Pages

Wednesday, February 9, 2011

Quân đội Ai Cập, một ẩn số trong cuộc nổi dậy của nhân dân

Người biểu tình chống Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak xếp hàng đến Quảng trường Tahrir ở Cairo
Bùi Tín
Đầu năm 2011, cuộc nổi dậy nhanh gọn ở Tunisia cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các nước láng giềng vùng dậy đòi tự do dân chủ và nhân quyền. Mạnh mẽ nhất, sôi sục nhất là nhân dân Ai Cập.
Người biểu tình chống Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak xếp hàng đến Quảng trường Tahrir ở Cairo
Khẩu hiệu ban đầu của quần chúng là đòi cải thiện đời sống, đòi tổng thống thực hiện lời hứa chống tham nhũng, chống giá lương thực thực phẩm đắt đỏ, đòi cải tổ chính quyền trung ương và địa phương…
Ngày 28-1 xô xát giữa quần chúng không vũ trang và cảnh sát mở rộng. Khi xung đột xảy ra, quân đội cam kết không dùng vũ lực đàn áp dân. Tình hình hơi dịu bớt, nhưng vẫn căng thẳng.
Đến nay sau 14 ngày đêm đấu tranh, tình thế vẫn giằng co quyết liệt. Quân đội được huy động để thị uy, có cả bộ binh và hàng chục xe tăng, với quy mô hạn chế, máy bay chiến đấu và trực thăng lượn trên không, không làm cho dân sợ hãi.
Thái độ của quân đội Ai Cập đang là một ẩn số, một nhân tố có ý nghĩa quyết định cho sự ngả ngũ của tình hình. Quân đội Ai Cập hiện có nửa triệu quân, với số quân dự bị có thể động viên khẩn cấp là nửa triệu nữa.
Quân đội Ai Cập hiện đại là quân đội có trang bị tối tân, trang bị vũ khí của Anh, Mỹ, được huấn luyện rất tốt, với hàng loạt sỹ quan trẻ tốt nghiệp từ các học viện quân sự Anh, Mỹ, Pháp.
Trong cuộc khủng hoảng lớn hiện nay, có một số sự kiện cần chú ý: Tổng thống Mubarak và Phó Tổng thống Omar Suleiman đều kêu gọi những người biểu tỉnh tự kiềm chế, tuyên bố không dùng quân đội đản áp nhân dân. Bộ trưởng Quốc phòng Mohamed Hussein Tantawi cũng cam kết thực hiện nghiêm ý định ấy của ông Mubarak. Ông Mubarak vốn là Trung tướng tư lệnh Không quân, năm 1975 được Tổng thống Sadat cử làm Phó Tổng thống. Hiện Tổng thống Mubarak vẫn mang danh nghĩa và quyền uy Thống chế, Tổng tư lệnh Tối cao Hải Lục Không quân Ai Cập.
Người thực tế chỉ huy Quân đội Ai Cập hiện là Tướng Tổng tham mưu trưởng Sami Al-Anan, được đào tạo từ Mỹ, người suốt 12 ngày nay luôn giữ liên lạc chặt chẽ với Ngũ Giác Ðài. Chính ông là người công khai tuyên bố cam kết quân đội không đàn áp những công dân đang bày tỏ nguyện vọng của mình bằng cách xuống đường.
Còn lực lượng cảnh sát? Đây cũng là một ẩn số của tình hỉnh. Cảnh sát Ai Cập khá đông, nhưng cũng bị ghép vào kỷ luật rất chặt chẽ trong quan hệ với nhân dân. Bất cứ hành động phiền nhiễu dân, vòi tiền, hống hách với dân, cậy quyền thế đều bị coi là vi phạm đạo đức, điều lệ quân nhân, bị tố cáo, kỷ luật và phần lớn bị sa thải, sau đó rất khó kiếm được việc khác. Phó Tổng thống Omar Suleiman tuyên bố rằng cảnh sát có nghĩa vụ bảo vệ mọi công dân trên đường phố, giữ gìn trật tự trị an, tập trung chống bọn cướp phá các kho tàng, hiệu buôn.
Đã có hiện tượng khi có xung đột giữa những người nổi dậy, giữa phe thân Mubarak và phe chống Mubarak, cảnh sát bắn đạn cao su và bắn chỉ thiên để cách ly 2 phía, ngăn cản xung đột lan rộng. Rất nhiều nơi cảnh sát đúng giữ trật tự cho các đoàn tuần hành.
Các đoạn phim được truyền đi tại chỗ cho thấy hàng chục xe tăng màu vàng nhạt, nòng súng bịt lại, đậu yên lặng trên Quảng trường Tahrir, người lái xe tăng vẫy chào quần chúng, cũng như cảnh cảnh sát mặc quân phục củng lực lượng thanh niên trật tự viên mang băng đỏ cùng hợp tác với nhau để giữ trật tự chung. Xe cứu thương qua lại cấp cứu người bị nạn.
Phóng viên Hoa Kỳ cho biết bà con xuống đường đã được dặn kỹ nhiều quy tắc ứng xử cần thiết: vệ sinh môi trường, nơi tiểu tiện, đại tiện, lễ cầu nguyện sáng và chiều (vì đa số là người Hồi giáo), không hốt hoảng khi có tiếng súng, khi có người bị thương, giúp nhau thu xếp nghỉ ngơi vào ban đêm, hệ thống cứu thương, cấp cứu, hệ thống tiếp tế, thông tin luôn cải tiến với tinh thần “chúng ta là anh em”.
Cả một xã hội công dân, xã hội dân sự có tổ chức hình thành trong đấu tranh, trong đó nổi lên tình nghĩa quân dân, chung sức chung lòng đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đưa đất nước phát triển bền vững trong một xã hội tự do dân chủ và phồn vinh cho mọi người dân.

No comments:

Post a Comment