Tình hình Libya đang ngày càng trở nên căng thẳng khi cuộc biểu tình đang lan ra nhiều thành phố.
Hôm thứ Ba, nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi đã tuyên bố “sẽ không rời bỏ đất nước và chết như một người tử vì đạo”.
Cơ hội để ông Gadhafi từ bỏ quyền hành là bao nhiêu? Quỳnh Chi hỏi chuyện Tiến sĩ Ronald Bruce St John, người đã từng viết 7 quyển sách về Libya.
Không có nhiều lựa chọn
Quỳnh Chi: Thưa Tiến sĩ, ông Gadhafi vừa nói rằng, xin trích “Tôi sẽ không rời đất nước này. Tôi sẽ chết như một người tử vì đạo”. Nhiều người cho rằng việc ông Gadhafi tuyên bố như vậy sẽ tạo thêm nhiều cuộc đổ máu. Ông nghĩ là các cuộc đổ máu sẽ còn tiếp diễn đến mức nào?
Ronald Bruce St John: Rất khó để có thể nói là chúng ta sẽ thấy bao nhiêu cuộc đổ máu khi cuộc biểu tình chưa kết thúc. Dĩ nhiên là ông Gadhafi nói là sẽ chiến đấn đến cùng. Nhưng mà có 1 điểm này tôi muốn chia sẻ: bởi vì đặc trưng của các quy luật mà ông đặt ra khiến ông Gadhafi không có nhiều đồng minh hay bạn bè bên ngoài Libya. Danh sách các nước chấp nhận cho ông tị nạn cũng không nhiều. Chính vì thế, ông không còn cách nào khác là phải chiến đấu đến cùng. Tuy nhiên, hãy cứ đợi thêm một vài ngày nữa xem sao.
Quỳnh Chi: Vậy thì cơ hội để ông Gadhafi từ bỏ quyền lực có lớn không thưa ông?
Ronald Bruce St John: Tôi nghĩ là cơ hội này rất lớn. Cho đến bây giờ thì tôi thấy ít nhất là 1/3 nếu không muốn nói là 1 nửa quốc gia này đã thuộc về người biểu tình. Thêm vào đó, nhiều vị lãnh đạo cao cấp đã hoặc từ chức hoặc đứng về phía người biểu tình. Họ nói rằng họ không còn muốn ủng hộ một chế độ giết nhiều người như vậy nữa. Nói thật là tôi nghĩ ngày mà ông Gadhafi còn tại vị chỉ tính bằng số đơn vị. Nó có thể là 2 ngày, cũng có thể là 1 tuần, tôi không chắc. Nhưng nó chỉ tính bằng ngày.
Quỳnh Chi: Ông có dự đoán là ông Gadhafi sẽ xin tị nạn ở quốc gia nào không?
Nói thật là tôi nghĩ ngày mà ông Gadhafi còn tại vị chỉ tính bằng số đơn vị. Nó có thể là 2 ngày, cũng có thể là 1 tuần, tôi không chắc. Nhưng nó chỉ tính bằng ngày.
Ông St. John
Ronald Bruce St John: Tôi không có dự đoán nào. Có người nói là Venezuela. Nhưng mà tôi không nghĩ là ông Gadhafi sẽ có nhiều lựa chọn.
Quỳnh Chi: Trong lịch sử thì đã có những trường hợp mà người đứng đầu chế độ bị mang ra tòa án quốc tế sau khi một chế độ bị sụp đổ. Ông có nghĩ điều này sẽ xảy ra với nhà lãnh đạo Gadhafi không?
Ronald Bruce St John: Tôi chưa thấy có một thông tin nào nói về việc ông Gadhafi sẽ bị hành xử như thế nào nếu chế độ của ông bị lật đổ. Nhưng mà tôi không nghĩ là ông sẽ dễ dàng sống yên ổn tại đây. Ông ta đã giết nhiều người Libya. Nói về câu hỏi của cô, tôi hy vọng điều tồi tệ sẽ không xảy ra với ông Gadhafi. Nhưng nếu ông Gadhafi bị đưa ra toà án tội phạm quốc tế, ông sẽ bị thẩm vấn nhiều về những việc ông có dính líu đến những hoạt động khủng bố trong 30 năm qua.
Tôi cũng có đọc được tài liệu, trong đó một nhân viên cao cấp của chính phủ đã từ chức để đứng về người biểu tình, nói rằng ông đã chứng minh được chính ông Gadhafi đã ra lệnh đánh bom chuyến bay Pan Am 103 ở Lockerbie, Scotland vào năm 1988. Nếu cáo buộc này đúng thì có thể ông Gadhafi sẽ chịu nhiều áp lực từ quốc tế.
Khác nhau giữa Ai Cập và Libya
Chuyến bay Pan Am 103 bị đánh bom khi đang trên đường bay về Luân Đôn đến New York vào ngày 21 tháng 12 năm 1988. Hậu quả là 259 người trên máy bay tử vong cùng 11 người trên mặt đất đã chết vì máy bay rớt xuống. Tai nạn xảy ra trên không phận Scotland, tại Lockerbie, thuộc miền nam nước này. Chính vì thế, tai nạn này còn được gọi là vụ đánh bom Lockerbie. Sau nhiều năm điều tra, người ta bắt được 2 người, một là tình báo Libya và một là trạm trưởng Libyan Arab Arilines.
Trở lại cuộc phỏng vấn, thưa ông, nói chuyện với CNN, ông cho rằng cuộc cách mạng ở Ai Cập cần một hệ thống tự do hơn, còn người dân Libya lại cần một hệ thống hoàn toàn mới. Hệ thống mới đó như thế nào và điều này làm cuộc biểu tình của 2 nước này khác nhau ra sao?
Ronald Bruce St John: Ở Ai Cập, dân chúng không hẳn muốn Mubarak từ bỏ quyền lực mà hướng tới một hệ thống tự do hơn. Tuy nhiên, ở Libya, người dân không những muốn Gadhafi từ chức mà còn muốn bỏ hệ thống mà ông này tạo ra. Họ muốn có một hệ thống mà người dân được bầu cử tự do và tự do phát biểu và có hiến pháp mới.
Quỳnh Chi: Thưa ông, lịch sử và cách thức vận hành ở Libya có phần đặc biệt vì có sự tồn tại của các bộ lạc nên người ta nghĩ đến khả năng nội chiến sẽ xảy ra giữa các bộ lạc khi ông Gadhafi từ bỏ quyền lực. Ý kiến của ông như thế nào?
Ronald Bruce St John: Tôi không nghĩ là sẽ xảy ra nội chiến ở đây theo cách mà các nước phương Tây đang nghĩ. Tôi nghĩ các tù trưởng sẽ hợp sức cùng nhau để tìm ra một hệ thống mới, một con đường mới cho nước này.
Ở Ai Cập, dân chúng không hẳn muốn Mubarak từ bỏ quyền lực mà hướng tới một hệ thống tự do hơn. Ở Libya, người dân không những muốn Gadhafi từ chức mà còn muốn bỏ hệ thống mà ông này tạo ra.
Ông St. John
Quỳnh Chi: Trước khi tạm biệt quý thính giả của đài RFA, xin ông cho biết ông có dự đoán nào về tương lai của Libya không?
Ronald Bruce St John: Tôi cho rằng tương lai của Libya sẽ tươi sáng hơn nhiều nếu chế độ Gadhafi bị bỏ đi và thay vào đó là một hệ thống thoáng hơn, tự do hơn và người dân có thể tham gia vào hệ thống chính phủ. Và, dĩ nhiên là người dân Libya sẽ giàu có hơn nếu họ được hưởng lợi từ tài nguyên quốc gia.
Quỳnh Chi: Xin cám ơn Tiến sĩ St. John.
Và như ông St. John vừa nói, cơ hội ông Muammar Gadhafi từ bỏ quyền hành là rất lớn và giới quan sát cho rằng cơ hội đó là “80% đi, 20% ở”. Tuy nhiên, cách mạng là không theo một tiêu chuẩn nào, và điều gì cũng có thể xảy ra trong những ngày tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thông tin và cập nhật.
No comments:
Post a Comment