Pages

Friday, November 25, 2011

“We are back”. Những điểm yếu và mạnh của Hoa Kỳ, Trung Quốc

Nguyễn Nghĩa
Từ ngày 23/07/2010, khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố ” We are back to Asia” tại Hà Nội, đến hôm nay, sau chuyến thăm Châu Á 9 ngày của Tổng thống B. Obama, chiến lược quay trở lại Châu Á -Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã có xương sống của 1 chiến lược dài hạn, triển khai trên 2 trục chính:
1. Kinh tế.
2. Chính tri, quân sự.
Kinh tế là triển khai khối Hợp Tác Thái Bình Dương (TPP) mở rộng ra ngoài khối ASEAN tiến tới bờ Tây Thái Bình Dương với các nước Australia, Brunei, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam hưởng ứng. Còn bờ Ðông Thái Bình Dương là Chile, Peru. Các nước Nhật, Nam Hàn, Canada và Mexico cũng tỏ ý muốn tham gia. Tuy vậy, Tổng thống Obama đã tảng lờ không mời Trung Quốc tham dự mặc dù có gặp riêng Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào.
Chính trị, quân sự là những động tác thành lập một liên minh không chính thức chạy dài từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn đến Phillipins, Đài Loan… nhằm hạn chế ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc, phản ứng có hiệu quả trong tương lai gây hấn của Trung Quốc. Việc quyết định tăng cường sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Úc lên đến 2500 binh sĩ, đã đánh dấu rõ nét chiến lược quay trở lại Nam Á của Hoa Kỳ.
Chỉ cần 1 động thái đi hay ở, tiến hay lùi, hòa hoãn hay chiến tranh… của 1 cường quốc là ảnh hưởng lớn lao đến số phận của các nước nhỏ trong vùng địa lý.
Việt Nam đã là nạn nhân cay đắng của chiến lược nhường Nam Á cho Trung Quốc của Hoa Kỳ từ 1971. Do sự vắng bóng của quân đội Hoa Kỳ, Trung Quốc đã làm mưa làm gió trên Biẻn Đông. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, chiếm 7 đảo tại Trường Sa năm 1988, chiếm thêm 1 đảo tại Trường Sa năm 1992. Năm 1978, Trung Quốc khuyến khích Cămpuchia gây chiến tranh với Việt Nam tại biên giới Tây-Nam. Năm 1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến trên biên giới phía bắc với Việt Nam, cuộc chiến mang tên “Dậy cho Việt Nam 1 bài học.” Sau những cuộc chiến tiêu hao tinh lực Việt Nam này, ĐCS VN đã ngả hẳn về Trung Quốc. Từ vị trí kẻ thù số 1 của dân tộc Việt Nam thời Lê Duẩn, đến Lê Đức Anh và Đỗ Mười, Trung Quốc đã có thể tặng cho ĐCS VN 16 chữ và 4 tốt.
Như vậy, hôm nay, trước những diễn biến của tình hình, trí thức Việt Nam đứng trước câu hỏi: Việc quay trở lại của Mỹ tại Đông Nam Châu Á này, có lợi hay có hại cho Việt Nam ta?
Hình hình sẽ diễn biến ra sao? và Việt Nam nên có chuẩn bị như thế nào để đòi lại hoàn toàn Hoàng Sa và Trường Sa?
Ta sẽ phân tích tình hình trong các mục nhỏ sau đây.
1. Sự khác nhau trong các cuộc chiến của Đế quốc Hoa Kỳ và Đế quốc Phong kiến Trung Quốc.
Từ 1 nước thuộc địa, đấu tranh thành công dành độc lập, tự do, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ dần hùng mạnh và trở thành 1 Đế quốc có xu hướng dùng sức mạnh giải quyết các tranh chấp trong gần 1 thế kỷ qua. Cũng trong gần 100 năm ấy, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã xây dựng được 1 thế giới văn minh, luật lệ rõ ràng. Các tư tưởng tiên tiến của thời đại như quyền bình đẳng của các dân tộc, quyền con người, quyền tự do internet… đươc Hoa Kỳ cổ vũ. Đặc biệt Hoa Kỳ đã tiến hành 2 cuộc chiến tranh vì lý tưởng chống cộng sản. Đấy là cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 và cuộc chiến Việt Nam 1965-1975. Đặc điểm nổi bật, khác hẳn Trung Quốc, là Hoa Kỳ không có tham vọng lãnh thổ mà chỉ tạo thế, gây ảnh hưởng qua các cuộc chiến tranh ấy.
Trung Quốc gây hấn và chiếm đóng Tây Tạng, Tân Cương năm 1950. Năm 1962, Trung Quốc lại gây chiến và chiếm đóng 1 dải đất sát biên giới của Ấn Độ. Năm 1968-1969, Trung Quốc tranh chấp với Liên Xô một hòn đảo nhỏ nằm trên sông Ussuri mà người Trung Hoa gọi là Trân Bảo đảo và Liên Xô gọi là Đảo Damansky. Trung Quốc cũng đã chiếm của Việt Nam 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đế quốc Trung Quốc là 1 đế quốc phong kiến trá hình dưới ngọn cờ Mác-Lênin. Họ không có ngọn cờ tư tưởng nào ngoài Mác-Lê và Mao cùng Khổng Tử với những luân lý phong kiến lỗi thời.
2. Các điểm yếu và mạnh của Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ có 1 nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới. Nền kinh tế này dựa trên tính năng động của cá nhân, dựa trên các kiến thức khoa học tiên tiến nhất, dựa trên các tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại như tự do, bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, nhân quyền, tự do internet… Chính trị của Hoa Kỳ là 1 nền chính trị tiên tiến. Ngay cả khi họ dùng chiến tranh đế quốc để giải quyết các tranh chấp thì tư tưởng nhân đạo vẫn thể hiện qua những nguyên tắc như không tấn công dân thường… Đặc biệt từ 2010 khi mùa xuân Ả Rập bừng lên, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có phát biểu quan trọng về Tự do internet. Có thể nói chính sách cũ kỹ: Cây gậy và củ Cà rốt của chú Sam, đang được thay bằng một chính sách hòa bình hơn, nhân đạo hơn: Nhân quyền và Tự do Internet.
Qui tắc lựa chọn nhân tài cho đất nước của Hoa Kỳ cũng chứng tỏ ưu việt, khi đất nước này luôn sản sinh cho nhân loại những lãnh tụ kiệt xuất như George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, John F. Kennedy … và hiện nay B. Obama.
Những gì vị Tổng thống da mầu này đã làm được qua 2,5 năm vừa qua là tiệm cận với sự tuyệt diệu. Ta hãy để nền kinh tế Mỹ sang 1 bên và xem những việc mà B. Obama đã làm để thay đổi hướng đi của lịch sử.
Đầu tiên phải kể đến thành công của các cuộc cách mạng Hoa nhài Trung Cận Đông. Một loạt các chế độ độc tài bị sụp đổ ở Tunisia, Ai Cập, Libya,… đã thổi 1 làn gió mát vào niềm tin ngày mai tươi sáng hơn cho loài người.
Thành công thứ 2 mà ta nói đến là ám sát thành công Osama Bin laden ở ngoại ô Islamabat, Pakisztan. Phong trào khủng bố thế giới của Osama Bin laden đã bị 1 đòn chí mạng. Hơn nữa, đây sẽ là cái cớ chiến thắng để Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc chiến tốn kém này. Thành công này đã lột trần bản chất thù địch của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ. Ai đã bao bọc Osama Bin laden tại Islamabat, nếu không phải tình báo Trung Quốc? Hoa Kỳ đã hiểu Trung Quốc hơn qua câu ngạn ngữ của họ: kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta.
Một biểu hiện xuất chúng nữa của B. Obama là chiến lược giữ vị trí cường quốc số 1 trên thế giới: Chiến lược quay trở lại Đông Nam Châu Á. Đây là chiến lược sẽ đảm bảo cho Hoa Kỳ vị trí độc tôn, vị trí có tiếng nói quyết định trên thế giới trong thế kỷ này.
Obama cũng không vội vàng với các ý kiến của các chiến lược gia mà đại diện là Z. Brezinski, hô hào cho nhóm G2, gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc để quyết định vận mạng thế giới. Đây là 1 nhóm không có gì hay ho cả, chỉ gồm 1 chủ nợ và 1 con nợ.
Một nhóm G3 đang dần dần hình thành theo chủ ý của vị Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ.
Nhóm G3 này hay hơn, vì có 2 nước dân chủ là Mỹ và Ấn Độ. Trung Quốc, 1 nước đảng trị sẽ không còn được quyền quyết định ngang bằng với Hoa Kỳ.
Điểm yếu của Hoa Kỳ hiện nay là đang nợ công chồng chất, ngân sách thâm hụt , mà 1 trong các chủ nợ là Trung Quốc.
Một nền kinh tế mạnh khỏe, sáng tạo, tiên phong, đáng học tập như vậy, lại bị những con sâu tài phiệt phố Wall, New York làm siêu điêu. Trong chuyện khủng hoảng tài chính này, ta thấy có mối liên hệ giữa tài phiệt phố Wall New York và quân phiệt cấm thành Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Trong bài này, tôi sẽ không chứng minh nhận định này mà chỉ nêu những nhận xét.
Tài phiệt phố Wall, New York đã nhận thấy tiền tỷ đô la từ hàng trăm triệu cánh tay lao động Trung Quốc. Quân phiệt cấm thành Trung Nam Hải đã nhận ra sự ham mê đồng tiền thành bệnh hoạn của tư bản mại bản Hoa Kỳ. Môi giới cho cuộc hôn nhân trong bóng tối này là H. Kisinger, Z. Brezinski, Alan Greenspan,… Thế là những cổ động, tuyên truyền cho toàn cầu hóa được tung ra. Người đóng thuế Mỹ quên rằng gia đình họ đã có nhiều người thất nghiệp do hàng hóa Trung Quốc kém phẩm chất, nhưng giá rẻ, bóp nghẹt các công ty hoa kỳ. Người Mỹ hài lòng với đồng lương thất nghiệp vẫn đủ sống nhờ hàng hóa giá rẻ và còn nhờ các khuyến khích cho vay trả dần của tài phiệt phố Wall.
Chính phủ Mỹ bị những chục tỷ, trăm tỷ trái phiếu mà Trung Quốc mua làm mờ mắt, quên sự thật. Giới tài phiệt phố Wall giở những trò phù thủy, trộn lẫn nợ xấu với nợ có thể thanh toán được thành 1 sản phẩm và cho các hãng rating như là Moody’s, Standard & Poor’s hay Fitch Ratings phù phép thổi thành những sản phẩm ngân hàng đem bán khắp các thị trường chứng khoán. Các tài phiệt của ngành bất động sản còn mạnh tay làm giầu hơn nữa. Sản phẩm của họ có tên là Subprime. Từ những Subprime này mà nền kinh tế Hoa Kỳ chao đảo.
Vai trò của Trung Quốc trong khủng khoảng tài chính Hoa Kỳ có thể thấy trong thí dụ đơn giản sau. Trên 1 phố có 2 gia đình sinh sống. Một gia đình đông con và nghèo nheo nghèo nhóc. Một gia đình mọi người đều chăm chỉ làm ăn và thịnh vượng. Ông bố của gia đình nghèo quyết định sang học kinh nghiệm của gia đình giầu có. Không những muốn học kinh nghiệm làm ăn, ông bố gia đình nghèo còn muốn làm cho gia đình giầu có lụn bại mới bõ ghét. Chước mà ông ta sử dụng, là cho gia đình giầu có vay tiền mà mình làm ra, khuyến khích họ ăn chơi, đối với gia đình mình thì ông ta bắt con cái chịu cực chịu khổ để có tiền đưa cho cho gia đình kia ăn chơi. Kết quả là gia đình nghèo khó đã vươn lên được. Đây là 1 mẹo na ná như Ngô Quyền nhà Đông Ngô thời Tam quốc, đối xử với Lưu Bị khi Lưu Bị sang Đông Ngô cưới vợ.
Vì vậy, tôi cho rằng khẩu hiệu “Occupy Wall Street” còn thiếu 1 vế: Occupy Trung Nam Hải Bắc Kinh. Chỉ mặt đầy đủ những kẻ đã gây ra khủng hoảng, mà tất cả người nghèo của cả thế giới phải hứng chịu chính là Wall Street và Trung Nam Hải Bắc Kinh:
Occupy Wall Street, Occupy the Trung Nam Hải Bắc Kinh.”
Trung Quốc hiện nay là nước có trữ lượng đô la nhiều nhất thế giới quãng 3.000 tỷ đô la và là 1 chủ nợ to của Mỹ. Đây là sức mạnh chính của Trung Quốc.
Trung Quốc còn 1 thế mạnh nữa là dân số cao, quãng 1.300 triệu.
Nền chính trị của Trung Quốc thì hủ lậu với mớ thập cẩm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng phong kiến Mao và tính thực dụng Đặng Tiểu Bình. Gần đây sau khi đã đả phá kịch liệt Khổng Tử thời Mao, Trung Quốc lại dương trở lại ngọn cờ tư tưởng phong kiến của Khổng Tử.
Khác hẳn với Hoa Kỳ là khai phá văn hóa các nước lạc hậu, đấu tranh cho Nhân Quyền, tự do Internet, quan tâm đến các vấn đề của loài người, của khí hậu trái đất… thì Trung Quốc hướng tới các nước độc tài và chỉ lo vơ vét tài nguyên, khoáng sản của các nước lac hậu. Họ không chống độc tài vì bản thân Trung Quốc là nước đảng trị.
Các cuộc cách mạng Hoa Nhài thành công trên thế giới đang đẩy những ảo vọng cường quốc của Trung Quốc vào vị trí bất khả thi.
Các điểm mạnh của Trung Quốc mà tôi vừa nêu trên cũng chỉ có tính tương đối. Trung Quốc có trữ lượng đô la lớn, nhưng đô la do Hoa Kỳ in ra. Cho đến khi nào Trung Quốc còn tuân thủ luật chơi thì những tỷ đô la ấy còn giá trị. Khi Trung Quốc phá luật thì số lượng nghìn triệu đô la ấy, cũng chỉ là tờ giấy có in hình tổng thống Hoa Kỳ mà thôi.
Trữ lượng vàng ròng của Hoa Kỳ hiện nay là quãng 9.000 tấn, gấp gần 20 lần trữ lượng vàng ròng của Trung Quốc là quãng 150 tấn.
Hơn 2 thập kỷ qua, Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Xã hội Trung Quốc xáo trộn như qua cơn Đại hồng thủy. Các vấn đề xã hội như chênh lệnh giàu nghèo, hưu trí, y tế xã hội, bảo hiểm xã hội, bình đẳng các sắc tộc, vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, … bị xếp xuống hàng thứ yếu. Nếu một khi xảy ra tình trạng căng thẳng, một xã hội mà các ung nhọt chuẩn bị vỡ, chắc không đối kháng nổi với các tình huống bất thường. Những cái mạnh của Trung Quốc sẽ trở thành cái yếu. Thí dụ, theo ước tính, Trung Quốc có hơn 600 triệu cánh tay lao đông. Thời bình, thời hòa hoãn, đây là lực lượng sẽ làm ra của cải thu lợi cho xã hội. Trường hợp căng thẳng, nhiều nước trên thế giới đóng của thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, những triệu bàn tay không được lao động này sẽ là gánh nặng cho ngân sách nhà nước Trung Quốc.
3. Các đồng minh của Hoa Kỳ, các đồng minh của Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã gần 1 thế kỷ là cường quốc chính trị, quân sự, kinh tế trên thế giới. Những gắn bó của Hoa Kỳ với các nước có cùng lợi ích với họ, có mặt khắp nơi trên thế giới. Riêng vùng Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương này, ta thấy Úc, Ấn Độ, Phillipines, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, Thái Lan, là những nước có quyền lợi lâu dài với Mỹ.
Liên kết với Mỹ, các nước như Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore, Đài Loan là những tấm gương sáng về kinh tế phát triển.
Liên kết với Trung Quốc chặt chẽ là trường hợp Bắc Triều Tiên. Pakistan cũng là 1 nước trong vòng tay thân ái của Trung Quốc. Myanmar khi còn là độc tài cũng được Trung Quốc coi là bạn tốt. Nhưng ngày hôm nay, Myanmar đang thay đổi và Trung Quốc đang nhìn họ với con mắt ngờ vực.
Việt Nam là trường hợp đặc biệt nhất trong các đồng minh của Trung Quốc.
Còn ai thân với Trung Quốc hơn là Việt Nam trong giai đoạn 1949-1979?
Núi liền núi, sông liền sông.
“Mối tình hữu nghị Viêt-Hoa,
Vừa là đồng chí vừa là anh em.” /Hồ Chí Minh/
Sự trở mặt của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng là tấm gương cho những nước đồng minh hiện nay của Trung Quốc như Pakistan lấy làm bài học. Năm 1979, Trung Quốc đã gây chiến tranh biên giới với Việt Nam giết chóc tàn khốc hàng chục nghìn dân thường việt Nam. Trung Quốc còn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Về kinh tế, từ 1990 tới nay, với Việt Nam, Trung Quốc luôn chiếm phần lợi như Việt Nam luôn nhập siêu với Trung Quốc hàng chục tỷ đô la 1 năm, hay thực hiện các dự án tàn hại môi trường sinh thái Việt Nam như dự án Bôxit Tây Nguyên. Các dây chuyền máy móc nhập từ Trung Quốc thì cũ kỹ, lạc hậu…
Tóm lại thân thiện với Trung Quốc là lực cản chính cho tiến bộ của Việt Nam.
Việc quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Hoa Kỳ đã đặt 2 cường quốc này vào thế cạnh tranh: 2 hổ cùng săn mồi trong 1 cánh rừng. Tuy vậy khả năng đụng đầu trực tiếp hiện nay là khó xẩy ra.
Trước hết, 2 nước này cùng có vũ khí hạt nhân và họ hiểu tính tàn phá của loại vũ khí này.
Thứ 2, chính Hoa Kỳ đã tạo cơ hội cho Trung Quốc phát triển, hay nói 1 cách khác là sự phát triển của Trung Quốc nằm trong tính toán chiến lược của Hoa Kỳ. Cho dù Hoa Kỳ đã có tính toán sai, khi quá nghe các quân sư thân Trung Quốc mà đại diện là Z. Brezinski tung hô, quảng cáo cho 1 Trung Quốc trỗi dậy 1 cách hòa bình, thì theo ý: “ta đã đưa ngươi lên được ta sẽ hạ ngươi xuống được”, Hoa Kỳ chắc sẽ sử dụng những sức mạnh mềm là chính.
Cuộc chiến tranh lạnh của Hoa Kỳ với Liên Xô và Phe XHCN Đông Âu là cuộc chiến của 2 lý tưởng chống đối nhau về bản chất. Hoa Kỳ xây dựng sự giầu có của mình dựa trên tự do cá nhân, tư hữu, bình đẳng mọi thành phần xã hội… trong khi chủ nghĩa Mác-Lênin phá bỏ tư hữu, đảng trị, ưu tiên duy nhất 1 giai cấp công nhân…
Cuộc cạnh tranh Hoa Kỳ-Trung Quốc lần này không mang tính lý tưởng. Trung Quốc đã chỉ khoác cái vỏ Mác-Lênin mà Hoa Kỳ đã hiểu điều này từ 1971.
Đây là cuộc cạnh tranh dành uy tín, ảnh hưởng, dành các khoáng sản, dành nguồn cung cấp dầu hỏa, dành quyền kiểm sóat tuyến hải lộ quan trọng bậc nhất của thế kỷ 21: tuyến hải lộ qua Biển Đông…
Như vậy để mặc cả trong cuộc đấu giá chiến lược này, có thể, có lúc sẽ xẩy ra các vụ như Bắc Triều Tiên bắn tầu ngầm Nam Hàn năm 2010, hay Cămpuchia theo lệnh Trung Quốc gây hấn với Việt Nam… nhưng xu thế chung là Trung Quốc đang thất thế, cô lập, đang bị bao vây. Thực tế thì Hoa Kỳ và Trung Quốc luôn nắn gân và thử sức nhau trong các tranh chấp nóng trên thế giới. Cuộc không chiến của Nato do Hoa Kỳ lãnh đạo tại Libya nhằm tước đi của Trung Quốc 1 bàn đạp quan trọng trong bể dầu hỏa Trung Đông mà Hoa Kỳ tự cho là bể dầu chiến lược của họ. Đặc nhiệm Mỹ tấn công Osama Bin laden tại ngoại ô Islamabat là 1 cái tát vào mặt Trung Quốc, mà Trung Quốc không dám kêu, chịu nhịn.
4. Việt Nam trong cuộc đọ sức chiến lược Mỹ-Trung tại Châu Á.
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Đông Nam Á, Việt Nam đã chịu nhiều thua thiệt với Trung Quốc. Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1974, 1988, 1992. Hiệp định biên giới Việt Trung mang lại thiệt thòi lớn cho Việt Nam. Chiến tranh biên giới 1979 đã đánh tan ước muốn đóng một vai trò quan trọng ở Châu Á của Việt Nam. Các quan hệ kinh tế bất bình đẳng với Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào vị trí tiêu thụ hàng hóa ế thừa của Trung Quốc, làm nền kinh tế Việt Nam quặt quẹo không vươn lên được.
Việc Hoa Kỳ quay trở lại Biển Đông lẽ ra là 1 tin vui với dân tộc Việt nam. Một lựa chọn tự nhiên lẽ ra phải được triển khai 1 cách thông minh. Sự mập mờ của chính sách không liên kết của Đảng cộng sản Việt Nam thực tế là ủng hộ Trung Quốc, đồng minh với Trung Quốc.
Việt Nam là nước có quyền lợi to lớn nhất trong việc Hoa Kỳ quay trở lại Châu Á. Khả năng đấu tranh đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa đang mở ra. Vị trí địa lý Việt Nam lại rất đặc biệt với Trung Quốc, do đó cũng quan trọng đối với Hoa Kỳ. Tuy vậy, nếu Việt Nam không tham gia liên minh với Hoa Kỳ thì cường quốc này vẫn quay lại Châu Á, vẫn bao vây Trung Quốc.
Liên minh với Hoa Kỳ là điều kiện cần, theo tôi, để thu lại Hoàng Sa, Trường Sa về với Tổ quốc Việt Nam.
Điều kiện đủ là phải cải cách dân chủ, xóa bỏ đảng trị tại Việt Nam.
5. Kết luận.
Không phải là: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc 5 châu được hay không, chính là nhờ 1 phần lớn ở công học tập của các cháu”. Hồ Chí Minh 1946.
Hàng chục thế hệ thanh niên Việt Nam đã miệt mài khổ học, theo lời dạy của Bác Hồ. Hôm nay họ đã là các cán bộ có học vị như các giáo sư, tiến sĩ trong Ủy ban biên giới quốc gia Bộ ngoại giao Việt Nam. Thế nhưng họ đã bán 1 phần biên giới của Tổ quốc Việt Nam cho Trung Quốc.
Một bộ phận các thanh niên ấy đã trở thành các lãnh đạo cao nhất Việt Nam như Nguyễn Tấn Dũng, người tiêu phá gần 5 tỷ đô la mồ hôi của người dân lao động Việt Nam trong vụ Vinashin, hay Nguyễn Phú Trọng, người bị điếc tai khi súng Trung Quốc nổ giết ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, mà ông ta không nghe thấy gì…
Không, non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc 5 châu được hay không, chính là nhờ thắng hay bại trong cuộc chiến Biển Đông này.
Khi Hoàng Sa, Trường Sa trở về với Mẹ hiền Việt Nam, cũng là lúc Hải quân Việt Nam oai hùng rẽ sóng Biển Đông, không sợ bất cứ thế lực ngoại xâm nào.
Để Hoàng Sa, Trường Sa về với Việt Nam, trí thức Việt Nam cần làm tất cả để cảnh tỉnh dân tộc trước các cấu kết của Đảng cộng sản VN với Trung Quốc, cần lên án những nhà chính trị đang cổ võ cho tăng cường mậu dịch vùng biên giới với Trung Quốc.
Đây là họa li khai của biên cương Việt Nam.
© Nguyễn Nghĩa

No comments:

Post a Comment