Pages

Tuesday, April 12, 2011

“Nó muốn chết!”

Lòng ta sắt đá, há lung lay!?
Phan Văn Trị
Tôi phải sống là tên một cuốn hồi ký của linh mục Nguyễn Hữu Lễ, kể lại chuyện ông bị tù cải tạo Dziệt Cộng. Trong hồi ký nầy, có một đoạn khá “hấp dẫn” là đoạn kể chuyện có lần ông ta chống lại Bùi Đình Thi, cũng là một giáo dân, làm ăng-ten cho công an. Sau khi chống lại tên nầy, ông chạy về láng (láng là tên Dziệt Cộng hay dùng, chỉ gian nhà dài, nơi giam tù nhân, thường đi cặp với chữ trại là “láng trại”), leo lên sạp nằm. Bùi Đình Thi giận lắm. “Ông” Bùi Đình Thi tới đứng ngay cửa ở đầu láng, nói to vào: “Mày dám chống lại tao a Lễ? Mày muốn chết a Lễ”. Đại khái câu nói của Bùi Đình Thi là như thế, nó có nghĩa rằng linh mục Lễ muốn chết nên mói dám chống lại y, hoặc dù ai đó, chống lại y, cũng sẽ chết, rằng Bùi Đình Thi sẽ cho chết, cho đáng tội dám chống lại Bùi Đình Thi. (1)
Mới đây, sau vụ ông tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ đâm đơn kiện ông tiến sĩ hệ tại chức thủ tướng Dziệt Cộng, tôi có người quen về Rạch Giá thăm quê, sang lại Mỹ, nói cho tôi nghe rằng mấy người em bà con của ông tiến sĩ hệ tại chức thủ tướng Dziệt Cộng nói rằng: “Nó muốn chết hay sao mà nó dám thưa anh Ba.” Anh Ba tức Ba Dũng, là Nguyễn Tấn Dũng đấy! Thưa là tiếng trong Nam, người Bắc gọi là kiện, nói chung là “thưa kiện”, nhưng Bắc – Nam cách dùng có khác nhau.
Câu nói của anh em ông Dũng cũng như câu nói của ông Bùi Đình Thi. Ông nào cũng thấy mình to lắm, ghê gớm lắm, quyền lực lắm, ai đụng vô thì “chết dễ như không! là muốn chết!”
Thấy mình “to” thì tâm lý ông tiến sĩ hệ tại chức Nguyễn Tấn Dũng với ông tù cải tạo Bùi Đình Thi giống nhau. Ông Thi thấy mình to, ông Dũng cũng thấy mình to! Không to thì tại sao người khác đụng vô phải chết? Nhưng vị thế hai ông, ông Thi và ông Dũng, có giống nhau hay không?
Cái to, cái ghê gớm, cái quyền lực giữa ông Thi và ông Dũng có khác nhau đấy!
Ông Thi thì nghĩ mình có thế lực của mấy tên công an như tên công an giữ cổng trại, công an quản giáo, hay công an trại trưởng, v.v… nên thấy mình to. Cái to ấy là cái to mượn, cái ghê gớm ấy là cái ghê gớm mượn, còn quyền lực thì cũng chỉ là quyền lực mượn. Bản thân ông Thi thì cũng chỉ là một người tù như linh mục Lễ. Linh mục Lễ có thể được kính ta kính trọng, vì ông là linh mục, nhưng không ai sợ ông Lễ, vì ông cũng chỉ là một người tù như họ. Ông Thi thì chẳng được đếch người nào kính trọng cả, nhưng người ta sợ ông Thi vì ông Thi là một người tù “ăng-ten”, tức là người tù tay sai. Đã gọi là “tay sai” thì chẳng mấy ai kính trọng bao giờ.
Nói rõ ra vì ông Bùi Đình Thi làm ăng-ten cho công an, nó có nghĩa là làm tay sai cho công an, là làm cái việc dò xét các tù cải tạo (nói một cách tình nghĩa là “anh em bạn tù”, là chẳng có “Huynh đệ chi binh” chi cả) rồi báo cáo cho công an, hoặc ông Thi được công an cho làm trật tự, v.v… Nhờ vậy, ông Thi được chút ưu đãi, như khỏi đi lao động cuốc đất, phá rừng cực nhọc, được tha khi dấu củ khoai, khúc sắn, v.v… khi bị công an bắt gặp. Ngoài ra, ông Thi cũng chỉ là tù cải tạo, chưa ra khỏi cái “chức” tù cải tạo, cũng phải chờ có lệnh tha mới ra khỏi tù như bao nhiêu tù cải tạo khác.
Thành ra, nếu ông Thi có to thì cái to đó cũng chỉ là cái to mượn, cái ghê gớm ấy cũng chỉ là cái ghê gớm mượn, cái quyền ấy cũng chỉ là cái quyền mượn. Cái đó, tục ngữ phê phán nhiều lắm như “thỏ mượn oai hùm”, là câu chuyện trong “Cổ học tinh hoa 1-), như trong câu thơ “Chớ mượn hơi hùm run nhát khỉ” Phan Văn Trị, hoặc “Sợ cọp nên sợ cứt cọp.”
Cụ Phan Văn Trị viết là cái HƠI hùm. Hơi hùm là hơi cọp. Hơi ấy có thơm không? Cọp không mấy khi tắm, nên chắc là không thơm. Miệng cọp thì ăn thịt, lại không biết súc miệng, đánh răng, cũng không thơm bao giờ. Chưa kể việc cọp cũng “đánh rấm”, ông Thi có khen cái hơi ấy thơm không thì không biết!!!
Ông Thi không phải là công an, không phải là cọp mà chỉ là hơi cọp, cứt cọp mà thôi!
Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị là bạn đồng song. Sau khi Tây chiếm Nam Việt, Tôn Thọ Tường ra hợp tác với Tây, làm tay sai. Phan Văn Trị tiếp tục ủng hộ công cuộc kháng chiến của dân chúng Nam bộ. Bên cạnh đó, hai người bạn học cũ nổ ra những bài thơ bút chiến. Sau đây là 1 trong 10 bài “tự thuật” của ông Tôn Thọ Tường và bài họa của người bạn cũ Phan Văn Trị.
Tôn Thọ Tường, tự thuật.
Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây
Trời đất xui chi đến nỗi nầy

Chớp nhoán thẳng bon giây thép kéo

Mây tuôn đem kịt khói tầu bay

Xăng văng chậm tính thương đòi chỗ

Khấp khởi riêng lo biết những ngày

Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc

Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay

Phan Văn Trị, bài họa.
Hơn thua chưa quyết đó cùng đây,
Chẵng đã nên ta phải thế này.

Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy,

Cồn Rồng dầu mặc muội tro bay.

Nuôi muông giết thỏ còn chờ thủa,

Bủa lưới săn nai cũng có ngày.

Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ,

Lòng ta sắt đá, há lung lay.
Ông Tuờng ca ngợi sức mạnh của Tây, gọi nó là “Miệng
cọp”, “hàm rồng” và gọi các phong trào kháng chiến của dân Nam Bộ là “con trẻ”.
Ông cử Trị cũng không chịu thua. Ông nghĩ rằng dân Nam bộ đang chờ có ngày “nuôi chó, bủa lưới bắt nai”. Thỏ, nai ý nói là Tây. Lòng người Nam sắt đá chẳng lung lay, và bảo ông Tường đừng mượn hơi cọp mà đe dọa khỉ.
Thật ra, cái to, cái ghê gớm, cái quyền của ông Thi hay ông Dũng đều mượn cả. Ông Thi thì mượn những thứ đó ở công an. Ông Dũng thì mướn những thứ đó ở đảng Dziệt Cộng.
Cái gì mình có thực mới là quí, còn những thứ mượn, dĩ nhiên có ngày bị lấy lui thì “cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ” (tục ngữ). Tiền bạc mình có thực là tiền của mình. Tiền mượn của người khác, thì có lúc phải trả lại.
Những cái ông Thi mượn từ công an. Khi ông Thi qua định cư ở Mỹ, công an Dziệt Cộng không qua Mỹ được để bảo vệ ông. Cho nên khi ông Thi bị linh mục Lễ tố cáo làm ăng-ten, ông Thi chịu thúc thủ. Ông không thể nói lại câu “Mày muốn chết a Lễ” để dọa ông linh mục. Ông Thi cũng không thể kêu gọi lãnh sự Dziệt Cộng ở San Francisco hay đại sứ Dziệt Cọng ơ Hoa Thịnh Đốn giúp ông. Vã lại, hai nơi nầy, Dziệt Cộng có muốn giúp ông Thi cũng không được. Xứ nầy co luật pháp đàng hoàng, đâu có phải là “xứ Dziệt Cộng vô luật pháp” mà bọn cầm quyền muốn làm gì thì làm.
Thật ra, ông Thi còn dại. Làm ăng-ten cho Dziệt Cộng trong trại tù cải tạo, đâu phải chỉ có một mình ông Thi. “Danh sách” ấy còn dài lắm. Nhưng “người ta khôn”. Qua tới Mỹ, sợ bị tố cáo, người ta “mượn” một cái áo mặc vào, một cái áo vàng của ông thầy Chùa hay cái áo đen của ông cha Nhà thờ thì “làm gì được nhau?”. Nhờ cái áo đen ông cha Nhà thờ mà ông nhạc sĩ VTA có tới ba cái lợi: Khỏi bị hỏi tội làm tay sai cho Dziệt Cộng, được mọi người kính trọng nhờ cái chức “phó tế” và được cái tiếng là người có lòng bác ái của đạo, lạc quyên tiền bạc để lo cơm lo gạo cho những người nghèo khổ ở bên nhà. Đó là mặt nổi, còn như mặt chìm là cái gì thì “Ai mà biết!” Vậy là ông nhạc sĩ tài ba và “khôn ngoan” mượn được nhiều thứ để che cái “tội” làm ăng-ten của ông. Mượn tượng Chúa Giê-Su và mượn bóng Mẹ Théresa! Thiệt khôn quá là khôn phải không ông Thi! Sao ông Thi dại thế!!!????
Ông Dũng bây giờ có cái thế dựa là đảng Dziệt Cộng, là cái đảng có 3 triệu đảng viên. Đảng đó là cái bệ đứng để cho ông Dũng đứng lên trên.
Bây giờ ông Thi đã mất cái thế đứng của ông vì bên Mỹ không có công an Dziệt Cộng. Vậy thì có khi nào ông Dũng mất cái thế đứng của ông ta không?
Đảng Dziệt Cộng, theo cách nhìn của mọi người, đang “bệ rạc” lắm. Bệ rạc có nghĩa là cái bệ đang bị rạc, đang mục nát, đang mục rữa. Bệ mục rữa thì bệ sẽ sập xuống, và ông Dũng bị té cái rầm, sứt đầu, chảy máu là nhẹ, có khi tính mạng cũng… đi luôn.
Nền tảng là nhân dân. Gọi là Công An Nhân Dân nhưng Công An thì đàn áp nhân dân. Đảng Dziệt Cộng gọi là đảng của nhân dân, nhưng đang bóc lột, kềm kẹp nhân dân. Nói như thế, tương lai của công an, của đảng Dziệt Cộng đã rõ lắm.
Tây xâm lăng nước ta là phi nghĩa. Thế lực Tây hồi ấy  mạnh lắm, nên nhiều người vì sợ, vì quyền lợi mà theo Tây. Nhưng cuối cùng, phi nghĩa bị thua, bị bại. Số phận người theo Tây như thế nào. Lịch sử đã cho chúng ta thấy.
Đảng Dziệt Cộng núp dưới cái áo nhân dân, nhưng nó không có nhân dân, chống lại nhân dân, dĩ nhiên nó phi nghĩa. Phi nghĩa sẽ sụp đổ. Đảng Dziệt Cộng không những tan rã mà còn phải đền tội với nhân dân nữa đấy.
Vậy thì cái to, cái ghê gớm, cái quyền lực của ông Dũng trong tương lai sẽ ra sao?
Cái to ấy, cái ghê gớm ấy, quyền lực ấy cũng chỉ là thứ mượn, thứ dổm. Bởi vì cái đảng Dziệt Cộng là cái đảng dổm, đảng không có chính nghĩa, đảng bóc lột, đàn áp, kềm kẹp nhân dân.
Ông Dũng có 3 triệu đảng viên Dziệt Cộng đứng sau lưng ông ta. Nhưng những người đứng sau lưng ông Dũng, miệng thì hô to “vì quyền lợi của đảng”, nhưng thực chất, bây giờ có ai vì quyền lợi của đảng đâu. Họ vì quyền lợi của cá nhân họ cả đấy. Đầu đảng “Đại Mafia Việt Nam” là Nguyễn Tấn Dũng, ông Dũng vì quyền lợi của ông Dũng, thì đảng viên của cái đảng Mafia ấy cũng vì quyền lợi của họ mà thôi. Họ như đám “ong kiến” trong câu thơ của Phan Chu Trinh “Ra tuồng ong kiến loài vô dụng”. Đàn kiến là loài mà tục ngữ Tầu gọi là “quần nghị phụ chiên”, nghĩa là bầy kiến xúm vào chỗ có mỡ. Hết mỡ thì ai lo nhà nấy. Ông Dũng có kiếm được, có chia chác thì cũng chỉ trong số to đầu với nhau, làm sao chia chac cho đủ 3 triệu đảng viên.
Đảng Dziệt Cộng có giành được chính quyền, chẳng qua là nhờ núp dưới danh nghĩa “dân tộc”. Nay cái mặt nạ đó đã rơi ra, thì đảng Dziệt Cộng cũng không còn chỗ đứng ở dân tộc. Tình hình thế giới bây giờ đang sôi động vì những phong trào Tự do, Dân chủ, liệu đảng Dziệt Cộng còn tồn tại được mấy lăm hơi nữa???!!!
Không còn quyền thì còn tiền. Tiền cũng là quyền vậy. Ông Mubarak không còn quyền, nhưng tiền ông có liệu có không suy suyển được không? Ông Gadhafi có 30 tỷ ở ngân hàng Thụy Sĩ đã bị đóng băng, coi như xong. Còn 148 tấn vàng, liệu có cách nào đem ra khỏi Libya, để ở đâu cho an toàn. Còn như Samdam Husein, may ra, nếu người ta làm theo phong tục của người Việt, đem đốt vàng mả, ông ta sẽ có được giấy vàng, giấy bạc mà tiêu xài dưới… âm phủ.
“Mặt thật” vụ án Cù Huy Hà Vũ có phải là cái tội “phát tán tài liệu chống lại nhà nước” theo điều 88 của “luật rừng Dziệt cộng”. Điều đó, không quan trọng. Điều quan trọng là điều ông Bùi Đình Thi đã nói “Mày muốn chết a Lễ?”, là điều “Nó dám đụng tới anh Ba!” là chuyện cá nhân giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Cù Huy Hà Vũ. Ông Vũ dám đụng đến, dám thưa ông Dũng.
Việc thưa kiện nầy rất đáng nói bởi vì việc ông Vũ làm là đi tìm công lý, là đòi công lý. Trời! Tìm công lý trong chế độ Cộng sản? Ông Vũ có khùng không? “Mò kim đáy biển”, “Đội đá vá trời”, “Bẻ  nạng chống trời”, “Con kiến đi kiệm củ khoai”. Đó là những câu người ta có thể dùng để mô tả việc ông Vũ làm đấy!
Ông Vũ là cái gì? Là ai?
Ông Cù Huy Hà Vũ là con ruột ông Cù Huy Cận, là con nuôi ông Xuân Diệu. Ông Xuân Diệu chỉ là một nhà thơ cầm lá cờ nhìn theo hướng gió mà phất, như câu tục ngữ “Lựa gió phất cờ” nên ông chẳng có chức phận gì cao trong chế độ Cộng Sản cả. Còn thời Pháp thuộc, ông mần thư ký cho Tây nên được người ta gọi là ông “phán Diệu”, giống như “phán Hoan” (Chế Lan Viên) vậy thôi.
Ông Cù Huy Cận thì mần to hơn. Thời Tây ông là kỹ sư canh nông. Hồi cái gọi là “cách mạng tháng Tám”, ông cùng với Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, đại diện cho Việt Minh, vào Huế nhận ấn kiếm khi vua Bảo Đại thoái vị. Cả ba ông nầy đều “thành công”.  Trần Huy Liệu thì cướp được vợ của Phạm Giao, con của ông Phạm Quỳnh. Cha con Phạm Quỳnh đều bị Việt Minh giết cả (2). Ông Nguyễn Lương Bằng sau được làm phó chủ tịch nước. Ông Cù Huy Cận thì được những mấy chức: Bộ trưởng Bộ Canh nông, ủy viên ban thanh tra đặc biệt của chính phủ, thứ trưởng bộ văn hóa, bộ trưởng đặc trách văn hóa thông tin, văn hóa và văn nghệ, chủ tịch ủy ban trung ương liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đại biểu quốc hội Việt Nam.
Một cách tổng quát, việc ông Vũ thưa ông Dũng có nhiều điều không được.
- Bố ông Vũ là ông Cận, còn thua ông Dũng những  mấy cấp. Ông Cận lên tới chức bộ trưởng là cao nhứt, không thể bì với cái chức thủ tướng của ông Dũng. Như vậy, ông Dũng còn chưa coi ông Cận là “cái thá gì”, huống gì ông Vũ là con ông Cận!!!
- Ông Dũng là thủ tướng, trong chế độ độc tài, phong kiến thì coi như tể tướng. Cả nước chỉ có một ông tể tướng. Thế lực ông Dũng mạnh lắm. Rõ lắm! Vụ  Vinashin, mất hàng tỷ đôla. Đảng viên lớn bé, quốc hội, báo chí, đặt vần đề coi bộ xôm trò cải lương lắm mà ông Dũng chẳng mất một sợi lông chân. Chưa kể ông Dũng còn được gọi là chú “Ba Tầu con” (được Tầu che cho), là anh “Tony con” (được Mỹ cưng). Còn ông Vũ là luật sư, trong một nước Việt Nam có tới mấy chục ông luật sư. Ông luật sư quèn vác đơn đi kiện ông thủ tướng (nổi danh. Danh gì? ai cũng biết cái danh ấy) là “phạm thượng”. Phạm thượng bị tội “trảm” dễ như chơi.
- Thứ ba, ông Vũ trẻ hơn ông Dũng. Trẻ dám đụng tới người lớn tuổi hơn là không biết “kính lão đắc thọ”. Không đắc thọ thì chết sớm cũng không có chi lạ cả.
- Ông Vũ là con nhà dòng dõi. Bố là kỹ sư, từng làm chức cao nhứt là bộ trưởng. Bố ông Dũng là Mười Minh, là du kích, cận vệ ông Võ Văn Kiệt, bị Tây bắn chết “hồi 9 năm” (1945-54). Nhờ ông Võ Văn Kiệt đỡ đầu nên đời ông Dũng “đi lên”. Du kích là nông dân không có đất cắm dùi, chữ nghĩa hột mít, (cũng giống như ông Võ Văn Kiệt vậy), đúng là “thằnh phần giai cấp” của “cách mạng”, là thành phần “nòng cốt” của đảng. Cha con ông Vũ đều là trí thức, lại là “trí thức tiểu tư sản”, thuộc giai cấp phản động, hoạt đầu (như ông Xuân Diệu vậy) thì là thành phần nồng cốt cho cách mạng thế nào được. Ông Vũ thưa ông Dũng là sai lắm.
- Ông Vũ có bằng tiến sĩ luật ở Pháp, Ông Dũng có bằng tiểu học (miễn thi), của Ty Tiểu Học Vụ tỉnh Kiên Giang (thời Đệ Nhứt Cộng Hòa), sau nầy có bằng tiến sĩ kinh tế, – bằng “tại chức” của Dziệt Cộng đấy!- do một đại học nào đó, không rõ tên. Bằng đại học của ông Vũ ở bên Tây, cái đại học đó là Sorbonne, không thể ngang bằng với bằng cấp của “trường đại học chế độ Xã hội chủ nghĩa ưu việt” được!!! Ông Vũ cho rằng ông học bên Tây, bên Mỹ về là bằng của đế quốc tư bản là to hơn chăng? Bằng cấp đó là bằng cấp phản động. Vì phản động nên ông Vũ mới thưa ông Dũng.
Ông Dũng và bố ông là Mười Minh thì sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình nông dân nghèo khổ nên đi làm cách mạng. Cha con ông Vũ thì sinh ra và lớn lên trong cảnh giàu có hay ít ra cũng đủ ăn đủ mặc, vậy mà đi theo “cách mạng” là dại.
Vua Thành Thái, vua Duy Tân đang làm vua, sống trong cảnh nệm ấm chăn êm, bỏ đi làm cách mạng chống Tây nên bị tù. Tù thì ăn uống kham khổ, đói lạnh, mất tự do… nên hai ông vua nầy dại lắm. Cứ như ông Khải Định là khôn. Cứ làm vua, cứ vui chơi, cờ bạc, cứ xây lăng, chết làm đám ma thật to. Có phải hơn không?
Ông Vũ nên bắt chước bố nuôi ông như Xuân Diệu, cầm cờ lựa gió mà phất, biết đâu ông Dũng sẽ cho một cái chức gì đó, do ông Dũng ban cho, thay vì vô tù ngồi.
Mới đây đài SBTN Washington DC, có một ông (sĩ) quan nguyên học khóa 26 võ bị Quốc Gia, mai mỉa ông luật sư Vũ có cha làm quan to trong chế độ Cộng Sản mà nay lại đi thưa ông Dũng, làm luật sư bênh vực cho giáo dân Cồn Dầu… Nói về lý tưởng, người sống chết với lý tưởng, là người nên trọng. bởi người có lý tưởng không thể là người giá áo túi cơm. Cho nên, người dân luôn luôn quí trọng những người có lý tưởng vì dân vì nước như vua Thành Thái, Duy Tân, cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Với họ, tù tội có là đáng cái gì đâu!
Nói cho đúng, vụ án ông luật sư Cù Huy Hà Vũ, chỉ là vụ án tư thù cá nhân. Xin nhớ  câu: “Nó muốn chết hay sao mà dám thưa anh Ba” như mấy người anh em Ba Dũng nói với dân Rạch Giá.
Đây là một vụ án trả thù cái “thằng to gan”
Nếu “thằng to gan” giữ vững ý chí, “uy vũ bất năng khuất” thì lịch sử sẽ ghi lại việc làm của “thằng to gan” bằng mực đỏ. Lịch sử cũng sẽ ghi lại những gì Ba Dũng đã làm, đưa “thằng to gan” ra tòa, nhưng lại ghi bằng mực đen.
Mực đỏ hay mực đen chỉ là cách nói biểu tượng. Đằng sau cái biểu tượng đó, còn là miệng thế gian, “thế gian chê cười” hay “thế gian khen ngọi”. Đằng sau biểu tượng đó còn là bia “Trăm năm bia đó thì mòn, Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Người có trí thì đi tìm cái trăm năm, cái ngàn năm chớ không tìm cái lợi ngay trước mắt bao giờ!!!
hoànglonghải
(1) Thánh kinh cũng có nói, “Thượng đế là tình yêu” (1 John 4:16), mà “tình yêu là nhẫn nhục.” “Nếu kẻ thù tát vào má ngươi, thì đưa thêm má kia.”
Không biết có ai lấy câu nầy để tìm hiểu về mối thù nào đó, nếu có, giữa ông Bùi Đình Thi và linh mục Nguyễn Hữu Lễ. Vậy ông Thi có là kẻ thù của linh mục Lễ hay không? Nếu là kẻ thù thật, linh mục Lễ có chìa thêm má bên kia để ông Thi tát thêm một cái nữa hay không? Có lẽ không phải vậy! Hồi ký của linh mục Lễ là để kể lại một thời kỳ tù tội, về sự độc ác của Dziệt Cộng, về cái bất nhân của nó, về sự vi phạm nhân quyền cua nó. Linh mục nhắc lại chuyện ông Thi, chẳng qua chuyện ấy nằm trong một chuỗi dài những tội ác của Dziệt Cộng mà thôi.
Có lẽ trong số một triệu người tù cải tạo sau 1975, chẳng ai chịu đưa má của mình cho Dziệt Cộng tát thêm một cái nữa bao giờ. Làm như thế, tức là chúng ta chỉ cổ vũ thêm cho cái ác mà thôi.
Tôn giáo thường kêu gọi tha thứ, tha thứ cho cả kẻ thù của mình. Ngoài câu nói của Chúa như nói trên, đạo Nho có chữ Thứ.
Một hôm, thầy Tử Cống hỏi đức Không Tử: “Có lời nào khả dĩ thi hành được chung thân hay không?”
Khổng tử đáp:
- “Hình như là chữ Thứ! Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân!”
(Điều gì mình không muốn thì không làm cho người khác.)
Câu nầy có ghi trong sách Luận ngữ, nó bao gồm nhiều ý nghĩa: Sự bình đẵng giữa đồng loại cũng như lòng nhân ái và biết tôn trọng người khác….
Phật thì kêu gọi Từ Bi, nhưng sau từ bi là Hỷ xã, ý nghĩa cũng như thế hay cũng có người còn cho Hỷ xã là hay hơn hết!!!
Nói như thế có thể chủ quan.
Mới đây, tôi có đọc một truyện ngắn của một giáo sư người Mỹ gốc Việt tại một đại học Mỹ. Truyện của ông giáo sư nầy ca ngợi câu nói trên của Chúa Giê Su là hay hơn hết, không tôn giáo nào bì kịp, và đó là “Con đường hạnh phúc”, tên của truyện ngắn ấy. Tôi thấy buồn cười cho sự cuồng tín ấy. Ai cũng cho tôn giáo mình là hay nhất, tốt đẹp nhứt, như thế gọi là ấu trĩ, cuồng tín. Ấu trĩ, cuồng tín nên mới có việc vác thánh giá tham gia Thập Tự Chinh, là “ôm bom tự sát, chết ai nấy chịu” như mấy ông đạo Hồi. Trong ý nghĩa đó thì người cuồng tín ít học cũng giống như người cuồng tín có học, đều ấu trĩ cả.
(2) Thời Pháp thuộc Ông Phạm Quỳnh làm thượng thư bộ lại. Chính phủ Trần Trọng Kim không có tên ông. Tuy nhiên, Việt Minh thù ghét ông. Để chạy tội giết Phạm Quỳnh, Việt Minh truyên truyền ở Huế hồi 1945, 46 rằng chính ông Phạm Quỳnh đã xúi Tây phá đê trên sông Hồng Hà, tạo ra nạn đói năm Ất Dậu, làm 2 triệu người chết đói. Tuy nhiên, cũng có người tin điều tuyên truyền ấy là thật đấy. Biến cố năm nầy khiến ông Phạm Giao, con cả cụ Phạm Quỳnh bị Trần Huy Liệu cướp mất vợ. Bà nầy nổi tiếng hoa khôi ở Huế. Không rõ ông Phạm Giao có đẹp trai không. Ông Trần Huy Liệu thì vừa lùn, vừa lé!

No comments:

Post a Comment