Đâu có bất công, đó có đấu tranh cách mạng. Chân lý đó đã trở thành hiển nhiên với những biến cố lịch sử lớn như vụ Thiên An Môn tại Trung Hoa, như cuộc giải phóng Đông Âu 20 năm trước đây, đặc biệt là cuộc cách mạng tại Trung Đông hôm nay. Hy vọng đã vuơn lên đầy hứa hẹn từ Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung. Mọi người đều cảm thấy phấn khởi chân nhận rằng, niềm hy vọng đó bừng lên được là nhờ yếu tố sức mạnh quần chúng, chính yếu là của giới trẻ, đã làm tiêu tan sức mạnh của các thế lực trấn áp như cảnh sát công an, nhất là quân đội với đầy đủ vũ khí nặng nhẹ trong tay.
Sự thể là cơn bão dân chủ đã khởi dậy từ Tunisia lan qua Yemen, Jordan, Ai Cập và Iran như một lò thuốc súng đã đến lúc chín muồi từ lòng dân phẫn nộ, được châm ngòi từ cái chết của những người trẻ vô tội, đầy tâm huyết, trong một xã hội bất công , thiếu tự do, dân chủ và nhân quyền. Cơn bão lửa Trung Đông hôm nay, làm ta liên tưởng tới biến cố Thiên An Môn và cuộc cách mạng Đông Âu trước đây, giúp ta nhận thức được yếu tố căn bản làm đòn bẫy cho các cuộc cách mạng tân thời, là sức mạnh quần chúng và sự vùng lên của giới trẻ. Thật vậy. Chính quyền, quân đội, cảnh sát công an và súng đạn là những yêu tố sức mạnh, thường dùng để trấn áp các thế lực chống đối, nhằm bảo vệ chế độ. Nhưng trong thế giới hôm nay, khi dân trí đã khai mở, khi ý thức tự do dân chủ và nhân quyền đã được nhìn nhận như món ăn tinh thần không thể bị cướp đoạt, thì bạo lực súng đạn và cường quyền đều trở thành nhũn mềm trước ý chí của toàn dân và đăc biệt là lý tưởng trong sáng và bầu nhiệt huyết của giới trẻ.
Trưóc hết, càng ngày, ý thức tự do dân chủ càng triển nở trong nhân loại , đăc biệt là trong giới trẻ, tạo nên những đợt sóng, những ngọn lửa, chuẩn bị cho cơn bão lửa thiêu rụi bạo cường, cho cơn đại hồng thủy cuốn trôi các thế lực độc tài chuyên chế. Marcos tại Phi, Sadam tại Iraq, Ben Ali tại Tunisia, và Mubarak tại Ai cập đã bị đào thải, ra đi trong tủi nhục, nhường chỗ cho những thế lực dân chủ chân chính. Rồi đây, Iran, Triều Tiên, Việt Nam cũng phải đi vào qũy đạo dân chủ đó và chắc chắn, những thế lực phản bội hôm nay đang dành quyền lãnh đạo độc tôn cũng sẽ phải nhường buớc.
Tiếp đến, càng ngày, ý thức công bằng xã hội càng lớn mạnh trong con nguời nói chung và giới trẻ nói riêng, làm cho xã hội con người mang một màu sắc mới, hài hòa hơn, nhân bản hơn và hợp lý hợp tình hơn, thay cho xã hội ‘cá lớn nuốt cá bé” thời tiền sử và phong kiến. Chính ý thức công bằng xã hội đó là đòn bẫy làm bật lên những thế lực phản kháng, chống lại bất công, bóc lột, cướp đoạt và áp chế. Hiện tượng dân chúng tràn xuống đường đòi công bằng xã hội tại Trung Đông làm ta liên tưởng tới hiện tượng dân oan và giáo oan tại Việt Nam. Lòng dân phẫn nộ tại vuờn hoa Mai Xuân Thưởng tại Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm, Cồn Dầu.. còn âm ỉ. Biết đâu, Việt Nam chẳng theo buớc Trung Đông đứng lên đẩy lui bọn tư bản Đỏ, đang sống phè phỡn trên mồ hôi và nước mắt của dân lành.
Ngoài ra, sự phát triển kinh tế cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn vong của chế độ và sự an nguy của xã hội. Trước đây, sự thất bại của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã nhận chìm các nuớc cộng sản Đông Âu và Liên Sô. Hôm nay, nền kinh tế khập khễnh tại các nước Trung Đông, với nạn thất nghiệp trầm trọng, vật giá leo thang, giới trẻ tốt nghiệp phải kiếm sống bằng nghề tay trái, đã là nguyên nhân đưa tới tình trạng bất mãn, khơi dậy cuộc cách mạng vừa qua. Người ta vẫn thường nói “đói thì đầu gối phải bò”, nhưng đầu gối bò mà không đủ sống thì chân phải lê xuống đường, làm cho vỉa hè phải nổi sóng cách mạng!
Sau cùng, lý tưởng trong sáng cùng với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng là chất men làm bừng dậy cuộc cách mạng dân chủ và xã hội. Hẳn người ta chưa quên hình ảnh nguời thanh niên can trường trước họng súng và dây xích xe tăng của hồng quân Trung Hoa trong biến cố Thiên An Môn trước đây. Cũng thế, hình ảnh người sinh viên Tunisia hy sinh tự thiêu, xác thân tuổi trẻ cháy đỏ đã trở thành ngọn hải đăng dân chủ, soi đường cánh mạng Trung Đông. Nhìn về Việt Nam, hình ảnh hào hùng của Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Trần Văn Bá, chắc chắn cũng sẽ đốt lên những ánh sao dân chủ, soi đuờng cho tuổi trẻ Phù Đổng tiến lên.
Nói chung, chính hình ảnh những người trẻ tha thiết với tổ quốc và dân tộc đã đánh động lương tâm nhân loại, tạo được sư hỗ trợ mạnh mẽ của những người yêu chuộng tự do trên khắp thế giới. Nhất là sự hy sinh của tuổi trẻ còn thức tỉnh được những thế lực trấn áp như quân đội, công an cảnh sát, kể cả những nhân vật thế lực trong chính quyền, làm chuyển đổi tình thế, tiêu biểu như Ai cập trong những ngày vừa qua.
Từ những suy nghĩ tích cực về sức mạnh quần chúng và sự vùng lên của tuổi trẻ nói trên, nhiều người đã hướng cái nhìn về Việt Nam phập phồng chờ đợi, hy vọng làn sóng dân chủ Trung Đông sẽ dội về mảnh đất chữ S này, tạo nên những chuyển đổi chính trị cần thiết. Niềm hy vọng đó thật chính đáng và có căn bản, bởi lẽ, dân tộc Việt Nam cũng đang có những đòi hỏi cấp thiết về tự do dân chủ và nhân quyền, và đặc biệt là giới trẻ, ngoài một thiểu số“ con cha cháu ông” đang sống phè phỡn với những đặc quyền đặc lợi, đa số đều bất mãn với chế độ, và đã nhận thức được đại họa ngoại xâm và tốc ác nội thù. Họ cũng chờ cơ hội, sẽ vuơn cánh tay Phù Đổng, cứu nguy Tổ Quốc. Chỉ có một sự kiện làm mọi người quan tâm, là công an cảnh sát cộng sản Việt Nam thường ít học và mang bản chất sắt máu hơn, nhất là quân đội CSVN đã bị chính trị hóa, và cho đến nay vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào Đảng cộng sản. Một khi côn an và quân đội, dù mang danh nghĩa là “công an nhân dân”, “quân đội nhân dân” mà thực chất chỉ là công cụ của Đảng, thì quần chúng có nỗi dậy, tuổi trẻ có vùng lên, cũng phải đối diện với nhiều hiểm nguy. Ngoài ra, công sản Việt Nam còn dựa thế Trung Quốc để đứng vững. Nếu Trung Quốc nhất quyết bảo vệ những chiếc ghế lãnh đạo của đàn em Việt nam, thì sức mạnh quần chúng vùng lên cũng gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi nào sức mạnh quần chúng tuôn trào như thác đổ với cả trăm ngàn đến cả triệu người, như thể sức mạnh Diên Hồng ngày xưa, thì hy vọng các thế lực đàn áp mới chùng tay và họng súng mới xoay chiều.
Tóm lại, cơn bão dân chủ Trung Đông đang thổi về Đông Nam Á những luồng gió mới. Rồi những gì phải đến cũng sẽ đến, có khác là nhanh chậm đó thôi. Lời tiên tri của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đang bắt đầu ứng nghiệm : “Rồi đây, khi đất trời gió nổi. Tàn hung ơi! Bão lửa, trốn vào đâu? Bám vào đâu?”
Ngô Đức Diễm
No comments:
Post a Comment