Trái với ý định được thông báo trước về lễ trao Giải thưởng Hòa Giải Trân Nhân Tông – The Tran Nhan Tong Reconciliation Award tại Đại Học Harvard ở Boston – Massachusetts vào ngày thứ bảy 22/9/2012, việc trao Giải đã không diễn ra vì 2 chính khách Miến Điện được tặng Giải là bà Aung San Syu Kyi và ông Thein Sein đều trả lời là không đến dự được, với lý do: chương trình hoạt động quá bận rộn trong chuyến đi thăm chính thức Hoa Kỳ.
Tuy nhiên trước đó 1 ngày, thứ sáu 21/9, tại phòng họp lớn của the Harvard Faculty Club vẫn tổ chức một buổi họp có chừng hơn một trăm người dự để giới thiệu về việc thành lập Viện Trân Nhân Tông – Tran Nhan Tong Academy thuộc Đại Học Harvard, về Giải thưởng hàng năm Hòa Giải Trần Nhân Tông, về quyết định trao giải đầu tiên năm nay (2012) cho bà Aung San Syu Kyi và ông Thein Sein.
Tin 2 vị trúng giải không đến dự được đã bị ghìm lại chắc rằng để không gây nên hụt hẫng cho buổi ra mắt này. Mọi người chờ mong ảnh về lễ trao và nhận Giải, chờ đọc bài phát biểu của 2 vị chính khách quý Miến Điện, mà không thấy. Chuyện không bình thường đã xảy ra.
Đã có hơn mươi người Việt Nam từ trong nước cũng như từ ngoài nước tham dự cuộc họp này, trong đó có các ông Ngô Vĩnh Long, Tạ Văn Tài, Lê Mạnh Thát, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Anh Tuấn… Ở trong nước chỉ có mạng Viet Nam Net và báo Quảng Ninh đưa tin rất sơ sài về buổi họp.
Được biết chủ trương lập Viện Trần Nhân Tông, Giải thưởng Hòa Giải Trần Nhân Tông ở Đại Học Harvard ở Hoa Kỳ được chuẩn bị từ hơn 2 năm nay hiện gặp phải một số trục trặc không nhỏ.
Trước hết là từ giáo sư Thomas Patterson, một cựu sỹ quan Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam, một giảng sư kỳ cựu của Harvard, từng nhiều lần sang Việt Nam thăm vùng Yên Tử – Quảng Ninh, đã nảy ra sáng kiến trên đây và được chính quyền trong nước hoan nghênh. Ông T. Patterson là Chủ tịch của Ủy ban xét trao Giải thưởng hàng năm trên đây. Tuy nhiên ông T. Patterson nhiều lần phát biểu cho rằng ông Hồ Chí Minh đã có quan điểm Hòa giải Dân tộc cao quý, và Hồ Chí Minh cũng là nhân vật anh hùng dân tộc, vĩ đại như vua Trần Nhân Tông, ông đã không được đồng tình, còn bị phản đối.
Nhiều người Việt cho rằng ông T. Patterson đã có chung lập trường với giới cầm quyền độc đoán trong nước, mang dư âm lạc lõng của phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ trong thời chiến, và ông giáo sư này đang bị giới cầm quyền trong nước lợi dụng.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Anh Tuấn, từng là tổng biên tập mạng Viet Nam Net thuộc Tổng công ty Viễn thông VN, dưới quyền bộ 4T – Thông tin Truyền thông ở Hà Nội trong hơn 10 năm, nay trở lại Đại học Harvard, đang đảm nhiệm việc dựng lên Viện Trần NhânTông, và cũng là người hoạt động năng nổ nhất trong tổ chức, điều hành cuộc họp nói trên.
Ông Tuấn cũng là người đang hăng hái trong việc quyên tiền để dựng bức tượng đồng lớn Trần Nhân Tông để đặt ở Viện đại học này. Nhiều trí thức trong cộng đồng đặt ra nghi vấn, phải chăng đây là một viên chức CS được biệt phái ra hải ngoại để thực hiện những nội dung của nghị quyết 36 của đảng CS.
Việc này có vẻ giống như bành trướng Bắc Kinh xây dựng nhiều viện Khổng Tử ở nước ngoài.
Rất có thể bà Aung San Syu Kyi và ông Thein Sein rất mẫn cảm về chính trị, đã sớm biết những trục trặc liên quan đến Giải thưởng, nên đã trả lời một cách ngoại giao là ‘ bận việc ‘. Thật ra, nếu mặn mà với một giải thưởng cao quý, không khó gì để đến dự trong một buổi, khi Washington DC, New York, Boston cùng ở bờ biển phía Đông, cách nhau chỉ một giờ đường bay. Vì sao trong trả lời, bà Aung San Syu Kyi và ông Thein Sein không có lời cám ơn và lời đánh giá ra sao về giải thưởng này?
Và cũng không phải ngẫu nhiên thày Thích Nhất Hạnh từ Pháp đã nhã nhặn từ chối lời mời đến đại học Harvard – Boston để nhân danh nhân vật tiêu biểu cho đạo Phật trao Giải Thưởng Trần Nhân Tông. Phải chăng thày đã biết về trục trặc gì đó liên quan nên không để mình bị dính vào.
Rõ ràng việc hòa giải giữa người Hoa Kỳ với nhau, hòa giải giữa người Việt với nhau, hoà giải giữa người Việt và người Mỹ, và hòa giải ngay giữa những người tán thành việc phổ cập gíá trị của tư tưởng Trần Nhân Tông, vẫn còn là vấn đề trước mắt. Có điều gì mỉa mai, trớ trêu!
Điều nổi bật nhất là giữa những người nhận ra chân giá trị của vua Trần Nhân Tông – từ bỏ lòng tham quyền, tham hưởng thụ vật chất, tu dưỡng nhân cách, thương dân và có chính sách thư dân, trọng hiền tài chân chính – với những kẻ đương quyền tham hưởng thụ, vô đạo, bất nhân, hèn với giặc, ác với dân, không thể nào hòa giải, đồng lòng, nhất trí được với nhau.
Trong nước một số trí thức dân tộc lúc đầu rất hoan nghênh chủ trương trên đây của Đại học Harvard, nhưng nay lại thận trọng và dè dặt, e ngại bị lôi cuốn vào một mưu đồ chính trị của nhà cầm quyền. Chẳng lẽ những người từng hứa hẹn hòa giải và hòa hợp dân tộc, rồi cố tình « quên » lời hứa danh dự ấy, nay lại lên mặt khoe và dạy thiên hạ vế hòa giải?
Dân tộc Việt Nam đoàn kết đấu tranh để từ bỏ cả hệ thống cai trị độc đảng độc đoán, hòa giải thật sự với nhau, coi đó là mục tiêu ưu tiên, thực hiện trước tinh thần cao quý của Trần Nhân Tông, rồi sẽ đem chuông Hòa Giải đi đấm nước ngừơi, thế mới hợp với lòng dân và lẽ phải trong đời sống quốc tế.
No comments:
Post a Comment