Pages

Thursday, April 21, 2011

BA MƯƠI THÁNG TƯ NHỚ HAY QUÊN? PHẢI LÀM GÌ?

Ngô Quốc Sĩ  - 

Ba Mươi Tháng Tư, tháng Tư Đen, ngày quốc hận, quốc nhục hay quốc tang như nhiều người vẫn gọi, lại trở về với dân Việt lần thứ 36 với những cuộc biểu tình, hội thảo, đêm không ngủ hay thắp nến cầu nguyện, với nhiều trăn trở ngậm ngùi. Câu hỏi căn bản là sau 36 năm toàn cõi Việt Nam bị thu tóm vào tay cộng sản, với bao khổ đau, bất hạnh và oan khiên, giờ đây dân Việt nên nhớ hay nên quên ngày 30 tháng 4? Và nếu nên nhớ thì nhớ để làm gì và phải làm gì?  

Trả lời câu hỏi nên nhớ hay nên quên ngày 30 tháng 4, hiện có những cảm nghĩ khác nhau và những nhận định khác nhau.  
Một số người thiên về thực tế, nghĩ rằng, chuyện vui nên nhớ, còn chuyện buồn nên quên. Thế nên, ngày 30 tháng 4 hẳn nhiên là ngày bất hạnh lớn của dân Việt, gia đình tan tác, đất nước điêu linh, lịch sử tủi nhục, nhớ lại làm gì? Thôi thì quên đi mà sống! Mà đã muốn quên đi, thì cần gì phải tổ chức tưởng niệm cho phí thì giờ, tốn công tốn sức, nhất là cần gì phải khơi lại vết thương dân tộc tưởng đã được thời gian hàn gắn sau 36 năm! Thôi đừng làm vướng bận hiện tại bằng những chuyện buồn qúa khứ!
Vuợt trên cái nhìn của những người thiên về thực tế đó, còn phải nói tới những giọng điệu tuyên truyền của cộng sản vẫn khuyến khích người Việt quên ngày Quốc Hận để hướng về tương lai, không phải thật sự muốn xóa bỏ hận thù, mà chỉ để làm tiêu tan tiềm lực chống đối của dân Việt. Hẳn người ta còn nhớ lời của Đại Sứ cộng sản Việt Nam Nguyễn Tâm Chiến trong thư gửi cho Dân Biểu Pam Roach, tiểu bang Washington để phản đối quyết định vinh danh cờ vàng: “ Việt Nam đã làm hết sức mình để đẩy lui qúa khứ và nhìn về phía tương lai..” Thật láo khoét! Đẩy lui qúa khứ mà Hà Nội tiếp tục trả thù dân chúng Miền Nam. Quên qúa khứ mà cộng sản tiếp tục kỳ thị con cháu “ngụy quân ngụy quyền”. Xa rời qúa khứ mà hằng năm, cộng sản Việt Nam lại cứ tổ chức kỷ niệm ngày chiến thắng Miền Nam thật hoành tráng!  
Như thế, quên ngày 30 tháng 4, vì óc thực tế, đã khó mà chia sẻ, Còn quên ngày 30 tháng 4 vì ảnh hưởng tuyên truyền cộng sản, thì lại càng khó chấp nhận hơn.Thật vậy, dân Việt tỵ nạn, mang thân phận lưu vong, tất phải hướng lòng về quê hương đã bị cộng sản cuớp mất, chẳng khác nào dân Do Thái bao năm lang thang lòng vẫn mãi hướng về đất tổ. Nói khác, lòng dân Việt ly hương luôn luôn hướng về quê hương khổ đau, nên không thể quên ngày lịch sử đen tối đã đẩy họ ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, đã cướp đi của họ cuộc sống tự do, hạnh phúc và ấm no trên quê cha đất tổ. Họ phải nhớ, nhớ mãi không quên, ngày họ phải ngậm ngùi ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả những gì qúy giá nhất, thân thương nhất, để bắt đầu cuộc sống tạm dung nơi đất khách quê người. Họ phái nhớ thật rõ, ngày tự do rẫy chết, ngày cánh cửa dân chủ khép lại một cách tức tưởi, trước sự xâm lăng của quốc tế cộng sản vả sự phản bội của đồng minh. Dân Việt phải nhớ, không những nhớ cho riêng mình, mà cốt yếu là nhớ cho gia đình và con cháu mình, và ý nghĩa nhất là nhớ cho dân tộc mình.  
Trước hết là nhớ cho chính mình, như một người mất quê hương mang thân phận tỵ nạn, hay bi đát hơn là bị đọa đày trên chính quê hương mình, bị cướp đoạt cả tài sản, quyền sống và quyền làm người. Dân Việt chỉ còn được ôm lấy Tổ Quốc trong lòng để nhớ để thương. Đó có thể là một chàng lính trẻ phải ngậm ngùi buông súng đầu hàng theo lệnh của những vị chỉ huy khiếp nhược và phản bội khi tinh thần chiến đấu còn ngút ngàn. Đó cũng có thể là những người vợ son trẻ ngất xỉu bên xác chồng trong trại tập trung cải tạo nơi rừng sâu nước độc. Đó cũng có thể là những cô gái tuổi thanh xuân nhũm mềm trong tay hải tặc trên đường vượt biển, hay thậm chí, những em bé tuổi mười một mười hai bị bán làm nô lê tình dục cho khách hàng nơi đất lạ xứ người. Làm sao dân Việt có thể quên được thân phận mất nước của mình, quên được căn cước tỵ nạn cộng sản của mình, nhất là bản sắc quốc gia của mình?  
Tiếp đến là nhớ cho gia đình, con cái cháu chắt của mình. Tuổi trẻ Việt Nam thế hệ sau 75, không được may mắn gắn liền với những đau khổ của dân tộc, không hiểu được chủ trương xâm lăng của cộng sản trong ý hướng nhuộm đỏ đất nước. Nhất là tuổi trẻ Việt Nam không có cơ hội nhìn thấy bộ mặt thật của cộng sản bạo tàn dối trá, nên không hiểu được tại sao người Việt phải bỏ nước ra đi, tại sao người Việt quyết tâm chống cộng, tại sao dân Việt trân qúy lá cờ vàng..Hẳn nhiên, các bậc cha anh phải luôn luôn nhắc nhở cho con cái cháu chắt của mình nhớ rằng, dân Việt có một quê hương đang bị cộng sản đọa đày, dân Việt có một tổ quốc đang lâm nguy cần được giải cứu..  
Thứ ba là nhớ cho dân tộc mình. Dân tộc Việt Nam, với bản chất hiền hòa bao dung và thấm nhập triết lý nhân chủ, đang bị cộng sản áp đặt chủ thuyết Mác Lê ngoại lai phản tiến hóa, đang bị cuỡng chế bởi một tập đoàn lãnh đạo tham quyền cố vị với chủ trương lãnh đạo độc tôn, độc tài toàn trị, nhận chìm đất nước xuống vực thẳm oan khiên. Giải phóng, Độc lập, Thống nhất, chỉ là những chiêu bài đầy tính cách truyên truyền lừa bịp. Giải phóng chỉ có nghĩa là xâm lăng. Độc lập chỉ là lệ thuộc ngoại bang, làm tay sai cộng sản quốc tế. Thống nhất cũng chỉ là dùng bạo lực để nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam, đem toàn dân Việt cột vào xiềng xích búa liềm..  
So sánh Việt Nam với Do Thái, hình như dân Do Thái còn may mắn hơn dân Việt. Tuy dân Do Thái không thể quên những năm tháng dài bị đày làm nô lệ Ai Cập, phải ngồi bên bờ sông Babylon mà khóc mà nhớ Sion, phải hằng đêm tâm niệm thảm nạn Holocaust mà bồi đắp sức mạnh và tình tự dân tộc. Nhưng hôm nay, dân Do Thái đã có một đất hứa để sống, đã xây dựng được một quốc gia để sánh vai với thế giới văn minh. Còn Việt Nam, tuy đất nuớc còn đó, dân tộc còn đó với trên 85 triệu người, nhưng thật sự, dân Việt đang bị cộng sản, là những người mang dòng máu Việt Nam, cùng một mẹ trăm con, đọa đày trong đói nghèo, thiếu dân chủ, mất tự do, nhân quyền và nhân phẩm. Nhất là dân Việt vẫn chịu cảnh ly tán, một quê hương đọa đày trong nước với 85 triêu dân và một quê hương ly cách tại hải ngoại với trên 3 triệu người lưu vong! Trước cảnh ly tán này, có người đã liên tưởng tới cảnh chia lìa của 50 con theo mẹ lên núi và 50 con theo cha xuống biển thuở khai sinh Việt tộc. Thế đó! Không những dân Việt lưu vong mất quê hương, mà chính dân Việt trong nước cũng mất quê hương, vì đang bị những người cọng sản đã đánh mất bản chất dân tộc và bản chất con người đày đọa trên chính quê hương của mình, đến nỗi trước đây, một cựu dân biểu cộng sản sau khi rời bỏ chế độ, vượt biên sang Nhật Bản đã phát biểu, “nếu có thể vượt biên được thì cột đèn cũng ra đi!”.  
Thế nghĩa là phải nhớ ngày 30 tháng 4 để mỗi người dân Việt còn nhận ra mình là một người Việt Nam mất quê hương. Từ ý thức mất mát đó, mỗi người phải trả lời câu hỏi căn bản là “phải làm gì?” khi đất nước đang lâm nguy, khi dân tộc đang gánh chịu bao nỗi oan khiên? Hỏi chính là trả lời, bởi lẽ nỗi nhớ qúa khứ đau buồn không phải để nuôi hận thù, mà cốt để vun bồi lòng yêu nước, để tự đặt cho mình một trách nhiệm và một sứ mệnh. Đó là trách nhiệm đấu tranh để giải cứu quê hương khỏi bàn tay cộng sản. Đó là sứ mệnh đem hết tim óc xây dựng đất nước để mang lại hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.  

Ngô Quốc Sĩ  

No comments:

Post a Comment