Bài viết nhắm vào người Việt hải ngoại, nhưng lại khiến người trong nước như tôi phải suy nghĩ. Vì nó vạch ra những kịch bản mà đối tác có vai trò quyết định lại ở trong nước.
Tất nhiên, Nhà nước Việt Nam là đối tác mà tác giả phải nghĩ đến trước nhất. Hiểm họa suy sụp đã khiến các lãnh đạo Cộng sản phải gọi những người từng “phản bội Tổ quốc” là “Việt kiều yêu nước” với “chất xanh” đem về. Kết quả là đã có 6 – 8 tỷ USD mỗi năm, cứu nguy cho nền kinh tế. Tiếp theo, sự ngơ ngác khi bước vào sân chơi kinh tế thị trường quốc tế lại khiến Nhà nước ngập ngừng tiếp nhận một ít “chất xám” ở chừng mực không suy suyển cái thòng lọng “định hướng”. Kết quả là mới chỉ xài được vài trăm trong số vài trăm ngàn bộ óc xa xứ! Cái họa phương Bắc hôm nay chính là “thời cơ vàng” để Nhà nước đón nhận được đầy đủ, toàn diện, cả “chất xanh”, “chất xám” lẫn “chất hồng” (dòng máu yêu nước) của ba triệu đứa con dù khác biệt chính kiến nhưng sẵn sàng chung sức bảo vệ Mẹ Tổ quốc, sẵn sàng “giải quyết tình trạng đối kháng hiện thời bằng thái độ tương nhượng” như GS Lê Xuân Khoa đề nghị. Nếu (ôi, chữ “nếu” trớ trêu) người thủ lĩnh “có tâm, có tầm”, về mặt tâm lý chưa rơi vào trạng thái bạc nhược - sợ hết mọi thứ, dòng Tiên Rồng sẽ ghi một trang sử mới rực rỡ: sự hội tụ trở lại giữa một nửa của bọc trăm trứng đi xuống biển với một nửa đang trụ lại đất liền! Và bờ cõi Việt Nam sẽ mở rộng đến năm châu bốn biển, theo chân mỗi người con Việt!
Đối tác thứ hai trong nước là những trí thức, những người cộng sản cấp tiến, cởi mở, họ là đồng minh tự nhiên của những trí thức yêu nước hải ngoại, ngày càng xích lại gần nhau về lý tưởng xã hội. Không trông đợi Nhà nước “cho phép” (như một dự án gãy gánh giữa đường mà ta đã biết), những “think tank” kết nối trong-ngoài gần đây đã tự phát hình thành, không có chủ ý, không hề bị chi phối bởi một “lực lượng phá hoại thù địch” nào hết, và không thể nói là không có thành công, mà mạng Bauxite Việt Nam là một điển hình. Điều tôi muốn nói thêm với tác giả Lê Xuân Khoa: Phải chăng trong thực tế đất nước hiện nay, chính sự kết nối này mới là tác nhân số một thúc đẩy sự chuyển hóa của đất nước, bằng con đường “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”, từ đó mà chuyển hóa Nhà nước theo hướng đi chung của nhân loại tiến bộ, để “non sông nghìn thuở vững âu vàng”? Nhân đây, xin có lời nhắn nhủ các vị có trách nhiệm: Muốn “tranh thủ” Việt kiều, chẳng cần “còi hụ” rình rang, chỉ cần chân thành và khiêm tốn lắng nghe những lời ngay thật của các trí giả người Việt lúc nào cũng sẵn sàng thiện chí, còn hơn là tìm đến một ông dân biểu Hoa Kỳ để rồi bị từ chối một cách sượng sùng! Muốn “tranh thủ” Việt kiều, trước tiên hãy làm sao “tranh thủ” được những lời phản biện đầy tâm huyết cất lên từ sát bên tai, ngay giữa lòng quê hương.
Hoàng Hưng