Pages

Tuesday, October 9, 2012

Mỹ-Hoa và chiến lược dài hạn tại Thái Bình Dương

Đoàn Hưng Quốc

Trung Quốc muốn chiếm giữ các nguồn tài nguyên tại Đông Á và nắm ưu thế tuyệt đối về kinh tế - chính trị trong khu vực. Hoa Kỳ cần ngăn chận sự trổi dậy của Bắc Kinh để duy trì ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Cho dù quyền lợi mâu thuẩn nhưng cả hai nước đều không muốn đụng độ trực tiếp vào nhau . Bài viết này nhằm phân tích cách nhìn dài hạn từ mỗi phía để đạt đến mục tiêu chiến lược của mình.
Trung Quốc có hai lợi thế lớn: một là tiếp cận, hai là ảnh hưởng kinh tế bao trùm trên khu vực trong đó gồm có Nhật – Nam Hàn – Đài Loan cùng các nước Đông Nam Á. Bắc Kinh tận dụng mọi cơ hội để khai thác các chia rẽ và hiềm khích lịch sử giữa các lân bang nhằm ngăn chận việc kết hợp thành một vòng đai vây quanh Hoa Lục. Bên cạnh đó Trung Quốc xây dựng một lực lượng hải quân, không quân, hoả tiển tầm xa và vũ khí không gian và tin học với mục tiêu không phải để chiến thắng Mỹ nhưng đủ để răng đe những nước láng giềng rằng hải quân Hoa Kỳ sẽ bị kềm giữ từ xa vì sợ các tổn thất nặng nề trong trường hợp xảy ra một cuộc tranh chấp trong khu vực.
Trên bàn cờ quốc tế thì Bắc Kinh liên tục khai thác những mối mâu thuẩn giữa Tây Phương với Nga, Iran, Pakistan và Nam Mỹ để ngăn cản Hoa Kỳ không thể tập trung lực lượng vào mục tiêu ngăn chận Trung Quốc. Do hậu thuẩn các chế độ độc tài nên Hoa Lục đánh mất uy tín chính trị, nhưng bù lại họ vẫn tin tưởng vào lá bài tẩy thương mại rằng sau rốt các nước phải bỏ qua những bất đồng chính trị nhằm duy trì mối quan hệ mua bán với Bắc Kinh.
Trong hoàn cảnh Mỹ bị chi phối từ nhiều phía như kinh tế, ngân sách, đến cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo cực đoan, tình trạng rối loạn ở Nam Á và Trung Đông, tranh chấp giữa Do Thái và các nước Hồi Giáo, kinh tế suy thoái ở Âu Châu, thì mục tiêu của Bắc Kinh là thuyết phục chính giới và quần chúng Hoa Kỳ rằng tình hình Đông-Á vô cùng phức tạp, nếu Mỹ can thiệp vào chỉ làm tổn hại đến quyền lợi sống còn giữa hai cường quốc hạng nhất và nhì trên thế giới. Khi đó nếu các quốc gia Á Châu nhận thấy một sự do dự trong chính sách của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương thì họ sẽ phải thay đổi các tính toán chính trị, cuối cùng rồi phải thần phục Bắc Kinh như là cường quốc áp đảo trong khu vực.
Ngược lại, trong cùng một hoàn cảnh chiến lược nhưng Mỹ có cái nhìn hoàn toàn trái ngược rằng ý đồ bành trướng của Bắc Kinh là cơ hội để Hoa Kỳ cũng cố vai trò của mình tại Thái Bình Dương với cái giá phải trả không quá cao. Cách tiếp cận này dựa trên vài nét chính:
- Khác với lần Chiến Tranh Lạnh, sác xuất xảy giao tranh trực tiếp giữa lục quân Mỹ-Trung với những tổn hại nặng nề về nhân mạng gần như không có. Chỉ hai nơi Bắc Kinh có thể xử dụng được bộ binh là đối với Việt Nam hoặc tại Hàn Quốc: trong trường hợp Hoa Lục tấn công vào Việt Nam (như năm 1977) thì Mỹ sẽ không thể can thiệp bằng lính bộ; tình huống duy nhất có thể xẩy ra là tại Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng có những quyết định liều lỉnh, nhưng Hoa Kỳ tin chắc rằng Bắc Kinh sẽ ngăn chận trước vì không muốn sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường trước được.
- Khả năng xảy đến một cuộc giao tranh giữa hai hạm đội ngoài biển khơi cũng rất thấp bởi vì sẽ dẫn đến một cuộc chiến toàn diện giữa hai cường quốc hạch nhân.
- Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan (và ở xa hơn nửa là Úc rồi đến Ấn Độ) đều là những cường quốc kinh tế, quân sự và kỷ thuật. Cho dù không thành hình được một liên minh thì tự mỗi quốc gia vẫn có sức cản không nhỏ đối với ý đồ bành trướng của Trung Quốc, nhất là cộng thêm với sự hậu thuẫn từ xa của Hoa Kỳ. Nhờ vậy Mỹ không cần gia tăng chi phí quốc phòng trong hoàn cảnh ngân sách eo hẹp mà vẫn có thể hợp tác xây dựng được lá chắn khá tín trong khu vực.
- Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân và Singapore đều là những quốc gia độc lập với cơ chế chính quyền và quân đội vững chải nên chỉ cần được Mỹ hậu thuẩn hay tiếp trợ mà không hề muốn bị lệ thuộc. Ngược lại Hoa Kỳ cũng không lo phải rơi vào tiến trình xây dựng quốc gia (nation building) vô cùng tốn kém và đầy hiểm trở như đã từng xảy ra tại Đông Dương, Iraq và A-Phú-Hãn.
- Việt Nam do liên hệ sống còn giữa hai đảng cộng sản Việt-Trung nên không thể nào là một đồng minh của Mỹ. Nhưng Hoa Kỳ đánh giá cao sức mạnh tự vệ của dân Việt (từ bài học thất bại trong chiến tranh Việt Nam) nên tính toán rằng Bắc Kinh sẽ trả giá rất đắt nếu nông nổì tấn công vào Việt Nam (như năm 1979), một tình huốn hoàn toàn có lợi cho Mỹ. Trong hoàn cảnh nhặp nhằn giữa hai nước thì Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khai thác các mâu thuẩn để kéo dần Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.
- Trên bình diện kinh tế việc hai khu vực Đông và Nam Á phát triển buôn bán với Trunq Quốc không có hại cho Hoa Kỳ nếu những quốc gia này không bị Bắc Kinh kềm chế qua ngỏ ngoại thương. Tiến trình đàm phán cho Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương gặp nhiều khó khăn do khác biệt giữa các nước còn nhiều, nhưng bù lại sau những đòn tấn công kinh tế của Hoa Lục đối với Nhật - Phi cùng các chương trình viện trợ đầy màu sắc chính trị cho Cam-Bốt khiến các quốc gia phải gấp rút tìm một đòn bẩy chuẩn chống trả áp lực kinh tế của Bắc Kinh.
- Nhật - Anh đều là quốc đảo mang tinh thần độc lập đối với các nước lục địa (trên một bình diện rộng lớn hơn, Mỹ và Úc cũng là những đảo quốc bên cạnh đại lục Âu-Á-Phi) . Tranh chấp gần đây giữa Nhật với Trung Quốc, Nam Hàn và Đài Loan khiến Nhật hoàn toàn bị cô lập và không còn thế chọn lựa nào khác hơn là phải thắt chặc quan hệ với Hoa Kỳ, tương tợ như trường hợp của Anh vốn là liên minh gần gũi nhất. Dĩ nhiên Mỹ không có lợi gì khi giữa những đồng minh bị chia rẻ, nhưng đồng thời chính sự kiện này sẽ khiến các nước cần thêm sự hiện diện và can thiệp của Hoa Kỳ để ngăn cản tình hình không tiếp tục suy đồi nhanh chóng.
Tóm lại đối với Mỹ khu vực Thái Bình Dương thích hợp cho chính sách quyền lực khôn ngoan (Smart Power): thu lãi nhiều về chính trị và thương mại trong khi chỉ bỏ vốn qua các hoạt động ngoại giao, đồng thời giữ chi phí quốc phòng ở mức độ chấp nhận được; nâng cao vai trò dưới các ngọn cờ dân chủ, nhân quyền và tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời kiên nhẩn chờ đợi Trung Quốc chứng tỏ thái độ bất tín đối với các nước láng giềng để tự cô lập chính mình mà không cần phải xây một vòng đai quân sự.
Dĩ nhiên hoàn cảnh có thể biến chuyển bên ngoài dự trù của cả Hoa lẩn Mỹ. Những tình huống xảy ra như tinh thần dân tộc chủ nghĩa bùng phát ngoài sức kiểm soát của các nhà cầm quyền; hoặc một cuộc khủng hoảng kinh tế khiến những quốc gia trong khu vực phải hợp tác giải quyết và bỏ qua các tranh chấp, hay ngược lại càng làm nổi bật những xung khắc nếu mỗi nhà cầm quyền chỉ vì quyền lợi riêng ép giá để tăng cường xuất khẩu sang nước láng giềng.
Một thử thách có thể xảy ra nếu Bắc Kinh dàn dựng nên một cuộc va chạm giới hạn với mục đích lật con bài tẩy của Mỹ: chẳng hạn một cuộc đụng độ nhỏ tại các đảo Scarborough/Hoàng Nham hay Senkako/Điếu Ngư; hay Trung Quốc ngang nhiên khai thác dầu khí trên khu vực tranh chấp. Dĩ nhiên Hoa Kỳ hiện giữ kín kế hoạch đối phó ngoài trừ các lời tuyên bố chung chung về những hiệp ước quốc phòng đã ký với các đồng minh. Trái lại nếu Trung Quốc tấn công vào các đảo Trường Sa của Việt Nam thì Hoa Kỳ không có lý do can thiệp ngoài trừ dùng cơ hội này để thắt chặc liên hệ quân sự trong khu vực để bảo vệ tự do hàng hải, đồng thời thúc giục Việt Nam tách ra khỏi quỹ đạo của Hoa Lục.
Ngược lại chính Bắc Kinh cũng e ngại một động thái thăm dò tương tự vẫn có thể khiến mối căng thẳng trong khu vực leo thang ngoài tầm kiểm soát.

No comments:

Post a Comment