Pages

Monday, September 26, 2011

Biển Đông và tranh chấp chiến lược giữa các cường quốc

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông thực chất đã trở thành tranh chấp chiến lược giữa các cường quốc.

Vụ cắt cáp tầu Bình Minh 02, tầu VIKING II cuối tháng5 đầu tháng 6/2011 là tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Vụ tranh chấp giữa Phillipines và Trung Quốc đảo “Bãi cỏ rong”, một đảo thuộc quần đảo Trường Sa, là tranh chấp tay đôi giữa 2 nước Phillipines và Trung Quốc.
Những ngày gần đây, sau trò “đả thảo kinh sà” cuối 7/11, đối với một tầu chiến hải quân Ấn Độ, khi tầu này vừa rời cảng Việt Nam, vẫn còn di chuyển trong lãnh hải Việt Nam, với cảnh cáo qua bộ đàm là tầu này vi phạm lãnh hải Trung Quốc,  Trung Quốc muốn dọa dẫm Ấn Độ chớ nên xen vào tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Thế nhưng một lần nữa, ngoại giao Trung Quốc đã tính sai nước cờ. Những dọa dẫm của Trung Quốc không làm cho đất nước khổng lồ, có nền kinh tế tăng trưởng không kém gì Trung Quốc sợ hãi.
Sự tham gia của Ấn Độ vào tranh chấp Biển Đông đã tạo ra một cục diện mới cho Việt Nam và Phillippines trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc dành lẽ phải cho mình. Việt Nam đã có thêm một đồng minh mà quyền lợi trên Biển Đông, trên thềm lục địa của Việt Nam, đã bắt đầu gắn chặt với nhau.
Khi một cường quốc coi quyền lợi kinh tế, quyền lợi an ninh quốc gia, quyền lợi an toàn lãnh thổ của họ thể hiện trong một tranh chấp với quốc gia khác, thì cuộc đấu tranh để giải quyết tranh chấp ấy không còn là một đấu tranh đơn thuần chỉ có ý nghĩa thời gian ngắn, trước mắt, chỉ nhằm mục đích lợi nhuận kinh tế, mà cuộc đấu tranh ấy sẽ là một chiến lược lâu dài để giải quyết triệt để, nhằm loại bỏ hoàn toàn những yếu tố vị phạm quyền lợi quốc gia của họ.
Ta thử xem việc Ấn Độ đứng về phía Việt Nam hiện nay là một động tác ngoại giao ngắn hạn, một phản ứng nhất thời vì tự trọng, một bảo vệ cho hợp đồng kinh tế đơn thuần, hay là một chiến lược lâu dài nhằm ngăn cản Trung Quốc chiếm đoạt hoàn toàn Biển Đông?
1. Những sự kiện ngoại giao gần đây liên quan đến Ân Độ, Việt Nam và Trung Quốc.
Ngày 15/9/2011 bà Khương Du, phát ngôn viên BNG Trung Quốc, phát biểu: “Trung Quố́c phả̉n đốí mọi quốc gia khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Chúng tôi hy vọng các công ty nước ngoài không can dự̣ vào tranh chấp biển Nam Trung Hoa”.
Đây là bình luận đưa ra khi có tin: tập đoàn ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ vào khai thác lô 127 và 128 ở ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận là thuộc vùng biển và lãnh hải của Việt nam, tính theo đường chim bay thì cách bờ 80 đến 200 hải lý. Như vậy vẫn là nằm sâu trong vùng lãnh hải của Việt Nam chứ không phải nằm trong vùng đang tranh chấp chủ quyền.
Về phía Ấn Độ, các báo chạy tin đăng: chính phủ ở Dehli “bác bỏ phản đối của phía Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý”, và  Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói “Việt Nam có chủ quyền tại hai lô 127 và 128, căn cứ vào Luật biển 1982″.
Như vậy rõ ràng Ấn Độ bất chấp khuyến cáo của Trung Quốc, phản ứng một cách rõ ràng với tư cách nước lớn của họ.
Câu hỏi đặt ra lúc này: Đây có phải là bước đầu của một chiến lược dài hạn của Ấn Độ nhằm cùng với Việt Nam ngăn cản bành trướng của Trung Quốc ra Biển Đông?
1. Tranh chấp Ấn-Trung và liên minh Ấn-Việt.
Cuộc chiến biên giới Trung Ấn 1962 do Trung Quốc phát động đã chiếm một số đất đai rộng lớn của Ấn Độ. Ấn Độ không quên bài học mất cảnh giác của mình. Việc Ấn Độ cho phép chính phủ hải ngoại Tây Tạng của Đà Lai Lạt Ma đặt địa điểm tại nước mình có ý nghĩa chống lại Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc luôn muốn một Ấn Độ không yên ổn. Pakixtan là quốc gia tách khỏi Ấn Độ, không khỏi không có hiềm khích với Ấn Độ. Trung Quốc ủng hộ vô điều kiện quốc gia này. Cuộc chạy đua vũ trang với Pakixtan, đã gây hệ lụy xấu tới sự nghiệp phát triển kinh tế của Ấn Độ. Do vậy, trong mắt của Niu Đêli, Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất đối với việc gây ảnh hưởng khu vực Nam Á của Ấn Độ.
Việc Trung Quốc xây dựng cảng biển ở Băngla Đét, Xri Lanca, việc Trung Quốc tăng cường viện trợ gây ảnh hưởng tại Myanmar rõ ràng muốn bao vây Ấn Độ.
Mối nguy hiểm hơn, mà Ấn Độ đã nhận ra, là mưu đồ tiến tới khống chế Ấn Độ Dương của Trung Quốc.
Đây là vấn đề an ninh quốc gia, đây là vấn đề an toàn lãnh thổ.
Do vậy, Ấn Độ đã đề ra chính sách „Hướng Đông” là muốn liên kết với các nước Đông Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, để phối hợp đối phó với Bắc Kinh.
Việt Nam, nước đang có  tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Quốc, đã trở thành một tiêu điểm của chiến lược “Hướng Đông” của Ấn Độ.
Vậy có thể nói rằng: vì quyền lợi quốc gia của chính mình, liên minh Việt-Ấn nằm trong loại liên minh chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, quan trọng bậc nhất của cả hai quốc gia này.
Mối họa bành trướng Trung Quốc đã gắn 2 nước thành những đồng minh tự nhiên, cùng mục đích.
2. Liên minh Ấn-Việt nằm trong ủng hộ của Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Sự gia nhập của một quốc gia có trọng lượng như Ấn Độ vào tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc không hoàn toàn ngẫu nhiên. Tuy nhìn thấy mối họa bành trướng Trung Quốc ra Ấn Độ Dương trong tương lai, nhưng đối diện với Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam là một bài toán Ấn Độ cần đắn đo cân nhắc kỹ.
Trong 11/ 2010, ta đã thấy cuộc thăm chính thức Ấn Độ của Tổng thống Hoa Kỳ B. Obama đã “xác định mối quan hệ đối tác của thế kỷ 21″. Còn ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton thăm Ấn Độ tháng 7/2011 đã “yêu cầu Ấn Độ mở rộng sự hiện diện ở vùng Đông Á, đặt quốc gia này vào vị trí hợp tác trong việc đối đầu với sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc”.
Như vậy, đã có sự khuyến khích, hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với chiến lược „Hướng Đông” của Ấn Độ.
Về phía Nhật Bản, nước vừa có căng thẳng với Trung Quốc tại đảo Điếu Ngư, đã ủng hộ Ấn Độ thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Nhật Bản kêu gọi tăng cường hợp tác giữa hải quân Nhật Bản-Ấn Độ để phòng vệ và đề xuất tăng cường tần suất các cuộc tập trận hải quân giữa hai bên. Đó là nội dung tuyên bố của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, khi ông đến đây tham dự hội thảo về đề tài “Hai nền dân chủ trên biển: Vì một châu Á tốt đẹp hơn và an toàn hơn” ngày 21/9/2011 . “Nhật Bản và Ấn Độ phải nỗ lực hết mình để bảo đảm an toàn cho các tuyến hàng hải và duy trì một châu Á ổn định. Chủ trương đẩy mạnh hợp tác giữa hải quân Ấn Độ và Nhật Bản, hai nước cũng cần làm việc chặt chẽ hơn với Mỹ để thực hiện các mục tiêu nói trên”, cựu Thủ tướng Nhật Bản phát biểu trong khi gọi Nhật Bản-Ấn Độ là hai đồng minh.“Những động thái này sẽ là biện pháp ngăn chặn tốt với Trung Quốc và đảm bảo liên lạc trên biển”, ông nói trước hội thảo.
3. Trung Quốc đang bị cô lập trên Biển Đông.
Sau sự kiện Trung Quốc ngang ngược cắt cáp thăm dò dầu khí của các tầu Bình Minh 02 và VIKING II trong lãnh hải 200 hải lý của Việt Nam, một phong trào yêu nước xuống đường sôi nổi của thanh niên và nhân dân Hà Nội, Sài Gòn, đã hình thành.
Hệ quả đối nội quan trọng là phong trào xuống đường phản đối Trung Quốc đã gián tiếp thức tỉnh người dân Việt Nam cảnh giác hơn với chính Đảng cộng sản Việt Nam.
Một hệ quả khác, tối quan trọng, có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc chiến chủ quyền Biển Đông Việt Nam-Trung Quốc, là Thượng nghị viện Hoa kỳ ra nghị quyết phản đối các đòi hỏi vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Hillary Clinton đã phát biểu, lật tẩy điểm yếu nhất của Trung Quốc trong tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa: Trung Quốc không có bằng chứng pháp lý, bằng chứng lịch sử.
Lùi 1 bước để tiến 2 bước là thủ đoạn ngoại giao của Bắc Kinh khi họ ở vào thế yếu ngoại giao.
Trong hội nghị các Bộ trưởng Asean-Trung Quốc, họp Bali tháng 7/2011, Trung Quốc đã lùi 1 bước, đã nhất trí về các đường lối chỉ đạo mới, trong đó quy định cách thức thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Bỉên Đông (DOC), vì một giải pháp hoà bình cho các tranh chấp lãnh hải này.  Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản lúc đó Takeaki Matsumoto nói: “Tôi coi đây là bước tiến”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng coi đây là “bước đi quan trọng”. Đồng thời ngoại trưởng Mỹ còn nói: “Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cần phải công bố các tuyên bố của họ một cách công khai và chi tiết để chúng tôi bíết được nơi đâu có tranh chấp”.
Tuy vậy, sự yếu kém về bằng chứng pháp lý cũng đã buộc Trung Quốc phải lùi thêm bước thứ 2 : Trung Quốc đã phải chấp nhận đưa vấn đề “an ninh trên biển” vào trong chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao Đông Á sắp tới vào tháng 11. Với quyết định này, vấn đề Biển Đông có thể được thảo luận kỹ hơn trong một khuôn khổ đa phương rộng hơn tại Hội nghị Cấp cao Đông Nam Á cùng với các hội nghị liên quan của ASEAN. Điều này sẽ đảm bảo cơ hội cho các bên không tuyên bố chủ quyền và các nước sử dụng (các tuyến đường biển) trên Biển Đông như Nhật Bản và Mỹ có thể tham gia cuộc thảo luận này. Thực chất, đây là 1 hình thức đa phương hóa các tranh chấp tại Biển Đông, 1 hình thức cho phép các cường quốc có quyền tham gia ý kiến trong các tranh chấp tại Biển Đông.
Trung Quốc đang chống lại ý định đa phương hóa tranh chấp Biển Đông của Hoa Kỳ.
Những bài bình luận gần đây tại Trung Quốc với khẳng dịnh: Trung Quốc chỉ thảo luận song phương; hay các vỗ về của Đới Bỉnh Quốc tại Việt Nam về việc không để nước thứ 3 có cơ hội trong tranh chấp Biển Đông, là những cố gắng chống lại việc hình thành một liên minh đoàn kết chống bá quyền Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo dõi những tin tức cập nhật trên báo chí quốc tế, ta thấy đang hình thành các liên minh : Hoa Kỳ-Nhật Bản-Ấn Độ-Úc, hay Ấn-Việt, hay Hoa Kỳ-Úc…nhằm ngăn chặn bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.
4. Chiến lược của Việt Nam là gì?
Việt Nam là quốc gia do Đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo. Đây là đặc thù lớn nhất, cũng là cản trở lớn nhất của dân tộc  Việt Nam trong cuộc chiến chống xâm lăng Trung Quốc trên Biẻn Đông.
Đối với Đảng cộng sản Việt Nam, độc quyền lãnh đạo là tiêu chuẩn cao nhất. Họ đặt nó cao hơn cả quyền lợi dân tộc. Sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc là chỗ dựa ý thức hệ duy nhất của Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy vậy, với tham vọng nước lớn, Trung Quốc luôn khai thác các điểm yếu của Đảng cộng sản Việt Nam để đạt được mục đích bành trướng của họ.
Việt Nam, không phải đối thủ của Trung Quốc,  đã ít nhất 4 lần bị Trung Quốc dùng chiến tranh xâm lấn.
Đó là 1974 chiếm của Việt Nam Hoàng Sa, năm 1979 dậy cho Việt Nam 1 bài học, năm 1984-1990 cuộc chiến chiếm các cao điểm biên giới, 1988 chiếm 7 đảo của Việt Nam tại Trường Sa.
Trong lịch sử Việt Nam, chắc không có giai đoạn nào Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược liên tiếp 4 lần trong một thời gian ngắn như vậy.
Tuy vậy, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn một mực dựa dẫm vào Trung Quốc, hòng duy trì quyền lãnh đạo đối với dân tộc Việt Nam.
Sách lược bảo vệ Biển Đảo của Đảng cộng sản Việt Nam, cũng được hoạch định dựa trên đặc điểm này.
Việt Nam rất muốn Hoa Kỳ ủng hộ, nhưng lại không muốn cải cách dân chủ, không muốn thực thi nhân quyền.
Họ muốn mãi mãi độc quyền lãnh đạo và thu lợi từ sự lãnh đạo này.
Tính cách 2 mặt này sẽ biểu lộ ở 2 khía cạnh:
+ Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chống Trung Quốc, để giữ bộ mặt yêu nước giả trước dân tộc, nhưng sẽ chống nửa chừng, như vụ Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc khi chính nghĩa Việt Nam đang tỏa sáng trên toàn thế giới.
+ Đảng cộng sản Việt Nam sẽ kiên trì hợp tác kinh tế với Trung Quốc, khi những món lợi từ hối lộ của các hãng trung quốc là to lớn.
Điều này thể hiện rõ trong khai thác Bôxit Tây Nguyên. Mặc dù rằng Bôxit Tây Nguyên không mang chút lợi kinh tế nào cho dân tộc Việt Nam mà chỉ có hệ lụy của nó về môi trường và an ninh lãnh thổ.
Đây là điển hình về chính sách thần phục Trung Quốc của Đảng cộng sản Việt Nam. Chính sách này thiêu cháy hoài bão của một dân tộc có nghị lực như dân tộc Việt Nam mong muốn trở thành một quốc gia giàu có và có tiếng nói uy tín trên trường quốc tế.
Muốn làm quốc gia như vậy, Việt Nam phải thoát bóng chư hầu của Trung Quốc, Đảng cộng sản Việt Nam phải thực thi đa đảng phái.
Chỉ có 1 quốc gia tiên tiến về chính trị, không tham nhũng, mới được cộng đồng quốc tế tôn trọng.
Chỉ có một quốc gia không chư hầu của Trung Quốc, mới không bị Trung Quốc chèn ép, không bị Trung Quốc chơi con bài Cămpuchia.
Chỉ có một quốc gia không sợ hãi Trung Quốc, mới tích cực cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Myanmar, hòng phá ý đồ bao vây của Trung Quốc với Việt Nam.
Chỉ có một quốc gia đặt toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải là lợi ích tối thượng quốc gia, mới lợi dụng được tất cả các tích cực của sự tham gia của các cường quốc lớn trong tranh chấp Biển Đông, để đưa Hoàng Sa, Trường Sa trở về với Tổ quốc Việt Nam.
Kết luận.
Tình hình quốc tế đang phát triển thuận lợi cho Việt Nam đấu tranh dành chủ quyền chính đáng của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong cuộc đấu tranh này, lại một lần nữa, Đảng cộng sản Việt Nam có thể trở thành con ngựa Troia của dân tộc Việt Nam.
Việc không đưa vấn đề Biển Đông ra quốc hội của Nguyễn Phú Trọng trong những khóa họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, hay vấn đề Biển Đông chỉ được trình bầy kín trước Quốc hội khóa này, bởi Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, đã đặt ra câu hỏi cho dân tộc Việt Nam: có gì khúc mắc, mờ ám trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc ăn cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, mà Đảng cộng sản Việt Nam phải dấu giếm ?
Chính cái khúc mắc này, cái mờ ám, cái cần phải dấu giếm này, sẽ lòi ra khi cuộc đấu tranh đến điểm quyết định. Nó sẽ trở thành điều bất lợi cho dân tộc Việt Nam.
Công hàm 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng đã được đưa ra ánh sáng. Lòng yêu nước của Đảng cộng sản Việt Nam đã hiện rõ nguyên hình hèn hạ với Trung Quốc, bán rẻ quyền lợi quốc gia Việt Nam cho Trung Quốc.
Trong cuộc chiến chủ quyền này, một lần nữa Việt Nam lại bị lịch sử thử thách. Khác với cuộc chiến Việt-Mỹ do ngộ nhận về Chủ nghĩa cộng sản, do ngộ nhận về chủ ý  xâm lược lãnh thổ của Hoa Kỳ, mà máu Việt Nam đã đổ vô ích.
Lần này, Việt Nam lại sẽ phải đi đầu để đòi Biển Đảo Hoàng Sa, Trường Sa về với Tổ quốc Việt Nam.
Khác với lần trước, kẻ thù lần này đã được lịch sử vạch mặt chỉ tên với sự chính xác hiếm có: chúng đã 9 lần tràn quân xuống nước Nam ta, hòng nô dịch dân ta.
Chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam, nếu cần, là kiêu hãnh của người dân đất Việt.
© Nguyễn Nghĩa
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment