Pages

Monday, May 30, 2011

Biển Đông nổi sóng lừng

Ảnh: chinadaily
Nguyễn Hoàng Hà
Mấy năm qua liên tục những tờ báo quốc tế và cả báo chí Việt nam trong và ngoài nước đều nêu ra những hoạt động quân sự thôn tính đảo biển thuộc chủ quyền của Việt nam nhưng mức độ mới chỉ nói đến “Biển đông nổi sóng” nhưng nay đã phải dùng đến đề tài lớn: Biển Đông nổi sóng lừng. Lý do là trong mấy tháng nay Trung quốc tăng cường tuần tra biển, bỏ ra số tiền cực lớn để xây mới và củng cố các đảo đã chiếm được của Việt nam tại Trường sa và Hoàng sa. Mới đây nhất Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất nước này đã đưa ra 19 lô cùng hợp tác khai thác dầu khí ngoài khơi với các công ty nước ngoài trong khu vực Biển Đông.
Theo Vietnamnet cho biết “Trên trang web của CNOOC, Theo đó, tập đoàn đề xuất 12 lô khai thác ở khu vực đông Biển Đông, 7 lô ở phía tây Biển Đông.
Các khu vực thuộc 19 lô này được cho là có khả năng phát triển dầu và khí tự nhiên trải rộng trên 52.006 km vuông. Năm ngoái, CNOOC đã đưa ra một đề xuất tương tự với 13 lô hợp tác khai thác ngoài khơi với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong tháng 2, một thông tin do đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) cho hay, CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc thăm dò và khai thác ở Biển Đông trong tương lai gần”, giám đốc điều hành CNOOC Dương Hoa nói trong một cuộc họp báo về chiến lược kinh doanh của công ty năm 2011.
Hôm 24/5, Tân Hoa xã đưa tin, tại Thượng Hải, một giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu 3.000m đã được bàn giao cho CNOOC.
Theo ông Vương Dĩ Lâm, Chủ tịch CNOOC, tập đoàn này coi việc cung cấp giàn khoan khổng lồ là cơ hội tốt để củng cố nỗ lực thăm dò dầu khí nước sâu, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc. CNOOC cho hay, giàn khoan sẽ được lắp đặt trong vùng biển của Biển Đông và bắt đầu thăm dò dầu khí vào tháng 7.
Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Đây là một hình thể biển lớn nhất sau năm đại dương. Các đảo ở Biển Đông có số lượng nhiều, tập hợp thành một số quần đảo. Rất nhiều trong số này là các đảo chìm, đảo đá không có người ở.
Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạng san hô của thế giới.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 19/4 đã đưa ra một báo cáo đặc biệt về Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là “Vịnh Ba Tư thứ hai”. Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh.
Tờ báo này không trích dẫn nguồn nào của ước tính trữ lượng dầu và khí tự nhiên nằm dưới đáy Biển Đông. Tuy nhiên, báo dẫn lời Trương Đại Vệ – một quan chức cấp cao thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, khi nói rằng, việc tăng cường thăm dò tìm kiếm ngoài khơi là “chìa khóa” để giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc.”
Tình hình biển Đông lại càng căng thẳng khi Trung quốc liên tục cho tầu thuyền vây bắt, đâm thủng tầu của ngư dân Việt nam đánh bắt cá ở khu vực biển thuộc chính chủ quyền của mình. Nghiêm trọng hơn họ còn cho tầu xâm phạm chủ quyền biển của Việt nam, cắt dây cáp của tầu thăm dò biển của Việt nam kéo dài nhiều giờ với thái độ rất ngạo mạn và nhâng nháo còn hơn gấp nhiều lần những kẻ cướp biển Somani hiện nay.  Tình thế cho thấy đã đến lúc chính phủ Việt nam không thể còn tin vào dù là một sợi tơ mong manh đàm phán song phương hữu nghị với phía Trung quốc mà dấu hiệu cho thấy rằng các cuộc đàm phán song phương trong tương lai đã chết. Chính phủ Việt nam đã tỏ thái độ mạnh mẽ hiếm có nhất lên án việc tầu Trung quốc vây quanh tầu Giám hộ Việt nam đang làm công việc thăm dò trên biển của mình, ngang nhiên cắt cáp phá phương tiện làm việc, đe dọa an toàn của con tầu và tính mạng các thành viên trên tầu này. Người ta nay càng ca ngợi hình ảnh và tiếng nói mạnh mẽ của nhân vật “Điếu Cày” người đã lớn tiếng phản đối Trung quốc xâm phạm lãnh hải, đảo biển của Việt nam, đã bị công an Việt nam bắt và bị truy tố “vì hành động yêu nước” là dám lên án Trung quốc, “làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị thắm thiết Việt-Trung”. Nay các việc bắt người biểu tình hay biểu hiện lên án Trung quốc cần phải được xem xét lại trước các nguy cơ hiện hữu về sự xâm lược đảo biển của bành trướng Trung quốc đối với Việt nam. Nhiều người cho rằng nhà nước Việt nam nên thả tự do ngay cho những người này cùng với việc phải tặng hoa, xin lỗi và phong họ là những người yêu nước, người anh hùng đã có nhãn quan nhìn xa trông rộng, tỏ thái độ dứt khoát bảo vệ chủ quyền đất nước Việt nam. Có như thế mới có hy vọng khơi dậy lòng yêu nước của toàn dân nhằm tập trung vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đảo biển và lãnh thổ thiêng liêng của đất nước này. Nếu không sẽ làm thui chột đi tài sản quý giá của lòng yêu nước trước các thách thức đe dọa của ông bạn bất hảo anh em Trung quốc đang mài dao kiếm kề cổ mình.
Người Việt nam nay lại thấy vang vọng đâu đây bài Hịch tướng Sỹ năm nào: “Nam quốc sơn hà nam đến cư”. Người ta nhớ đến tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng:
“Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?”
Hưng Đạo Vương tâu: “Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!!”
Người ta thấy văng vẳng lời của người anh hùng đó khuyên dặn người cầm quân trị vì đất nước đó là: “Lấy dân làm gốc”. Lịch sử tháng 6 năm 1300, Hưng Đạo Vương khi bị ốm nặng, Vua Trần ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”
Hưng Đạo Vương trả lời: “Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương nam mới mạnh mà phương bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.”
Đất nước đang có hai đợt sóng lớn đó là sóng lừng phương Bắc từ biển Đông tràn bờ và sóng lòng dân đang chơi vơi và nghiêng ngả bởi nhiều lẽ, bão giá cũng đang tràn đến chưa qua. Phải làm gì bây giờ, đó là câu trả lời của những vị lãnh đạo tài giỏi Việt nam hôm nay và mai sau.
Ngày 26 tháng 5 năm 2011.
© Nguyễn Hoàng Hà

No comments:

Post a Comment