thời gian cuối 1880 và đầu 1900, có 48 người đã bị treo cổ ngoài vòng pháp luật tại West Virginia, trong số này có 28 người da đen. Hai vụ cuối cùng xảy ra vào tháng 12, 1937.


Ngay khi đã trở thành dân biểu rồi nghị sĩ tiểu bang, tiếp theo là dân biểu và nghị sĩ liên bang, ông Robert Byrd tuy đã ra khỏi KKK, nhưng vẫn theo chủ trương kỳ thị cho mãi đến thập niên 70 của thế kỷ trước.


Robert Byrd là người duy nhất trong khi làm đại diện dân tại Quốc hội đã theo học các lớp đêm để mở mang kiến thức. Ông đi học trong 10 năm, từ 1953 đến 1963, để có được văn bằng Tiến sĩ Luật tại American University. Chính Tổng thống John Kennedy đã trao văn bằng này cho ông trong buổi lễ tốt nghiệp vào tháng 6, 1963.


Tuy đã đủ kiến thức và cơ hội nghiên cứu luật pháp và lịch sử, ông Byrd vẫn theo đuổi chủ trương kỳ thị. Ở địa vị Chủ tịch Tiểu ban Chuẩn chi của Thượng viện về Washington, D.C. (1961-1969), khi Thủ đô chưa được tự trị, ông đã loại bỏ tối đa những người được hưởng trợ cấp xã hội. Dân da đen biểu tình phản đối trước nhà ông ở McLean, ngoại ô Washington, và báo của người da đen ở D.C. đã mở chiến dịch hô hào tẩy chay (Negro boycott) hàng hóa sản xuất tại West Virginia, tiểu bang ông đại diện.


Khi Thượng viện thảo luận về Đạo luật Dân quyền năm 1964 (Civil Rights Act) do Tổng thống Kennedy đề nghị và Tổng thống Johnson thúc đẩy, tuy phe Dân chủ có đa số ghế, và ông Byrd là đảng viên Dân chủ, nhưng ông cương quyết chống dự luật đến cùng. Ông đã dùng biện pháp chót để ngăn cản, là thủ tục “filibuster”, nói tràng giang đại hải để trì hoãn biểu quyết, và đã nói trong 14 giờ 13 phút. Vào dịp này, ông đã tuyên bố: “Con người không được tạo ra bình đẳng hôm nay, và họ đã không được tạo ra bình đẳng vào năm 1776, khi Tuyên ngôn Độc lập được thảo ra. Con người và loài người khác nhau về diện mạo, phong cách, thể lực, khả năng tinh thần, sáng tạo và viễn kiến”. (Men are not created equal today, and they were not created equal in 1776, when the Declaration of Independence was written. Men and races of men differ in appearance, ways, physical power, mental capacity, creativity and vision).


Nghị sĩ Robert Byrd cũng chống lại Đạo luật Bầu cử năm 1965 (Voting Rights Act), và các chương trình giảm nghèo của Tổng thống Johnson. Ông nói: “Chúng ta có thể đem dân chúng ra khỏi những khu ổ chuột, nhưng chúng ta không thể đem sự tồi tệ ra khỏi dân chúng. Có một số người dù họ đi đâu, sự tồi tệ vẫn theo họ. Người dân trước hết phải tự làm sạch nội tình”. (We can take the people out of the slums, but we cannot take the slums out of the people. Wherever some people go, the slums will follow. People first have to clean up inside themselves).

Năm 1967 Nghị sĩ Byrd bỏ phiếu chống việc chuẩn nhận cho ông Thurgood Marshall, người da đen đầu tiên được đề cử vào Tối cao Pháp viện.


Sau khi nhà tranh đấu dân quyền nổi tiếng là Mục sư Martin Luther King Jr. bị ám sát chết vào tháng Tư 1968, đã xảy ra cuộc nổi loạn tại nhiều nơi, và ngay tại Thủ đô Washington. Dịp này, Nghị sĩ Byrd đã gay gắt tuyên bố: “Nếu cần, chúng ta nên điều động cả Hải, Lục, Không, và Thủy quân lục chiến để đem bọn gây rối trở lại vị trí của chúng. Với bọn hôi của, cứ bắn thẳng tay, không thương tiếc”. Ông cũng từng có lần nói rằng đáng lẽ nên cấm cửa Mục sư King, không cho bén mảng đến Thủ đô.


Nhưng rồi Nghị sĩ Byrd đã nhận ra sai lầm của mình, và bắt đầu thay đổi.


Năm 2005, trong dịp ra mắt cuốn Child of The Appalachian Coalfields (Người con của các mỏ than núi Appalachian) ông Byrd đã nói với báo chí: “Bây giờ tôi biết là tôi sai. Không có chỗ đứng cho sự thiếu bao dung tại Hoa Kỳ. Tôi ngàn lần xin lỗi…. và tôi không ngại xin lỗi đi, xin lỗi lại. Tôi không thể xóa bỏ được những gì đã xảy ra”.


Cũng năm 2005, ông Byrd nói với phái viên CNN: “Tôi ân hận đã bỏ phiếu chống Luật Dân quyền (Civil Rights Act 1964)”. Về vụ là thành viên của KKK, ông nói: “Tôi không bao giờ có thể thoát ra khỏi tai ách đó. Tôi đã quen với việc bị dân chúng hỏi về chuyện KKK và tôi không bao giờ do dự nói rằng đó là sai lầm lớn nhất trong đời tôi, và đó là bài học cho giới trẻ ngày nay, rằng khi một sai lầm quan trọng đã xảy ra trong đời một người nào, thì nó ở đấy mãi, và nó sẽ ở cả trong tin buồn của tôi”.


Không phải chỉ bằng những lời nói suông, những thay đổi của ông đã được thực hiện qua hành động cụ thể. Từ chủ trương chống Thủ đô có quy chế tự trị, ông đã tích cực ủng hộ quyền tự trị của Washington, D.C. Từ chỗ cho rằng Thủ đô nên cấm cửa Mục sư King, ông Byrd đã đóng vai trò chủ chốt trong việc quy định sinh nhật Mục sư King là ngày quốc lễ, một ngày nghỉ mà bậc vĩ nhân như Tổng thống Lincoln cũng không được riêng một ngày. Năm 1983, khi dự luật về Mục sư King được Thượng viện thảo luận, Nghị sĩ Byrd đã nói với một cộng sự viên rẳng: “Tôi là người duy nhất phải bỏ phiếu ủng hộ dự luật”. Ông “phải” làm việc này để chuộc lại lỗi lầm của mình. Ngoài ra, từ thập nên 70, Nghị sĩ Byrd đã tích cực ủng hộ hầu hết các dự luật về dân quyền, kể cả tu chính hiến pháp về nhân quyền.


Mùa tranh cử năm 2008, ngoài một số nghị sĩ cam kết ủng hộ Nghị sĩ Hillary Clinton, trong khi đa số vẫn do dự đợi thời, Nghị sĩ Byrd đã hăng hái ủng hộ ông Obama tranh cử tổng thống. Và vào mùa Đông vừa qua, bất chấp bão tuyết nặng nhất trong nhiều thập niên, Nghị sĩ Byrd vẫn cố tới Quốc hội, ngồi trên xe lăn, run rẩy giơ tay bỏ lá phiếu thuận quyết định ở tuổi ngoài 90, đem thắng lợi về cho luật bảo hiểm y tế của ông Obama.


Sự thay đổi quan điểm và đường lối của Nghị sĩ Robert Byrd không phải là chuyện riêng của cá nhân ông. Nó phản ảnh phần nào tiến trình sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ. Không kể các chức vụ ở cấp tiểu bang, ông Byrd đã 3 lần đắc cử dân biểu và 9 lần đắc cử nghị sĩ liên bang, hai lần đắc cử Trưởng khối đa số, một lần làm Trưởng khối thiểu số tại Thượng viện, chưa kể nhiều chức Chủ tịch Ủy ban hay Tiểu ban. Trong sinh hoạt dân chủ với các cuộc bầu cử tự do và công bằng, muốn đắc cử phải được lòng cử tri. Điều này cho thấy ông Byrd kỳ thị khi xã hội miền Nam còn nhiều kỳ thị, và ông thay đổi khi xã hội thay đổi.


Năm 1964, ứng cử viên Tổng thống đại diện Đảng Cộng hòa là ông Barry Goldwater cũng chống lại Dự luật Dân quyền. Tuy cuối cùng, Dự luật đã thành luật, nhưng 11 ngày trước khi Tổng thống Johnson ký ban hành vào 2 tháng 7, 1964, ba nhân viên hoạt động dân quyền, hai trắng một đen, đã bị giết tại Neshoba County, Philadelphia, bang Mississippi. Lúc đầu, chính quyền địa phương tuyên bố đây chỉ là chuyện bịa đặt để tạo chú ý. Nhưng sau khi tìm thấy ba xác chết thì “không đủ yếu tố buộc tội”. Ngày 4 tháng 7, 1964, sau khi Luật Dân quyền được ban hành, báo New York Times vẫn còn đăng hình người da đen bị người da trắng cầm súng đuổi khỏi tiệm ăn.


Làm thế nào để vị Tổng thống da đen đầu tiên của Hoa Kỳ đi đưa đám và đọc điếu văn ca tụng một nghị sĩ cựu thành viên của KKK? Làm thế nào để ban hợp ca Martin Luther King tới hát trong tang lễ người đã từng chủ trương cấm cửa Mục sư King tại Thủ đô? Học giả Thomas E Mann: “Tưởng tượng một người từng là thành viên của Klan khi còn trẻ rồi trở thành Trưởng khối đa số tại Thượng viện, thật đáng kinh ngạc”.


Đó là kết quả cụ thể của hòa giải.


James Tolbert, Chủ tịch phân bộ West Virginia của NAACP (National Association for the Advancement of Colored People), một tổ chức có nhiều ảnh hưởng được thành lập năm 1909 để bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của người da màu, đã nhận xét: Ông Byrd vượt qua được quá khứ của mình bằng cách lần hồi tiếp nhận được những soi sáng về xã hội, và giản dị là đã nhìn nhận lỗi lầm của mình trong quá khứ. “Ông ấy không cố gắng gian dối để thoái thác. Nếu ông ấy sai, ông nói là ông ấy sai”.


Sự hòa giải có được, không do những nạn nhân quên đi quá khứ và xóa bỏ hận thù, mà do ông Robert Byrd đã ý thức được những sai lầm của mình trong quá khứ, đã nhiều lần xin lỗi, đã từ bỏ sai lầm, và chuộc lỗi bằng cách làm ngược lại chủ trương sai lầm cũ của mình. Ông Byrd là người đã gây ra bất hòa. Chính ông, không phải những người bất hòa với ông, đã đi bước đầu trong việc hòa giải. Cố gắng và thiện chí của ông đã được chấp nhận, đem lại thành quả cho nỗ lực hòa giải.


Một mình ông Byrd không thể tạo thành tích cho người da đen đầu tiên làm chủ Nhà Trắng. Ông đã thay đổi với xã hội, hay nói khác đi, cũng như ông, Xã hội đã hòa giải với quá khứ. Không phải những ngừơi da đen bị kỳ thị, những người tranh đấu dân quyền khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù để hòa giải với những người vốn chủ trương kỳ thị. Chính cái xã hội nhiều kỳ thị và các chính đảng với các lãnh tụ kỳ thị như Robert Byrd của Dân chủ và Barry Goldwater của Cộng hòa đã thay đổi để hòa giải với những người bị kỳ thị. Người ta không hô hào người da màu quên quá khứ, xóa bỏ hận thù. Người ta hòa giải bằng cách bỏ phiếu cho người da đen vào Nhà Trắng, vào Quốc hội, vào Tối cao Pháp viện. Và, năm 2005, một trong những vai chính trong vụ giết người vì kỳ thị năm 1964 ở Mississippi là Killen đã ngồi xe lăn, ôm bình dưỡng khí ra tòa lãnh án về tội ác của mình 41 năm trước.

*
Từ chuyện hòa giải của Nghị sĩ Robert Byrd ở Mỹ, có thể nhìn lại chuyện hòa giải giữa Đảng Cộng sản và dân chúng Việt Nam. Ngoài những lỗi lầm đã được dư luận biết rõ và nhắc tới nhiều, ngay cả những nhân vật trọng yếu của Đảng, như ông Hoàng Tùng mới qua đời cùng thời gian với ông Robert Byrd, cũng phải thừa nhận Đảng có những thất bại rất lớn:
Bốn lần thất bại là do học theo Trung Quốc, học theo Liên Xô. Đó là cứ xông thẳng tới chính quyền mà là chính quyền công nông thôi, đó là cải cách ruộng đất, đấu địa chủ. (…)


Sai lầm lớn nhất của chủ nghĩa xã hội là cứ xông thẳng tới chính quyền. Và khi đã nắm được chính quyền rồi, đáng lẽ phải thực hiện dân chủ thì lại nhấn mạnh chuyên chính. Cái sai nữa là, sau khi giành được chính quyền rồi thì thực hiện công hữu ngay lập tức, công hữu cực đoan, tức là vô sản hoá hơn cả tư sản.


Những thất bại này, tuy chỉ là một số trong rất nhiều, không phải trích từ lời buộc tội của những người chống cộng, mà là ghi nhận của một nhân vật từng là Bí thư Trung ương Đảng. Nhưng khuyết điểm không hề được xin lỗi, và vẫn được duy trì: Vẫn tiếp tục theo Trung Quốc, để Trung Quốc lấn át về mọi mặt; cờ búa liềm, chủ nghĩa Mác-Lê, và điều 4 chép lại từ điều 6 Hiến pháp Liên Xô vẫn còn trong Hiến pháp Việt Nam, trong khi những thứ này đã bị chính Liên Xô liệng vào thùng rác từ vài thập niên trước; quyền lợi và danh dự của các nạn nhân CCRĐ không được đền bù; quyền tư hữu ruộng đất vẫn không được thừa nhận. Ngay cả sai lầm lớn nhất là chuyên chính thay vì thực hiện dân chủ, cũng vẫn được duy trì. Điều này chứng tỏ, Đảng Cộng sản đã không hề tỏ ý muốn hòa giải, dù qua lời nói hay việc làm. Thật ra, họ cũng nói tới hòa giải. Nhưng hòa giải theo ý họ, là chấm dứt chống đối để hợp tác, hay đúng ra là cúi đầu tuân theo sự lãnh đạo sai lầm, và chấp nhận những tội ác tày trời của họ.


Thỉnh thoảng vẫn có người lên tiếng hô hào hòa giải bằng cách khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù để hợp tác với Cộng sản. Đồng thời, chỉ trích những người không làm như vậy là chia rẽ, cực đoan, thù dai, hẹp hòi… Trong khi Cộng sản không hề tỏ ý muốn hòa giải qua lời nói và việc làm cụ thể, mà hô hào nạn nhân Cộng sản quên hận thù để hòa giải, là hành động ngược chiều. Giống như xúi ông Obama hòa giải với ông Byrd, khi ông này vẫn hãnh diện là thành viên và hoạt động tích cực cho KKK. Những người hô hào hòa giải kiểu này, một là thiếu khả năng phân biệt ngược xuôi, nếu vô tình; hai là khinh thường dư luận, nếu cố ý. Các quý vị này, chẳng những không đóng góp gì cho việc hòa giải, còn xúc phạm tới dư luận, nhất là đối với thành phần nạn nhân, hay có liên hệ với nạn nhân cộng sản. Chính các quý vị này cũng nên nhận lỗi, và tìm cách hòa giải với dư luận.
*
Trong lời tuyên bố sau khi được tin Nghị sĩ Byrd qua đời, Tổng thống Obama nói:“Ông ấy đã có can đảm trong việc giữ vững các nguyên tắc của mình, nhưng cũng có can đảm để thay đổi cùng với thời gian” (He had the courage to stand firm in his principles, but also the courage to change over time).


Cũng có thể nói: Đảng Cộng sản Việt Nam đã có can đảm lặp lại những thất bại của mình như thành tích đáng đề cao, nhưng không có can đảm nhận lỗi và thay đổi với thời gian.

Tham khảo:
- http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2010/06/28/AR2010062805163.html
- http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2010/06/28/AR2010062803119.html?hpid%3Dopinionsbox1&sub=AR
- http://www.nytimes.com/2005/06/22/national/22civil.html?pagewanted=all
- http://www.slate.com/id/2258661
- http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2005/06/18/AR2005061801105_pf.html
- http://www.cnn.com/2006/POLITICS/06/12/byrd.access/index.html

No comments:

Post a Comment