Chúng ta, những con người mang trong mình dòng máu Việt Nam, luôn có
lòng tự hào của một dân tộc có hơn bốn ngàn năm lịch sử. Và trong suốt
chiều dài lịch sử đó, cha ông mình đã biết bao lần phải hy sinh xương
máu, đánh đuổi lũ quân xâm lược từ phương Bắc tràn xuống. Hiện tại cũng
như quá khứ không xa, Trung Quốc đã gây cho đất nước ta bao nhiêu tang
thương, mất mát.
Hiện nay, với một hiện thực thế giới mới, Trung Quốc vẫn âm mưu xâm
chiếm lãnh hải và lãnh thổ, từng bước tấn công vào chủ quyền, độc lập
quốc gia và muốn biến dân tộc ta thành nô lệ, chư hầu của họ. Vì thế,
mỗi người dân chúng ta, trong hoàn cảnh và khả năng riêng của mình, cũng
nên thể hiện một điều gì đó dù là nhỏ nhoi để chống lại âm mưu bá quyền
đó.
Việc thiết thực nhất, nằm trong tầm tay và quy định của luật pháp mà
chúng ta có thể làm hàng ngày, bất cứ khi nào có thể, đó là: Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng đang tràn ngập trên đất nước chúng ta.
1. Hàng hóa Trung Quốc phần lớn là hàng kém chất lượng, gây ra những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe.
Điều này tất cả chúng ta đều có thể nhận biết được dễ dàng. Hàng ngày,
báo chí vẫn đăng rất nhiều về nguy cơ hàng hóa Trung Quốc mang đến cho
người sử dụng. Không chỉ là thực phẩm như trái cây, gia vị, đồ uống,...
mà còn là những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như quần áo, vải vóc, giày
dép, đồ chơi,... cho đến những vật dụng có giá trị hơn như đồ dùng điện
tử, xe máy và cả ô tô. Những tác hại mà sản phẩm Trung Quốc mang lại là
rất khó lường và không thể kiểm soát được. Nguy cơ này đã được các cơ
quan kiểm định chất lượng của VN và nước ngoài khẳng định.
Ngày hôm nay rất nhiều nước trên thế giới đã tổ chức tẩy chay hàng hóa
Trung Quốc, từ Liên minh châu Âu đến Mỹ, lan sang các nước châu Á, Nam
Mỹ và tận cả châu Phi. Tẩy chay sản phẩm Trung Quốc đã và đang trở thành
xu hướng của cả thế giới.
2. Việt Nam chúng ta chịu quá nhiều thiệt thòi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Trong vòng hơn 10 năm, kể từ năm 2001 đến nay, tốc độ nhập siêu Trung
Quốc vào Việt Nam tăng lên với tốc độ chóng mặt, từ 200 triệu USD lên
11,5 tỷ USD năm 2009, và dự đoán năm 2012 sẽ là 13 tỷ USD. Lượng thâm
hụt này còn cao hơn cả tổng thâm hụt thương mại của Việt Nam năm nay là
9,6 tỷ USD (theo dự đoán của HSBC). Đây là một điều rất đáng lo ngại đối
với nền kinh tế Việt Nam, thể hiện sự phụ thuộc quá mức của chúng ta
vào Trung Quốc. Hay nói một cách khác, nền kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc
và rơi vào âm mưu khống chế của Trung Quốc.
Chính sách của Trung Quốc trong việc buôn bán với Việt Nam thì sao?
Chính phủ Trung Quốc tiếp tục triển khai một loạt chính sách hỗ trợ
doanh nghiệp của nước họ bằng cách đẩy hàng hóa đi các nước, tập trung
vào những nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Các chính sách như hoàn
thuế, hỗ trợ lãi suất nhằm kích thích doanh nghiệp xuất khẩu càng nhiều
càng tốt. Thậm chí công ty Việt Nam có văn phòng tại Trung Quốc, mua
hàng của Trung Quốc xuất về Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi này. Theo
đó, chỉ cần mua hàng, nguyên vật liệu của Trung Quốc phục vụ xuất khẩu,
doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 0% cho 30% giá trị đơn hàng. Trong
chính sách này, tất cả mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sẽ được hoàn
thuế giá trị gia tăng 17%, chưa kể các chương trình hỗ trợ mua máy móc,
thiết bị do Trung Quốc sản xuất với mức ưu đãi nhất. Chính quyền Trung
Quốc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, công xưởng khi
hỗ trợ vay vốn lãi suất chỉ từ 1-2%. Những điều kiện đó nhằm giúp doanh
nghiệp Trung Quốc có thể sản xuất ra những sản phẩm số lượng lớn với chi
phí rẻ nhất. Ngoài nông sản, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng, may mặc
của Việt Nam khó cạnh tranh lại được. Không ít doanh nghiệp Trung Quốc
có tiềm lực tài chính đang xúc tiến việc mua lại các xưởng, nhà máy của
doanh nghiệp Việt Nam để xâm nhập thị trường Việt Nam. Trung Quốc đang
tìm mọi cách để phủ hàng hóa tại thị trường Việt Nam một cách nhanh và
sâu nhất.
Còn Việt Nam, do chính sách tập trung xuất khẩu mà không quan tâm đúng
mức đến thị trường nội địa, làm cho hàng hóa Trung Quốc tràn ngập trên
thị trường. Việt Nam chỉ xuất khẩu chủ yếu là than đá, dầu mỏ,... chủ
yếu là sản phẩm thô. Hàng hóa chúng ta xuất đi chỉ được qua các cửa khẩu
đường bộ nhất định như Lạng Sơn, Móng Cái,... Trong khi đó, hàng hóa
Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam bằng bất cứ phương thức nào, từ
đường bộ, tàu thủy hay hàng không. Vì thế, Trung Quốc thường xuyên gây
khó dễ cho hàng hóa chúng ta, gây tắc nghẽn ở cửa khẩu, chậm tiến trình.
Kết quả là gì?: Lãnh vực hoạt động, sản xuất nội địa của ta bị bóp chết
và kinh tế Việt Nam bị khống chế bởi Trung Quốc.
3. Song song với âm mưu xâm lược và thống trị kinh tế là âm mưu bành trướng và chủ trương từng bước xâm lược.
Đặc biệt, là thái độ ngang ngược, bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông
trong thời gian trước đó và gần đây ngày càng hung hãn hơn.
Trước đây, năm 1974, trận hải chiến trên Hoàng Sa đã làm 50 chiến sỹ
Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng trước khi quần đảo này hoàn toàn về tay
Trung Quốc. Năm 1988, một cuộc đụng độ với hải quân Trung Quốc gần
Trường Sa cũng khiến Việt Nam mất gần 70 thủy thủ.
Ngày 26 tháng 5 năm 2011, ba tàu hải giám của Trung Quốc xâm nhập lãnh
hải của Việt Nam, phá hoại thiết bị và cản trở tàu khảo sát địa chấn
Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang hoạt động tại
vùng biển miền Trung, chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải
lý.
Ngày 9 tháng 6 năm 2011, 2 tuần sau vụ tàu Bình Minh 02, một tàu thăm dò
dầu khí khác của Việt Nam thuê lại tiếp tục bị tàu Trung Quốc phá hoại
thiết bị.
Gần đây nhất, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa trên 2 quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta. Tập đoàn dầu khí Trung Quốc
tuyên bố đấu thầu quốc tế khai thác dầu mỏ với trữ lượng khá lớn tại
Biển Đông trong vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc
còn xua 23.000 tàu cá của họ xuống Biển Đông. Trung Quốc đã tự tiện
tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích Biển Đông. Các
tướng lĩnh Trung Quốc thay nhau tuyên bố với thế giới với lời lẽ và thái
độ rất hung hăng và hiếu chiến. Đặc biệt, Trung Quốc thể hiện thái độ
hành xử vô lối, ngang ngược bằng cách thường xuyên bắt bớ, hủy hoại và
nghiêm trọng hơn là bắn giết ngư dân, đâm chìm tàu cá trên Biển Đông.
Chúng đã gây ra biết bao đau thương, tang tóc cho những người ngư dân
của chúng ta hằng ngày bám biển, gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Vì thế, với trách
nhiệm của một người dân đất Việt, trước âm mưu bá quyền ngang ngược của
Trung Quốc, chúng ta hãy cùng nhau thể hiện thái độ của mình trước kẻ
thù đang xâm chiếm hoành hành trên biển đảo cha ông từ ngàn xưa để lại.
Ngày xưa chàng thanh niên Trần Quốc Toản trẻ tuổi không được vua cho dự
bàn Hội nghị Bình Than để bàn kế chống giặc ngoại xâm đã mang lòng hổ
thẹn, phẫn nộ và bóp nát quả cam trong tay lúc nào không biết. Chàng
trai Quốc Toản ấy đã biến căm hờn và lòng yêu nước thành hành động đã
lui về, quy tụ bạn bè, thân thuộc và lên đường với lá cờ sáu chữ::"Phá
cường địch, báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua).
Ngày hôm nay, noi gương tiền nhân và hùng khí tuổi trẻ Việt Nam từ ngàn
năm xưa, chúng ta cùng nhau bắt đầu bằng một công việc khiêm tốn như
Trần Quốc Toản bóp nát trái cam nhỏ bé ngày nào. Đó là:
- Tẩy chay sản phẩm của Trung Quốc;
- Từ chối để mặc cho Việt Nam rơi vào vòng nô lệ kinh tế Trung Quốc và
vô tình tiếp tay hủy diệt nền sản xuất nội địa của đồng bào ta;
- Từ chối tiếp tay làm giàu cho những kẻ đã bắt bớ, đánh đập, giam cầm
đồng bào ngư dân, đã xâm lấn và cướp đất cướp biển của Việt Nam chúng
ta.
Xin mời các bạn, chúng ta cùng bắt đầu bằng sự quay lưng với một món hàng của Trung Quốc.
Chúng ta bắt đầu bằng một bài viết nghiêm túc hay phổ biến về những độc hại của sản phẩm Trung Quốc.
Chúng ta bắt đầu bằng một nhóm bạn bè xuống chợ để chuyển tải thông điệp tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Chúng ta bắt đầu bằng những chiếc áo mang hàng chữ Tẩy chay sản phẩm Trung Quốc - Boycott made in China products.
Chúng ta bắt đầu bằng những chiếc xe đạp cùng nhau khắp phố phường với những chiếc áo ấy.
Chúng ta bắt đầu bằng những avatar trên mạng, những biểu tượng trên vách tường, từ hẻm nhỏ đến phố phường hàng chữ TẨY CHAY...
Và chúng ta bắt đầu bằng mỗi chúng ta. Chiếc ly đang khô khốc. Mỗi người chúng ta hãy là một giọt nước ban đầu.
No comments:
Post a Comment