Pages

Monday, April 11, 2011

Sau 64 năm Giáo chủ PGHH “thọ nạn”, Tín đồ bắt đầu đòi Công lý?

Năm nay, ngày 25 tháng 2 âm lịch nhằm ngày 29 tháng 3 dương lịch, tức ngày 16 tháng 4 năm 1947, năm nhuần, một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đông chừng vài chục ngàn người đã tự động tổ chức Lễ Tưởng nhớ Đức Thầy thọ nạn ở nhiều địa điểm trong vùng Đồng Bằng Sông Cữu long . Từ khi cộng sản cai trị Miền nam, người Phật Giáo Hòa Hảo không được phép nhắc tới Đức Thầy thọ nạn vì đó là điều vẫn còn bị nhà cầm quyền cộng sản cấm kỵ nghiêm ngặt .
Nơi đây, tôi chỉ trích thuật vài địa điểm tổ chức lễ mà tôi được biết qua thông tin của một thân hữu có mặt tại chỗ theo dõi tình hình thực tế.
Từ ngày 22 tháng 2 âm lịch, tại xã Long Giang, Huyện Chợ Mới, An Giang, một nông dân lão thành, nhà có vườn rộng, đã điềm nhiên treo trước nhà một tấm biểu ngữ màu nâu, khổ 4mx 0m,90, với  hàng chữ “Tưởng nhớ 64 năm Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo thọ nạn tại Đốc Vàng, Kiến Phong “.
Tín đồ PGHH làm lễ sửa soạn phát động tổ chức Lễ “Tưởng nhớ 64 năm Đức Thầy thọ nạn”.
Đồng thời, tại vùng Thất sơn, có 3 địa điểm khác: Láng Linh, Bảy Thưa và Xã Phú Tân, An Giang, như ba nơi động tâm của người PGHH, tín đồ cũng đồng loạt tự động tổ chức Lễ Tưởng nhớ “64 năm Đức Thầy thọ nạn”. Mỗi nơi đón nhận tín đồ lần lượt tới làm lễ hằng mươi ngàn người . Riêng tại Lò Rèn ở Cù Lao Ông Chưởng, công an đông đảo, trang bị võ khí, các loại xe cấp cứu, xe bắt người, túc trực canh phòng nghiêm ngặt vì nơi đây, tín đồ tổ chức lễ rình rang hơn, có cờ quạt, nhiều biểu ngữ ghi chép lại lời Đức Thầy dạy.
Ở những nơi khác, hình thức tổ chức lễ đơn giản hơn . Vài nhà gần nhau, hợp lại, lập bàn thờ trước sân nhà, cùng nhau cầu nguyện Đức Thầy sớm trờ về để cứu dân, cứu nước.
Vẫn áp dụng biện pháp cố hữu, công an ngăn chận các trục giao thông thủy bộ dẩn tới các địa điểm tổ chức Lễ để không cho hoặc giới hạn số người tham dự nhưng vẫn không quản lý được khối lượng tín đồ đi dự lễ .
Nhà cầm quyền cộng sản ngăn cấm tổ chức Lễ tưởng nhớ Giáo chủ PGHH thọ nạn vì lo sợ khối tín đồ đứng lên đòi hỏi món nợ máu của 64 năm trước. Nói rõ “thọ nạn”, tức bị Việt Minh vâng lệnh Hồ Chí Minh ở Hà nội tổ chức ám sát?
Những xung đột đẫm máu giữa lực lượng Quốc gia và cộng sản.
Xin nhắc sơ lược một vài biến cố của thời cuộc Việt nam từ năm 1945 để hiểu tại sao cộng sản căm thù PGHH và ra tay ám hại Giáo chủ .
Sau khi Nhựt bổn lật đổ chánh quyền Pháp tại Đông Dương, ngày 10-03-1945, nhà trí thức ái quốc Hồ văn Ngà thành lập Đảng Việt nam Quốc gia từ sự phối hợp với Đảng Nhân dân Cách mạng gồm có các nhà cách mạng ái quốc Phan Khắc Sửu, Võ Oanh, Trấn Quốc Bửu, Trần văn Ân, Ngô Đình Đẩu, Nguyễn văn Sâm, …
Ngày 12-03-1945, Hoàng Đế Bảo Đại ra tuyên cáo hủy bỏ tất cả Hiệp ước bất bình đẳng đã ký với Pháp ngày 6-6-1862 và ngày 15-08-1884 . Hành động của Hoàng Đế đã mặc nhiên có hiệu lực khôi phục nền độc lập dân tộc và sự thống nhứt đất nước.
Ngày 14-08-1945, hưởng ứng lời kêu gọi kết hợp lực lượng tranh đấu của nhà trí thức ái quốc Hồ văn Ngà, Giáo chủ PGHH, các nhân sĩ Trần văn Ân, Nguyễn văn Sâm, Trần văn Thạch, …liên kết các đảng phái để thành lập một tập hợp lớn “Mặt Trận Quốc Gia Thống nhứt”.
Sau khi Nhựt bổn đầu hàng Đồng Minh, Triều tiên, Nam dương tuyên bố Độc lập. Mặt Trận Quốc gia Thống nhứt vừa ra đời đã triệu tập một cuộc biểu tình tuần hành trên khắp các đường phố Sài gòn qui tụ cả 200 000 người tham dự, biểu dương một lực lượng quần chúng hùng hậu cho một Việt nam độc lập trước dư luận quốc tế và quốc nội .
Tháng 8 năm 1945, Nhựt bổn chọn trao trả Chánh quyền Nam kỳ cho Hội đồng Nam kỳ do nhơn sĩ Trần văn Ân làm Chủ tịch . Nhưng sau đó, ngày 22-08-1945, Việt Minh tổ chức biểu tình trước Nhà Hát lớn Hà nội và cướp Chánh quyền . Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị để làm “Công dân một nước độc lập hơn làm vua một nước bị nô lệ”. Trong Nam, ngày 25-08-1945, Việt Minh cướp Chánh quyền bằng cách thành lập một thứ chánh quyền cách mạng theo kiểu cộng sản, Lâm Ủy Hành chánh Nam bộ, với 9 Ủy viên và Trần văn Giàu tự phong làm Chủ tịch. Ngày 02-09-1945, Hà nội và Sài gòn đều biểu tình, tuyên bố Việt Nam độc lập lần nữa. Hồ Chí Minh bổng nhiên xuất hiện trước đồng bào ở Hà nội và đọc tuyên ngôn độc lập, tự xác nhận Chủ tịch nước.
Ngày 07-09-1945, các đảng phái Quốc gia và Nhóm Đệ Tứ phản đối quyết liệt, đả đảo Lâm Ủy Hành chánh độc đoán và thiếu lương thiện . Trần văn Giàu đã phải nhượng bộ, mở rộng sự tham dự tổ chức . Phạm văn Bạch thay Trần văn Giàu làm Chủ tịch, do 2 ông Dương văn Giáo và Trần văn Ân giới thiệu.
Ngày 08-09-1945, tại Cần thơ, tín đồ PGHH biểu tình hô hào chống “độc tài”, ủng hộ Mặt Trận Quốc gia Thống nhứt . Khẩu hiệu chống “độc tài” lúc bấy giờ của PGHH đưa ra thật hoàn toàn mời mẻ và xa lạ với ngôn ngữ tranh đấu của quần chúng việt nam, nhứt là nông dân Miền Đồng bằng sông Cửu long, làm cho cộng sản bị dị ứng.
Ngày 09-09-1945, Trần văn Giàu cho công an bao vây Trụ sở Việt nam Độc lập Vận động Hội của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ ở đường Miche, Sài Gòn, để bắt Đức Thầy, nhưng không bắt được . Ngày 13-09-1945, công an của Trần văn Giàu do Lý Huê Vinh cầm đầu, bắt đầu khủng bố tiêu diệt những người tranh đấu chống Pháp không theo cộng sản như các Ông Vũ Tam Anh (Nguyễn Ngọc Nhẫn – 3 chữ N), Hồ văn Ngà, Trần Quang Vinh, Lương Trọng Tường và Lãnh tụ Đảng Lập Hiến Bùi Quang Chiêu.
Tù binh Pháp ở Sài gòn được Tướng Douglas Gracey của Anh thả ra và phát võ khí nói là để tự vệ, tấn công các vị trí quân sự và cơ sở Hành chánh của Nam bộ . Ngày 24-09-1945, bốn Sư đoàn Dân quân Cách mạng đồng loạt đứng lên với đồng bào các giới chống lại Pháp với đủ thứ vỏ khí cả võ khí thô sơ . Nam bộ kháng chiến thật sự bắt đầu.
Ngày 25-09-1945, Lâm Ủy Hành chánh bị Tướng Gracey đuổi ra khỏi Dinh Gia Long, sau đó rút êm về Chợ Đệm, vùng quê hương của Nguyễn văn Trấn và Trần văn Giàu (Gò Đen). Ở lại Sài gòn, lực lượng Quốc gia gồm có các Ông Trần văn Ân, Nguyễn văn Sâm, Kha vạng Cân, Hồ văn Ngà tổ chức chống Pháp, phong tỏa Sài gòn, làm cho thành phố không điện, không nước, thiếu lương thực, …Dân chúng lớn tuổi, trẻ nít, được lịnh tảng cư.
Sài Gòn-Chợ lớn gần như một thành phố chết, nhiều nơi chìm trong khói lửa. Pháp kêu gọi hưu chiến để hoản binh, chờ tiếp vận, nhứt là về lương thực. Lực lượng võ  trang Bình Xuyên, Thanh niên Đoàn, lui về bố trí các yếu điểm chờ lịnh mới. Lợi dụng tình hình hưu chiến, Việt Minh chui ra lùng bắt các nhà ái quốc, các đảng phái quốc gia, tiêu diệt để kháng chiến chỉ có lãnh đạo là cộng sản . Trong chủ trương này, Trần văn Giàu đã ra tay sát hại lối 2500 trí thức Miền nam không theo cộng sản (Lời tiết lộ của chính Trần văn Giàu với Ông Trịnh Hưng Ngẩu tại Bangkok, ngày 13-03-1946, trên đường về Hà Nội, do Ông Trịnh Hưng Ngẩu thuật lại trong hồi ký của Ông tự xuất bản ở Sài Gòn ngày 19-09-1973 )
Cộng sản xung đột trực tiếp với PGHH

Huỳnh Phú Sổ (PGHH)
Xung đột giữa cộng sản và lực lượng Quốc gia ngày càng rõ, Đức Thầy Huỳng Phú Sổ thật lòng tìm cách giải tỏa để giữ sức mạnh chống Pháp. Trong phiên họp với Lâm Ủy Hành chánh kéo dài, bỗng Lý Huê Vinh tới đưa cho Trần văn Giàu bức điện tín báo tin “Hòa Hảo nổi dậy, đảo chánh chiếm chánh quyền Cần thơ”. Giáo chủ PGHH phủ nhận, giải thích PGHH biểu tình, không võ trang, được phép của Chánh quyền Cần thơ, nhằm bày tỏ nguyện vọng « Võ trang quần chúng chống thực dân Pháp, Tẩy uế các phần tử thối nát trong Ủy Ban Hành chánh Nam bộ » . Cuộc biểu tình đông gần hai mươi ngàn tín đồ PGHH, biểu dương thanh thế cũng nhằm ủng hộ Mặt Trận Quốc gia Thống nhứt . Trần văn Giàu không thể để cho một thế lực nào khác ngoài công sản lớn mạnh nên đã chủ trương đàn áp triệt để cuộc biểu tình và đã dìm tín đồ PGHH trong biển máu. Sau này, ở nhiêu nơi Miền tây, vào ngày 08-09, gần như có cả làng cùng làm đám giỗ thân nhân bị cộng sản sát hại trong cuộc biểu tình.

Vào đầu tháng 4-1947, các tổ chức chống Pháp phe Quốc gia cho di chuyển các đơn vị võ trang của Cao Đài, PGHH, Đại Việt, Bình Xuyên về chiếm đống Đồng Tháp Mười . Bị lực lượng của Nguyễn Bình phục kích ám hại trên đường đi nên chỉ có lực lượng PGHH và Đại Việt tới được vì thông thuộc đường đi . Kế hoặch chiếm đống Đồng Tháp Mười do đó không thực hiện được .
Biến cố ngày 16-04-1947
Ngày 16-04-1947 là thời điểm vô cùng trọng đại đối với toàn bộ khối tín đồ PGHH ngày nay phải lên gần 7 triệu ( phát triển theo dân số vì PGHH bao gồm cả gia đình ) vì ngày đó, Giáo Chủ PGHH “vắng mặt”.
Dư luận bên ngoài khối tín đồ cho rằng cộng sản đã ám hại Ông . Nhưng người PGHH thì tin tưởng Ông chỉ tạm thời vắng mặt thôi. Hằng ngày, họ lo trau dồi “đời đạo song tu” để chờ ngày Thầy trở lại. Sự vắng mặt Giáo chủ đã dẩn đến tình trạng thiếu lãnh đạo của PGHH về cả mặt tôn giáo và tranh đấu cho một Việt nam thật sự độc lập không công sản.
Từ đây người PGHH phải đối phó sanh tử cùng lúc với hai kẻ thù: Pháp và Việt Minh. Trước kia, họ chỉ chiến đấu với thực dân Pháp, và cảnh giác với người cùng chiến tuyến là Việt Minh . Nay thì họ phải chiến đấu với Việt Minh lẩn núp sát cánh, đang rình rập tiêu diệt họ bằng đủ mọi thủ đoạn gian ác, tàn độc học được của Staline và Lê-nin.
Nhắc lại đêm 16-04-47, Giáo chủ PGHH, với tư cách Ủy viên Đặc biệt của Ủy Ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ, cương quyết đi tới sào huyệt của Việt minh tại làng Tân Phú, Tỉnh Long Xuyên, theo thư mời của Trần văn Nguyên (Đặc phái viên, kiêm Thanh tra Chánh trị Miền Tây Nam bộ) và Bửu Vinh, dự phiên họp với Ủy viên Quân sự và Thanh tra Chánh trị Miền tây của Việt Minh để mong hòa giải những xung đột giữa các phe, giữ sức mạnh để cùng đánh thực dân . Buổi họp lúc bấy giờ thường diễn ra ban đêm vì lý do an ninh, tránh bi Tây ruồng bố và oanh tạc. Trong buổi họp hôm đó, Việt Minh đã bố trí sẵn một toán Vệ Quốc đoàn võ trang phục kích bao quanh phòng họp, chờ lúc thuận lợi xả súng bắn thẳng vào Giáo chủ.
Theo tín đồ PGHH thì sau vụ ám hại có chủ mưu đó, Giáo chủ không chết vì còn viết thư trước mặt một tín đồ và sai người này mang thư về trao cho 2 ông chỉ huy Quân sự Nguyễn Giác Ngộ và Trần văn Soái . Bức thư viết tay của Đức Thầy được ông Mai văn Dậu kiểm tra nét chữ viết và chữ ký tên và xác nhận đúng là do Đức Thầy viết *.
Nhưng từ biến cố đó cho tới nay, Giáo chủ vẫn chưa trở lại dìu dắt tín đồ của Ngài .
Có phải Việt Minh tuân lệnh Hồ Chí Minh giết Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ không?
Từ 64 năm qua, người tín đồ PGHH vẫn một lòng tin « Đức Thầy tạm vắng mặt » . Tin trong sự thương kính, mong đợi ngày Đức Thầy trở về . Nhưng thực tế, có những tài liệu cho thấy Việt Minh đã chủ trương sát hại Giáo chủ để PGHH và Dân Chủ Xã Hội Đảng không có lãnh đạo mà không có nguời khả dĩ thay thế . Việt Minh giết Giáo chủ vì lo sợ Dân Xã Đảng sẽ cùng với các Tổ chức khác nắm quyền lãnh đạo kháng chiến ở Nam bộ trong lúc Việt Minh còn yếu . Dân Xã Đảng sẽ là một đảng mạnh vì PGHH lúc bấy giờ có trên 2 triệu tín đồ mà mỗi tín đồ là một đảng viên thực thụ hay tìm lực. Về chủ trương, Dân Xã Đảng đưa ra lý thuyết “Dân chủ Xã hội” là một lý thuyết hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ, nhưng lại phù hợp với giáo lý Tứ Ân của PGHH mà « Ân Đồng bào và Nhân loại » vốn là nền tảng của tư tưởng dân chủ xã hội mà ngày nay nhiều quốc gia tiên tiến như ở Bắc Âu đang áp dụng .
Trong tập « Ghi chú về PGHH » của Đại tá Phòng Nhì Savani (Notes sur le PGHH , no 300 893, CHEAM, Paris VI ), có phổ biến một văn bản của Ban Chấp Hành Nam bộ (Ban Thường vụ), truy tố Giáo chủ theo tội phản động và ban hành Quyết định gồm 4 điểm:
1 – Ông Huỳnh Phú Sổ bị cách chức Ủy viên Đặc biệt của Nam bộ kể từ ngày ra Quyết định này,
2 -  Giám đốc Tư Pháp có nhiệm vụ truy tố Ông Huỳnh Phú Sổ về tội phản động,

3 -  Quyết định này sẽ gởi khẩn về Chánh phủ Trung ương,

4 -  Ủy viên Nội vụ và Giám đốc Tư pháp, tùy theo nhiệm vụ của mình, nhận lãnh thi hành Quyết định này .
Ngày 28 tháng 4 năm 1947
Thay mặt Ban Chấp Hành Nam Bộ, Phó Chủ tịch PHẠM NGỌC THUẦN ký tên
Gần một tháng sau, ngày 20 tháng 5 năm 1947, Ban Chấp Hành Nam Bộ ra Thông Cáo về Bản án của Huỳnh Phú Sổ:
“ Ban Chấp Hành nam Bộ thông báo với đồng bào những điều sau đây:
Trong buổi hợp bất thường ngày 25 tháng 4 năm 1947,Ban Chấp Hành Nam Bộ đã đề cử Một Tòa Án Đặc biệt cách chức Ủy viên Đặc biệt của Ông Huỳnh Phú Sổ và tuyên án tử hình Ông vì tôi phản động và âm mưu tạo bất ổn tại Miền Tây trong lúc mọi lực lượng nhân dân phải được bảo vệ để theo đuổi Kháng chiến .
“Ông ấy tổ chức cho riêng Ông những Toán võ trang, Cơ quan An ninh và Tòa Án đặc biệt giống như một Quốc gia trong một Quốc gia.

“Ông ra lịnh võ trang Dân Xã Đảng và tín đồ PGHH.

“Ông ra lịnh cho Dân Xã Đảng và tín đồ PGHH nổi dậy, bắt giết cán bộ Chánh phủ và dân chúng.

“Ông bí mật gởi lực lượng võ trang của Ông tới Miền Tây để bảo vệ và khuyến khích những người cướp bốc và gây bất ổn .

“Đảng viên Dân Xã Đảng và tín đồ PGHH đã hợp tác với Quân đội Pháp để đánh lại Quân đội Chánh phủ và khủng bố đồng bào dân sự.
- Ông Huỳnh Phú Sổ đã bị hành quyết.
Ngày 20 tháng 5 năm 1947
Ban Chấp Hành Nam Bộ (Không có người ký tên)
Trước đó, ngày 21 tháng 4, Giám đốc Công An Kiều Tân Lập, Thanh Tra Chánh trị Miền Tây Trần văn Nguyên, thay mặt Ban Chấp Hành và Ban Thường Vụ Nam Bộ, ra lịnh cho các Cơ quan Hành chánh, Quân đội và Công An truy lùng và thanh toán Dân Xã Đảng ở khắp nơi bắt gặp, sử lý tùy theo sáng kiến của cán bộ .
Theo tài liệu trên đây, ai cũng thấy Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, đã chủ trương giết Giáo chủ PGHH và thanh toán Dân Xã Đảng, khủng bố tín đồ PGHH để tiêu diệt trọn vẹn một kẻ thù nguy hiểm. Về chủ trương tiếp tục tiêu diệt PGHH của cộng sản Hà nội sau 30/04/75, một ký giả người Nga thuật lại với ông Như Phong Lê văn Tiến, ký giả báo Mỹ (Times, Newsweek, nay đã mất ở Mỹ . Bản tin này được Ông Như Phong đưa cho Ban Trị Sự PGHH ở Nam California cất giữ): “ Chánh quyền Hà nội ban hành chỉ thị phải tiêu diệt triệt để PGHH trong vòng 10 năm, từ 1978-1988 ”. Sau khi lùng bắt, thủ tiêu một số Cán bộ Ban Trị Sự, cộng sản nhận thấy số tín đồ, nhứt là thành phần trẻ, đã không giảm, mà còn gia tăng. Chưa mãn 10 năm, công sản đã phải hủy bỏ kế hoặch này.
Từ sau 30/04/75, cộng sản vẫn kiểm soát, ngấm ngầm khủng bố tín đồ PGHH, ngăn cấm triệt để mọi sanh hoạt tôn giáo, lưu hành kinh sách, tịch thu các cơ sở văn hóa xã hội của PGHH và biến mục tiêu sử dụng có tính cách sỉ nhục.
Năm 2000, tín đồ cương quyết tổ chức kỷ niệm 60 năm lập Đạo, không phụ thuộc vào chánh quyền. Thấy không thể ngăn cản được – theo cách “ giết không được, tha làm phước ” -  chánh quyền cho thành lập Ban Trị Sự Lâm thời với ông Mười Tôn, người địa phương, đảng viên cộng sản tập kết về, làm Chủ tịch, để có tư cách chánh thức tham dự lễ . Hà nội đã không ngờ đã có hơn triệu lược người đi về dự lễ ( Reuter, BBC việt ngữ, RFA việt ngữ, cùng loan báo).
Giờ đây, chánh quyền cộng sản Hà Nội vẫn chưa cho PGHH lập lại những Độc Giảng Đường để phổ biến giáo lý, chưa hoàn trả những cơ sở vật chất tịch thâu trái phép. Nên nhớ có hoàn trả những cơ sở này cho PGHH cũng là hoàn trả của nhân dân về cho nhân dân. Không bị mất vào tay ngoại bang, Tây hay Tàu .
Trước đây, khi vận động giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đi ra ngoại quốc và ôm về những điều của Nga Tàu, dẫn về xứ những tên Nga, tên Tàu . Trong lúc đó, Giáo chủ PGHH đi vào lòng nông dân Miền Tây, vận động sức mạnh của nông dân để đánh đuổi thực dân cho Việt Nam độc lập.
Ngày nay, người tín đồ PGHH có đầy đủ chánh nghĩa để đòi công lý cho Giáo chủ và PGHH. Giáo chủ mất tích là tội phạm hoàn toàn ở đảng cộng sản vì tính cách liên tục pháp lý. Các cơ sở vật chất phải trả lại cho PGHH. Quyền hành đạo của 7 triệu tín đồ phải được phục hồi trọn vẹn.
Trường hợp chủ trương tiêu diệt PGHH là tội chống nhân loại điển hình của cộng sản Hà Nội. Mà tội chống nhơn loại là tội bất khả thời tiêu .
© Nguyễn Văn Trần

No comments:

Post a Comment