Bùi Tín - Miến
Điện là láng giềng gần của Việt Nam. Tình hình Miến Điện gợi lên nhiều
suy nghĩ cho nhân dân ta, tạo ra cảm hứng thú vị cho những chiến sỹ dân
chủ và trí thức nước ta đang có chung khát vọng vươn tới tự do, thoát
khỏi ách chuyên chế, dù là chuyên chế quân phiệt hay chuyên chế Cộng sản
phi nhân tính...
Miến Điện đang được dư luận thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á
quan tâm. Người Việt Nam chúng ta có thêm nhiều lý do để chú ý đến đất
nước cổ kính ở gần ta này.
Miến Điện là nước khá lớn ở Đông Nam Á. Rộng gấp đôi Việt Nam, dân khá đông, hơn 60 triệu.
Mấy tuần nay, từ đầu tháng 10, báo chí Miến Điện đưa tin khác hẳn trước,
tự do hơn, cân bằng hơn. Báo chí nhắc đến những nhân vật lịch sử bị cấm
nói đến hơn 20 năm nay, như người anh hùng dân tộc, tướng Aung San,
thân sinh bà Aung San Suu Kyi; như nguyên thủ tướng U Nu từng bị tướng
Ne Win lật đổ qua cuộc đảo chính quân sự tháng 3/1962; như tướng Tin Oo,
từng là tổng tư lệnh quân đội năm 1976, bị nhóm quân phiệt bạc đãi vu
cáo, hiện vẫn còn là người lãnh đạo của Liên minh Dân chủ Toàn quốc
(NDL).
Về Aung San (2/1915 – 7/1947), báo chí Miến Điện gần đây nhắc lại công
lao lập quốc của ông. Khi trẻ ông là chủ tịch Hội sinh viên trường đại
học Rangoon, hoạt động chống thực dân Anh. Năm 1939, Thế chiến thứ 2
bùng nổ, khi 24 tuổi ông thành lập đảng Cộng sản Miến Điện , nhận chức
tổng bí thư đảng CS, nhưng ngay sau đó ông bị quân đội Nhật bắt giam.
Vượt trại giam, đầu năm 1941 ông từ bỏ đảng CS, thành lập Quân đội mới
với một nhóm 30 người trên đất Thái Lan rồi đưa về nước. Sau khi Nhật
thua trận năm 1945, Anh quay trở lại, ông Aung San là chủ tịch Liên đoàn
chống phát xít, chủ trì việc thương lượng để Anh trao trả lại độc lập.
Hiện người dân Miến vẫn coi Aung San là anh hùng dân tộc, vừa là cha đẻ
nền độc lập, vừa là cha đẻ của quân đội quốc gia. Ông bị ám sát tháng
7/1947, được làm quốc tang. Khi đó cô bé Suu Kyi mới lên hai. Vợ ông, bà
Khin Kyi, là một trí thức, từng làm đại sứ ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh chân
dung Aung San nay lại được trưng ở nhiều nơi.
Báo chí Miến Điện gần đây cũng nhắc nhiều đến U Nu (5/1907 – 2/1996),
thủ tướng đầu tiên của nước Miến Điện độc lập. Ông là một trí thức,
người tin cẩn của Aung San. Năm 1947, lúc mới 40 tuổi, ông từng ký với
phía Anh quốc mọt hiệp ước về việc Anh trao trả độc lập, được gọi là
Hiệp ước Attlee - U Nu, theo tên thủ tướng Anh là Attlee. Tháng 3/1962
ông bị tướng Ne Win đảo chính, lập nên chế độ độc tài quân sự. U Nu nổi
tiếng là nhà trí thức xuất sắc về luật pháp, trong sạch, rất mộ đạo
Phật, bị nhóm tướng Ne Win, Than Shwe tuyên án 4 năm tù do họ sợ uy tín
rất lớn của ông ngoài xã hội. Trong tù cũng như khi ra tù, ông không
ngừng đấu tranh lên án nhóm quân phiệt, vẫn khẳng định mình là thủ tướng
hợp pháp. Năm 1969 khi còn bị quản chế, ông bí mật sang Ấn Độ rồi Anh
quốc. Đến 6/1980 khi nhóm quân phiệt ban lệnh đại ân xá, ông trở về
nước, đứng ra lập đảng Dân chủ Lập hiến nhưng bị nhóm quân phiệt đe dọa,
kiềm chế. Năm 1989 ông sang Hoa Kỳ, đi tuyên truyền vận động cho nền
dân chủ Miến Điện, ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, còn tham gia giảng dạy ở
đại học Mỹ, cho đến khi mất tháng 2-1996. Báo Miến Điện gần đây cho biết
U Nu là một nhân vật nổi bật có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng Miến Điện
ở hải ngoại, nhất là ở Anh quốc và Hoa Kỳ, cho đến hiện nay.
Một nhân vật khá quan trọng là tướng Tin Oo, sinh tháng 3/1927, hiện còn
sống. Khi bà Aung San Suu Kyi bị tù và quản thúc năm 2003, ông Tin Oo
được cử làm phó chủ tịch rồi chủ tịch của NDL. Tin Oo cũng là một nhân
vật lịch sử. Ông tham gia quân đội của tướng Aung San tháng 2/1946 khi
19 tuổi, được phong tướng năm 1972 khi 26 tuổi, là phó tổng tham mưu
trưởng, rồi lên thay tướng San Yu làm tổng tư lệnh năm 1974. Ông tỏ ra
không đồng tình với nhóm quân phiệt trong Hội đồng Nhà nước Phục hồi
Luật pháp và Trật tự (SLORC) mà ông là một thành viên, ông bị buộc phải
từ chức tổng tư lệnh tháng 3/1976, bị nhóm quân phiệt vu cáo âm mưu phản
loạn, tháng 1/1977 bị kết án 7 năm khổ sai. Sau cuộc đại ân xá năm 1980
ông học đại học luật, tham gia tích cực NDL của bà Aung San Suu Kyi,
nhận chức phó chủ tịch rồi chủ tịch của liên minh này vào cuối năm 1988.
Năm 1989 ông lại bị kết án 3 năm tù. Ra tù ông bị quản thúc ở Rangoon,
cho đến ngày 13/2/2010 mới được thật sự tự do, như bà Aung San Suu Kyi.
Tuy hiện nay ông đã 84 tuổi, ảnh hưởng của ông trong quân đội cũng như
ngoài xã hội rất cao, các tướng lĩnh ở trong Hội đồng Nhà nước về Hòa
bình và Phát triển (SPDC) mới đây đều là thuộc cấp của ông Tin Oo.
Về nhóm quân phiệt cầm quyền từ năm 1962 đến gần đây, dư luận chú ý đến những nhân vật sau đây.
Tướng Than Shwe, sinh năm 1933 được coi là người hùng trong SLORC, thay
cho tướng Saw Maung từ năm 1992, cầm đầu nhóm quân phiệt cho đến
30-3-2011, khi tổng thống vừa được bàu Thein Sein ký quyết định giải thể
SPDC – tên sau này của SLORC - nhường toàn quyền cho chính phủ dân sự.
Gần đây báo Miến Điện có dịp bật mí nhiều điều vốn cấm kỵ về nhóm quân
phiệt, đặc biệt là về ông Than Shwe. Có tin ông Than Shwe đã bị buộc
phải về hưu, không còn hoạt động, không còn chức vụ gì. Báo Miến Điện ở
Anh và Hoa Kỳ tố cáo Than Shwe là trùm tham nhũng, kể rằng trong đám
cưới cho con gái rượu ông đã chi đến 50 triệu đôla về lễ cưới, mua sắm
tài sản, châu báu, trang sức cho con gái, con rể và nhà trai – đây là
một số tiền bằng 3 lần ngân sách cho ngành y tế; rằng 2 vợ chồng mê tín
dị đoan loại kỳ quặc, từng tìm mua voi trắng cưỡi đi quanh chùa ngày
cúng lễ Phật để cầu may; rằng ông tướng này còn theo ý kiến của một thầy
phù thủy, cưỡi một con lợn nái đi quanh nhà để hòng giải hạn và trừ tà.
Theo báo chí, Than Shwe có bà vợ còn mê tín dị đoan hơn và tàn ác hơn
cà chồng, tên là Kyaing Kyaing; bà này từng xui chồng ra lệnh bắn xả vào
đoàn sư sãi đi biểu tình. Cộng đồng Miến ở Anh quốc yêu cầu truy tố 2
vợ chồng Than Shwe về tội ác chống nhân dân và chống nhân loại. Hiện có
tin Than Shwe đã chính thức nghỉ hưu và sống ẩn dật.
Trong khi đó nhiều tin tức nói về tướng về hưu Thein Sein, cùng sinh năm
Ất Dậu – 1945 với bà Aung San Suu Kyi, năm nay 66 tuổi, được dư luận
trong nước và hải ngoại đánh giá là một con người hiểu biết, kín đáo,
sùng đạo Phật, sống bình dị, được Quốc hội cùng với Hội đồng Quân sự bầu
làm tổng thống dân sự tháng 3/2011. Tổng thống Thein Sein đã cử ra
chính phủ gồm có 30 thành viên, trong đó chỉ có 3 viên tướng còn tại
ngũ, được mặc quân phục. Trong không khí ôn hòa không bạo động, sự thay
đổi vào mùa Xuân 2011 ở Miến Điện cùng thời với mùa Xuân Ả rập - Bắc
Phi, được đánh giá là có ý nghĩa sâu sắc hơn là một cuộc đảo chính.
Nó chấm dứt chính quyền quân phiệt kéo dài gần nửa thế kỷ, từ năm 1962.
Nó mở ra lối thoát cho tình thế của Miến Điện đang bế tắc, với nền kinh
tế lụn bại do bị phương Tây cấm vận từ năm 1962. Tuy nhóm quân phiệt độc
đoán một thời trưng ra chủ nghĩa xã hội, ngả về phía Liên Xô và Trung
Quốc - về sau ngả về Trung Quốc, nhưng mối quan hệ với Bắc Kinh luôn hàm
chứa đắng cay, vì Trung Quốc nuôi dưỡng nhiều nhóm dân tộc bạo loạn
Shan, Karen ở vùng biên giới; hơn nữa, xã hội Phật giáo ăn sâu rất dị
ứng với chủ nghĩa Cộng sản vô thần. Thế của Trung Quốc còn mong manh ở
Miến Điện lại đang bị cô lập rõ trên thế giới, bị mắc kẹt bởi tham vọng
bành trướng ở châu Á. Miến Điện có một cộng đồng mạnh ở Anh, Hoa Kỳ và
Ấn Độ, có trình độ học vấn khá cao, thái độ chính trị thuần nhất, chống
nhóm quân phiệt, ủng hộ dân chủ, có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ và trí
thức trong nước.
Các bạn dân chủ Miến Ðiện ở Anh và Pháp cho rằng trong xã hội Miến hiện
nay, những nhân vật như anh hùng dân tộc Aung San, như nguyên Thủ tướng U
Nu, như nguyên Tổng tư lệnh Tin Oo, bà Aung San Suu Kyi vẫn còn có ảnh
hưởng không nhỏ, là những giá trị tinh thần còn sống động trong xã hội
hiện đại.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu – nhà báo có uy tín Andrew
Selth, làm việc tại Griffith Asia Institute – Úc , vừa viết bài trên
Asia Times sau khi đi Miến Điện về, cho rằng theo ông Tổng thống Thein
Sein có thể là «một Gorbachov của Miến Điện». Nghĩa là ông Thein Sein có
thể lãnh đạo công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thật sự, lâu bền.
Nhận định này có sức nặng vì Andrew Selth từng sang Moscow nghiên cứu,
sưu tầm tài liệu viết về nhân vật Gorbachov, người đã kết thúc số phận
của Liên Xô và đảng CS Liên Xô. Ông nhìn thấy ở Thein Sein qua lý lịch
tướng quân một trí thức có tư duy độc lập, chuộng công lý công tâm hơn
là vụ lợi và hiếu danh, mộ đạo Phật ở nguồn tinh túy nhân ái, vị tha,
lại tỏ ra có bản lĩnh nhận định tình thế và xoay chuyển tình thế khéo
léo, lại quả đoán.
Đây là một giả thuyết cần theo dõi tiếp. Chủ trương trả tự do thật sự
cho bà Aung San Suu Kyi và cho ông Tin Oo. Mời bà Aung San Suu Kyi lên
thủ đô Naypydaw để hội đàm, Đưa tướng Than Shwe về nghỉ hưu. Thả hàng
300 tù chính trị và hứa còn thả tiếp. Lập ủy ban Nhân quyền với trách
nhiệm thật sự. Quyết định hoãn công trình khổng lồ Myitsone giá trị 3,6
tỷ đôla do nhu cầu bảo vệ môi trường cho dân. Thực hiện tự do báo chí và
cho phóng viên ngoại quốc vào. Để xã hội tự do ca ngợi các nhân vật
lịch sử như anh hùng dân tộc Aung San, nguyên Thủ tướng U Nu, nguyên
Tổng tư lệnh Tin Oo, bà Aung San Suu Kyi, rồi để Liên minh NDL hoạt động
trở lại, để bà Aung San Suu Kyi ra ứng cử quốc hội mới… đều là những
quyết định sâu sắc, có ý nghĩa đột phá và đổi mới, mở ra nhiều triển
vọng.
Bộ trưởng ngoại giao mới là Wunna Maung Lwin từng là đại sứ ở Liên Hiệp
Quốc cũng có những phát biểu có ý nghĩa, cam kết sẽ có những bước đổi
mới có thực chất, thẳng thắn tỏ hy vọng sớm nhận viện trợ kinh tế - tài
chính và hỗ trợ kinh tế kỹ thuật của thế giới. Ông tỏ ra rất mừng khi
Miến Điện được giao tổ chức Sea Games 2013 và điều quan trọng hơn nữa là
được đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN năm 2014. Đây là dịp để trưng ra bộ
mặt mới của Miến Điện.
Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, một người thân cận
của Tổng thống Thein Sein, cũng phá tục lệ, mới đây đã ghé thăm Việt Nam
trước khi sang thăm Bắc Kinh.
Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến viễn du châu Á và châu Úc, Tổng
thống Barack Obama nhiều lần nói đến Miến Điện, ông đã nói chuyện trên
điện thoại khá lâu với bà Aung San Suu Kyi, sau đó chính ông báo tin
ngoại trưởng Hillary Clinton sắp sang thăm Miến Điện để tìm hiểu tại chỗ
tình hình. Một chuyến đi rất quan trọng, đang giúp công luận có điều
kiện đánh giá tính hình rõ hơn, sâu hơn.
Miến Điện là láng giềng gần của Việt Nam. Tình hình Miến Điện gợi lên
nhiều suy nghĩ cho nhân dân ta, tạo ra cảm hứng thú vị cho những chiến
sỹ dân chủ và trí thức nước ta đang có chung khát vọng vươn tới tự do,
thoát khỏi ách chuyên chế, dù là chuyên chế quân phiệt hay chuyên chế
Cộng sản phi nhân tính.
No comments:
Post a Comment