Pages

Monday, September 26, 2011

Từ chuyện Tạ Phong Tần biệt tích

"Biệt Tích” là tên một truyện ngắn, được in trong tập Phùng Cung Truyện Và Thơ, do nhà Văn Nghệ – California – xuất bản năm 2003. Nhân vật chính là một người thợ mộc (ông phó Lâm) có chút chuyện lôi thôi với chính quyền cách mạng nên phải lên Ủy Ban Nhân Dânlàm việc, rồi biệt tích luôn.

Từ đó:

“Bến đò Rệ sông làng Bích, chiều chiều lúc mặt trời sắp lặn, người ta lại thấy một người đàn bà đứng nghến phía núi Tản Viên cho đến nhá nhem tối… Làng xóm cũng chẳng còn ai xì xào về chuyện chồng bà. Chắc rằng chẳng ai ngăn cấm việc bà Lâm ngóng chồng…”

“Ba năm, tích góp thêm ngày tháng đã thành sáu năm, rồi chín năm. Đầu bà phó Lâm đã đốm bạc. Binh lửa kéo dài, hoà bình đã trở lại trên làng Bích. Người ta được tự do, được thả sức tìm lại nhau. Những người ra đi, những người trở về. Nếu không trở về cũng còn biết tung biết tích.”
“Phó Lâm thì không ai biết – Vợ và hai con, đi hết nơi này, nơi khác tìm kiếm. Bước chân của bà Lâm càng đi càng nhận biết được nhiều điều thê thảm. Chẳng riêng gì chồng bà, nhiều người khác trong vùng cũng gặp cảnh như vậy.”

“Giọng nói của bà Lâm ngày một hẹp dần, héo đi, linh ứng của cả người đi, kẻ ở đều thầm nhủ bà cam nhận chồng bà không bao giờ còn trở về nữa. Nhưng bà Lâm vẫn không đành lòng, vẫn công phu đi tìm để biết rõ sự thật như thế nào?” 

“Cũng vào một buổi chiều, trên con đê sậu quả, về làng, bà gặp một người đàn ông đã đứng tuổi. Tiện miệng hỏi thăm, cũng như đã hỏi thăm nhiều người lạ mặt khác trên đường đi. Người đàn ông này cũng đi tìm người nhà không thấy, trở về và đã biết được rõ ràng sự thực. Ông ta biết người ra đi nếu không trở về, lại không có tin tức gì là đã đi Yên Bái.”

Phùng Cung viết truyện “Biệt Tích” vào tháng 10 năm 1958 như một lời tiên tri cho số phận (nghiệt ngã) sẽ giành cho chính bản thân mình, ba năm sau đó. Tháng 5 năm 1961 (cũng vì có chút vấn đề lôi thôi với “chính quyền cách mạng”) ông bị lôi ra khỏi nhà, và bị dấu kín gần mười hai năm trong nhiều trại tù – Bất Bạt (Sơn Tây), rồi Yên Bình (Yên Bái), Phong Quang (Lào Cai) – cho mãi đến tháng 11 năm 72 mới được … trở về mái nhà xưa!

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê có nhận xét như sau về truyện ngắn này:

“Biệt tích phác những nét mơ hồ nhưng vô cùng xác thực về một thời mà những cái chết bí ẩn, những sự mất tích, biệt tích của con người khá thường xuyên. Phó Lâm, kẻ muốn bảo tồn đạo đức nghề nghiệp, đã bị gọi về trời. Phó về trời, như bị mất tích, như bị thủ tiêu, như tự thăng cùng thần núi Tản, để giữ mãi cái chân chất của nghề tổ, giữ trọn phong cách của một nghệ nhân chân chính.”

Cách nói của Thụy Khuê khiến người đọc có cảm tưởng như cái “thời mà những cái chết bí ẩn, những sự mất tích, biệt tích của con người khá thường xuyên” đã qua lâu lắm rồi vậy. Bà chỉ nhắc lại, cùng với tiếng thở dài buồn bã, về một hoài niệm đã xa xôi.

Thực ra, cái “thời mà những cái chết bí ẩn, những sự mất tích, biệt tích của con người khá thường xuyên” chưa bao giờ chấm dứt – ở Việt Nam. Theo ghi nhận của nhà báo Tạ Phong Tần – kể từ đầu năm 2011 đến nay – đã có 7 “cái  chết bí ẩn” trong đồn công an của những công dân sau: Nguyễn Lập Phương, Trịnh Xuân Tùng, Đặng Ngọc Trung, Nguyễn Công Nhựt, Trần Văn Dữ, Đặng Phi Vũ, Lê Văn Trận.

Cũng tính từ đầu năm 2011 đến nay, nhiều công dân Việt Nam đã bị “coi như” là biệt tích, trong số này ba nhân vật được công luận nhắc đến nhiều nhất là ông Nguyễn Hoàng Hải, ông Phan Thanh Hải, và gần đây là ông Nông Hùng Anh.


Nông Hùng Anh. Ảnh Dân Làm Báo

Vào ngày 5 tháng 9 vừa qua, blogger Hoàng Liên đã lên tiếng báo động:

“Gọi điện hỏi gia đình, gia đình cũng không biết gì nhiều về tình trạng của Hùng Anh. Đến khu kí túc xá nơi Hùng Anh ở cũng không nhận được tin tức gì. Cậu sinh viên năm thứ 4 trường đại học Hà Nội dường như bốc hơi khỏi cuộc sống như thể cậu chưa từng tồn tại. Bạn bè anh nói rằng, Hùng Anh bị bắt đi ‘nhanh chóng và khẩn cấp như kiểu loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm.”

“Cho đến nay, các phương tiện truyền thông chính thống hay cơ quan chức năng cũng chưa hề có một giải trình chính thức nào về tội trạng, hay mức độ phạm tội của Nông Hùng Anh.”

“Vậy mức độ nguy hiểm gì mà đến mức Hùng Anh phải thụ lí ngay lập tức án tù chưa định tội, trong khi anh đang bước vào năm học cuối cùng của cuộc đời sinh viên – năm học sẽ quyết định toàn bộ tương lai cũng như sự nghiệp của anh sau này ?”

Điều “nguy hiểm” nhất nơi con người Nông Hùng Anh, khiến nhà đương cuộc Hà Nội phải “cách ly” cậu sinh viên này với đám bạn học (có lẽ) chính là sự “trăn trở” của em trước hiện tình đất nước:

“Là một người dân tộc xuất thân miền núi, mỗi khi về quê thăm họ hàng, xóm làng, nhìn những đứa bé ở quê bé tẹo, còm nhom, bụng ỏng đít teo vì bệnh giun, bệnh tiêu chảy, vì ăn uống thiếu dinh dưỡng, mất vệ sinh, có những cô gái đến tuổi 15, 16, tuổi dậy thì rồi mà như đứa bé lớp 6, thật là thương cảm cho người dân miền quê vì phải sống kiếp người như vậy. Nếu như Đảng trong sạch, không xảy ra những vụ tham nhũng như Vinashin thì những thân phận sống cảnh lầm than đó đã giảm bớt đi rất nhiều.”

“Tôi đang đi tìm câu hỏi và lời giải đáp cho mình. Việt Nam sao bây giờ lại nghèo hèn, lạc hậu đến thế? Có phải do hậu quả chiến tranh như thầy cô giáo từng trả lời? Chiến tranh đã qua lâu rồi mà! Nguyên nhân nào nhỉ? Có phải do Đảng độc quyền dẫn đến lạm quyền, Nhà nước không có ủy ban kiểm tra độc lập, không có sự phản biện, giám sát những chính sách thu chi sai trái của Đảng? Theo chủ quan của tôi đa nguyên, đa đảng rất cần thiết lúc này tại Việt Nam như bài viết “Phải đa đảng mới chống lại lạm quyền” của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ…”

“Là một sinh viên, cũng là một công dân Việt Nam, tôi chỉ muốn làm đúng trách nhiệm của công dân. Gặp phải điều gì không đúng thì phải lên tiếng, sống đúng lương tâm con người, thấy điều phải thì bênh vực, thấy điều trái cần lên án và đấu tranh xóa bỏ nó, mọi người đều như vậy thì xã hội mới tốt lên được… (Nông Hùng Anh – Những Trăn Trở Của Một Sinh Viên).

Trước Nông Hùng Anh, dư luận cũng đã biết đến một trường hợp “biệt tích” của một thanh niên khác. Bản tin của HRW gửi đi vào ngày 4 tháng 5 năm 2009, có đoạn như sau: “Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam. Ông Lê Trí Tuệ mất tích vào tháng Năm năm 2007 sau khi đào thoát sang Căm-Bốt để xin tị nạn. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã long trọng ghi nhận trong bản báo cáo 2008 về tình trạng nhân quyền Việt Nam rằng : ‘ông Lê Trí Tuệ hiện vẫn biệt tích… và theo một số lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta.’

Mười 12 tháng sau, vào ngày 10 tháng 5, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cũng lên tiếng bầy tỏ sự quan ngại về sự biệt tích của một công dân Việt Nam khác:

Kể từ tháng 10/2010, thân nhân và luật sư của ông Nguyễn Hoàng Hải đã 13 lần yêu cầu được thăm và cố gắng gửi thực phẩm, thuốc men và ít tài chính cho ông ta. Nhưng cơ quan an ninh từ chối mọi yêu cầu. Không ai có thể biết ông Hoàng Hải hiện đang bị giam giữ ở đâu, tình trạng giam giữ và sức khỏe của ông Hoàng Hải ra sao.”




Phan Thanh Hải và Nguyễn Văn Hải

Sau Lê Trí Tuệ, Phan Thanh Hải, Nguyễn Văn Hải, Nông Hùng Anh – hiện nay – công luận đang băn khoăn về những trường hợp “biệt tích” của nhiều công dân Việt Nam khác nữa: Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Minh Nhật, Tạ Phong Tần …

Qua bức ”thư ngỏ” (gửi đi vào ngày 2 tháng 9 vừa qua) của thân nhân của các thanh niên, sinh viên Công Giáo bịnhà cầm quyền Việt Nam bắt giam, người ta còn được biết thêm rằng hiện nay trong số “15 người bị bắt giữ thì chỉ có 3 người đượcthả. Còn lại 12 người, đích xác chỉ biết 6 người đang bị giam ở nhà tùThanh Liệt, Hà Nội. Sáu người kia không biết chắc chắn ở đâu và sức khỏe ra sao.”

Bức thư thượng dẫn kêu gọi “các bác, các cô chú, anh chị em và toàn thể mọi người … góp tay để các em được đối xử một cách công bằng, đúng luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về quyền con người.”

Tôi thực lòng không tin có cái được gọi là “luật pháp Việt Nam”, dù là thứ “luật pháp nhợt nhạt” (theo như cách nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) kể từ khi người cộng sản năm được quyền bính – ở xứ sở này. Kể từ ngày Phùng Cung bị công an miền Bắc lôi ra khỏi nhà (vào tháng 5 năm 1961) cho đến khi Tạ Phong Tần cũng bị công an miền Nam bắt đi biệt tích (vào ngày 5 tháng 9 năm 2011) là vừa đúng năm mươi năm chẵn. Nửa thế kỷ qua những thay đổi ngoạn mục về phương diện truyền thông và giao thông đã khiến cho quả địa cầu nhỏ lại, và loài người xích lại gần nhau hơn. Nhờ đó những khái niệm căn bản và phổ quát về nhân quyền, cũng như pháp quyền, đã được phổ cập và chia sẻ bởi đa phần nhân loại.

Những người cộng sản Việt Nam, tiếc thay, không thuộc vào cái đa phần “văn minh và tiến bộ” vừa nêu. Kể từ khi nắm được quyền bính đến nay họ hành xử như những lãnh chúa bạo ngược, chưa bao giờ bước chân ra khỏi lãnh địa ngu tối và man rợ của mình.

No comments:

Post a Comment