Pages

Thursday, April 22, 2010

"Chỉ có câu trả lời ngu xuẩn, không có câu hỏi ngu xuẩn."

Đang lúc tiết trời oi bức, con người cũng "oi bức" theo, sự kiện tiến sĩ Đỗ đặt vấn đề về tinh thần dân tộc, và các phát biểu trong bài viết, khiến giới bloggers trẻ thuộc thế hệ 8 X là tôi, sốc, bực tức, và đáp trả một cách không thương tiếc ngay lập tức.
Với lối hành xử hết sức lịch sự, tiến sĩ họ Đỗ ngay lập tức phản hồi cho độc giả BBC, trong đó tôi ấn tượng với câu nói sau:
"Quan điểm của tôi, cũng như một câu châm ngôn mà các giáo sư ở Mỹ thường nói là: "Chỉ có câu trả lời ngu xuẩn, không có câu hỏi ngu xuẩn."



Tiến sĩ Đỗ trích dẫn một câu nói của giáo sư Mỹ, với ngụ ý và nhằm cho độc giả biết rằng, tiến sĩ Đỗ nghiên cứu về Hoa Kỳ Học, và thật ra những câu hỏi mà tiến sĩ hỏi không có câu nào ngu xuẩn cả, chỉ có các "câu trả lời là ngu xuẩn".
Hoan hô tiến sĩ, tiến sĩ trích dẫn rất hay, rất tuyệt, tôi rất đồng tình với câu nói trên.
Chính vì đồng tình với "câu trả lời ngu xuẩn", tôi lại phải quay về với bài viết "Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc" của tiến sĩ Đỗ, để tỏ rõ nguồn cơn.
Không có câu hỏi ngu xuẩn
Xuyên suốt bài viết của bà tiến sĩ Đỗ, vài câu hỏi mà tiến sĩ đặt ra quả đúng là "không có câu hỏi ngu xuẩn" cụ thể như sau:
1. Tại sao người dân thanh niên trí thức Việt nam có tư tưởng phê phán, sẵn sàng nghi ngờ, bác bỏ những điều mà nhà nước Việt Nam đang tuyên bố và thi hành, mà lại không sẵn sàng phê phán chính hiểu biết về lịch sử của họ hay những điều mà nhà nước Việt Nam tuyên bố và thi hành từ 50 năm trở lại đây?”
Trong câu hỏi này, được chia thành 2 vế, vế trước "hỏi", vế sau "khuyên", tiến sĩ Đổ hỏi rằng:
"tại sao 8 X lại nghi ngờ, bác bỏ những điều nhà nước Việt Nam đang tuyên bố và thi hành" và khuyên rằng thay vì bác bỏ nghi ngờ như vậy, thế hệ trẻ nên phê phán những điều mà Nhà Nước đang tuyên bố và thi hành từ 50 năm trở lại đây? và nên nghi ngờ về sự hiểu biết về lịch sử của họ, mà sự hiểu biết lịch sử này do Nhà nước tuyên bố....


và đây là câu hỏi thứ hai:


2.“Lịch sử Việt Nam 4.000 năm dựng nước,” liệu có bao giờ tự hỏi xem cái con số 4.000 ngàn năm ấy lấy ở đâu ra? Liệu có đúng như vậy không? Mảnh đất Việt nam có hình thù thế nào trước thời Triệu Vương?"
Tiếp tục;
3. "Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không?"
4. Các câu hỏi kế tiếp rằng: Trường Sa và Hoàng Sa có tự bao giờ, sách giáo khoa, và đài báo chính thống của nhà nước nói Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, nói như vậy có đúng không.
Quả thật là các câu hỏi hay, câu trả lời dành cho nơi nào cung cấp thông tin thì nơi đó trả lời với tiến sĩ Đỗ, song đến đây tôi chợt nhớ, nếu báo đài, cơ quan in sách giáo khoa thay mặt Nhà nước trả lời, e rằng bà sẽ cho rằng "chỉ có những câu trả lời ngu xuẩn".
Và bây giờ, tôi xét thấy, cần phải đặt lại câu hỏi cho tiến sĩ Đỗ "nguyên do nào khiến tiến sĩ Đỗ mong muốn thanh niên trí thức xem lại cơ sở pháp lý, cũng như chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa,Trường Sa, xem có phải các đảo này là của Việt Nam hay thực sự là của nước lạ".
Chỉ có câu trả lời ngu xuẩn
Liên quan đến phản hồi các độc giả của BBC, bà Đỗ cho rằng:
"Trong bài viết của tôi, nếu mọi người để ý sẽ thấy tôi chỉ đưa ra các câu hỏi, chứ không có câu trả lời"
Liên quan đến câu khẳng định trên, theo nhận định của riêng tôi, bài viết của Đỗ tiến sĩ ngoài những câu hỏi đặt ra ở trên, thì toàn bài là sự khẳng định, là sự trả lời của Đỗ tiến sĩ về lịch sử cội nguồn của dân tộc, về các vấn đề liên quan đến chủ quyền các đảo.
Câu trả lời thứ nhất về cội nguồn dân tộc, về vốn hiểu biết sử nhà của Đỗ tiến sĩ:
1."Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha... từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v..."
câu trả lời thứ hai
2."Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố "Sông núi nước Nam, Vua Nam ở," thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc."
Và quan trọng là câu trả lời thứ ba:
3. "Xét cho cùng, đất nước Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam hiện nay có được là nhờ sự “mở mang bờ cõi” Nam tiến vào lãnh thổ Chiêm Thành, Khơ-me."
Câu trả lời hay câu khẳng định này của Đỗ tiến sĩ hàm ý gì đây?
Câu thứ tư:
4. "Rút cục, có thể nói chủ nghĩa dân tộc mù quáng đôi khi cũng tai hại không kém gì chủ nghĩa bành trướng đế quốc vậy."
Trên đây, và trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ chỉ nêu ra các "câu trả lời ngu xuẩn" và đưa ra "không có câu hỏi ngu xuẩn" trong bài viết của bà Đỗ Ngọc Bích đăng trên BBC.
Các bạn bloggers 8 X, các thanh niên, trí thức nhận định thế nào về ý tứ bà Đỗ và trong bài viết và bài phản hồi của bà, thì cho em biết với, em sợ rằng, nhận định của em không khách quan thì như vậy oan uổng cho Đỗ tiến sĩ quá, kẻo rồi oan còn hơn oan Thị Mầu cũng nên.

No comments:

Post a Comment