Năm 2010 đã khép lại, nhân loại bước sang năm đầu tiên của thập kỷ thứ hai, thế kỷ 21. Chúng ta cùng nhau điểm lại một vài sự kiện ghi dấu ấn trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong năm qua.
1. Thế giới năm 2010
Sự kiện làm rúng động thế giới những ngày cuối năm có lẽ là cuộc đọ pháo giữa hai miền Triều Tiên, ai cũng tưởng chừng như chiến tranh sẽ xảy ra nhưng (may mắn thay) đó chỉ là hành động chuẩn bị chuyển giao quyền lực ở Bắc Triều Tiên. Kim Chính Ân (Kim Jong-un), con trai út của chủ tịch Kim Chính Nhật (Kim Jong-il), mới 27 tuổi đã được thăng chức đại tướng, sắp tới sẽ được thăng hàm nguyên soái để lên làm tư lệnh tối cao của quân đội Triều Tiên vào cuối năm 2011. Thương thay cho dân tộc Triều Tiên phải chịu cảnh độc tài, cha truyền con nối không biết đến bao giờ.
Khủng hoảng kinh tế Châu Âu, bắt đầu từ Hy Lạp sau đó là Ireland và đang có nguy cơ lan rộng trên toàn Châu Âu. Euro, đồng tiền chung của Châu Âu đang bị đe dọa. Cuộc khủng hoảng kinh tế này sẽ gây ra nhiều hệ lụy và sẽ định hình lại chính sách kinh tế của nhiều nước cường quốc. Đầu tiên, việc thắt lưng buộc bụng sẽ được áp dụng, Trung Quốc và các nước chuyên về xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam. Việc đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam bị đóng cửa cũng là một phần của chính sách cắt giảm chi tiêu công của các nước Châu Âu.
Việc trang mạng WikiLeaks công bố hàng loạt điện tín mật của ngoại giao Mỹ cho thấy nhu cầu được thông tin của người dân là cần thiết và quan trọng, và đó cũng là quyền lợi chính đáng của người dân ở bất cứ quốc gia nào.
Tranh chấp Trung-Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư làm thay đổi cục diện khu vực và thế giới. Thế giới bắt đầu e ngại sự trỗi dậy của đế quốc Trung Hoa. Việc Mỹ tuyên bố “quay lại” khu vực Đông Nam Á và khẳng định Mỹ cũng có quyền lợi trên Biển Đông đã khiến Trung Quốc bối rối và bất ngờ, ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã mất chức sau vụ này.
Giải Nobel Hòa Bình 2010 được trao cho nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, cùng với đó là những lời kêu gọi của thủ tướng Ôn Gia Bảo về cải tổ chính trị được coi là “làn gió mới” thổi tới chính trường Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc bắt đầu xuống dốc. So với cuối năm 2009 thì tất cả các thị trường chứng khoán lớn đều lên giá khá nhiều (Mỹ 12%, Đức 16%, Anh 9% v.v. .) Chỉ có hai thị trường xuống giá là Nhật (-3%) và Trung Quốc (-14%). Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đi xuống cùng với nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản có thể xảy ra bất kỳ lúc nào khiến chúng ta lo lắng. Trước tình hình đó, chính sách của Trung Quốc đối với bên ngoài có thể cứng rắn thêm và Việt Nam là nước đang tranh chấp chủ quyền chính với Trung Quốc trên Biển Đông nên vấn đề có thể sẽ phức tạp trong năm 2011.
Một sự kiện rất đặc biệt nữa trong năm 2010 có lẽ là phản ứng mạnh mẽ của thế giới đối với cuộc bầu cử gian lận tại Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà). Những gian lận bầu cử xảy ra rất thường xuyên tại Châu Phi, nhưng lần này thế giới đã phản ứng một cách đặc biệt mạnh mẽ. Điều này chứng tỏ chủ nghĩa thực tiễn đã lùi bước nhường chỗ cho quan tâm thúc đẩy dân chủ trên thế giới.
2. Việt Nam năm 2010
Trong vai trò chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, và phần nào đã thu được kết quả do sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Việt Nam đã có dấu hiệu xích lại với Mỹ và các quốc gia dân chủ, nhưng với Dự thảo cương lĩnh chính trị của Đại hội Đảng 11 thì chính quyền Việt Nam chứng tỏ vẫn tiếp tục chơi trò đu dây nguy hiểm. Sự kiện không đáng có mới nhất là việc công an Huế “tấn công” một nhà ngoại giao Mỹ khi ông đến thăm linh mục Nguyễn Văn Lý.
Sự kiện gây nhiều chú ý và để lại nhiều dư chấn đó là việc tập đoàn quốc doanh Vinashin vỡ nợ với 4,5 tỉ đô-la Mỹ, và với việc Vinashin không trả được khoản nợ 60 triệu đô-la vào ngày 20/12/2010 đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho các công ty Việt Nam trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay quốc tế sau khi bị các định chế tài chính hạ điểm tín nhiệm trong lĩnh vực tín dụng. Nên nhớ trong thời gian tiếp theo Việt Nam cần một số tiền rất lớn từ vốn vay quốc tế để phát triển kinh tế và nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội diễn ra suốt 10 ngày với kinh phí lên đến nhiều ngàn tỉ đồng, được dư luận cho là quá tốn kém, xa hoa, lãng phí trong lúc nhân dân còn nghèo, nhiều việc cần phải làm. Cùng lúc đó là thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở Miền Trung làm hàng trăm người chết và hàng ngàn người mất nhà, mất cửa.
Khủng hoảng đạo đức xảy ra trên phạm vi toàn xã hội, một hiện tượng đáng lo ngại đó là việc lực lượng “công an nhân dân” ngày càng trở nên hung hãn đối với nhân dân. Chỉ vì không đội mũ bảo hiểm mà nhiều người trai tráng khỏe mạnh bỗng nhiên “về chầu ông bà” sau khi bị đưa vào đồn công an. Năm qua đã có gần 200 công an bị chết và bị thương trong lúc “làm nhiệm vụ”, thử hỏi có bao nhiêu người dân liên quan có chung cùng số phận với những người công an này ?
Hiện tượng lạm phát mạnh trong những tháng cuối năm 2010 đã làm người dân điêu đứng. Giá cả thực phẩm tăng mạnh sau Tết Dương lịch từ 20 tới 30%, đặc biệt giá thực phẩm khô tăng từ 30 đến 70%, thậm chí có mặt hàng tăng gần 100% so với năm ngoái. Giá vàng và đô-la tăng rất cao và đột ngột khiến chính phủ vội vàng tăng lãi suất để thu tiền về khiến các doanh nghiệp đang vay nợ ngân hàng rơi vào cảnh khốn đốn.
Cuối năm 2010 đã diễn ra đại hội đảng bộ các cấp chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2011 nên chính quyền Việt Nam gia tăng khủng bố và bắt bớ, hơn 40 người “bất đồng chính kiến” đã bị bắt giữ. Thế nhưng làn sóng chỉ trích chính quyền trong năm qua vẫn dâng cao mạnh mẽ bất chấp sự đàn áp. Tiếng nói phản biện của “lề trái” ngày càng sắc bén và thuyết phục khiến chính quyền lúng túng. Việc các đại biểu quốc hội, các vị lão thành cách mạng mạnh mẽ lên tiếng trong các vụ việc nghiêm trọng như Vinashin, khai thác bô-xít Tây Nguyên, cho thuê rừng biên giới… đã hòa chung nhịp đập với những người con Việt Nam đang ưu tư với vận nước.
3. Những dự báo cho năm 2011
Về chính trị: Với những khuôn mặt cũ sắp nắm quyền tối thượng trong kỳ đại hội 11 này thì mọi sự thay đổi về thể chế và đổi mới chính trị sẽ không xảy ra. Theo thông tin “rò rỉ” thì tân Tổng bí thư sẽ là Nguyễn Phú Trọng, người từng đứng đầu Hội đồng Lý luận Trung ương và tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, người vẫn phất cao ngọn cờ “Kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã thất bại trong việc điều hành kinh tế đất nước trong nhiệm kỳ qua, vẫn tiếp tục làm Thủ tướng. Đảng cộng sản Việt Nam đã không còn khả năng để đổi mới, nó đã bị phân hóa đến mức không thể phục hồi. Họ cũng muốn sửa “lỗi hệ thống” nhưng cả hệ thống đã bị lỗi nên không biết phải bắt đầu từ đâu?
Về chính trị: Với những khuôn mặt cũ sắp nắm quyền tối thượng trong kỳ đại hội 11 này thì mọi sự thay đổi về thể chế và đổi mới chính trị sẽ không xảy ra. Theo thông tin “rò rỉ” thì tân Tổng bí thư sẽ là Nguyễn Phú Trọng, người từng đứng đầu Hội đồng Lý luận Trung ương và tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, người vẫn phất cao ngọn cờ “Kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã thất bại trong việc điều hành kinh tế đất nước trong nhiệm kỳ qua, vẫn tiếp tục làm Thủ tướng. Đảng cộng sản Việt Nam đã không còn khả năng để đổi mới, nó đã bị phân hóa đến mức không thể phục hồi. Họ cũng muốn sửa “lỗi hệ thống” nhưng cả hệ thống đã bị lỗi nên không biết phải bắt đầu từ đâu?
Gốc của mọi vấn đề là sự “toàn trị” là sự “độc tài” của đảng cộng sản. Để có dân chủ thì phải có đa đảng, nhưng đó là điều không ai trong Bộ chính trị muốn và có thể làm được. Mọi sự thay đổi phải có những “tác động” lớn từ bên ngoài đảng, từ phía nhân dân Việt Nam. Sẽ có những “biến cố” nghiêm trọng xảy ra trong năm 2011, vấn đề là giới trí thức Việt Nam (trong và ngoài đảng) có biết liên kết với nhau để chớp lấy thời cơ hay không ? Gánh nặng này phải do giới trí thức Việt Nam gánh vác, không ai làm thay được.
Về kinh tế: Nạn lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng trong năm mới. Sau đại hội đảng, một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước, đô-la… sẽ tăng cao. Hiện tại giá những mặt hàng này vẫn đang bị kìm giữ để “phục vụ đại hội đảng”.
Về kinh tế: Nạn lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng trong năm mới. Sau đại hội đảng, một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước, đô-la… sẽ tăng cao. Hiện tại giá những mặt hàng này vẫn đang bị kìm giữ để “phục vụ đại hội đảng”.
Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao do chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải giảm hoặc ngừng sản xuất vì không thể chịu nổi lãi suất lên đến 20% năm. Đầu tư công giảm mạnh để giảm thâm hụt ngân sách, điều này dẫn đến hệ quả là nhiều công trình đầu tư, kể cả những công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng sẽ bị đình đốn do thiếu vốn. Số người thất nghiệp sẽ tăng lên và gây áp lực lên tình hình chính trị-xã hội.
Xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2011 sẽ giảm đáng kể do chính sách “thắt lưng buộc bụng’ của các nước nhập khẩu và do nguồn tài nguyên thô của Việt Nam bị khai thác ngày càng cạn kiệt.
Đầu tư nước ngoài năm 2011 cũng sẽ giảm mạnh, các cuộc đình công, bãi công của công nhân sẽ tiếp tục với qui mô ngày càng lớn do đồng lương quá rẻ mạt không đủ sống.
Nông dân Việt Nam, chiếm hơn 70% dân số, vẫn không được hưởng gì từ các chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước. Chương trình “tam nông” mà cụ Trần Lâm (luật sư) đề nghị vẫn không được chính quyền quan tâm. Sản xuất và xuất khẩu nông sản, nhất là gạo sẽ giảm mạnh trong năm tới. Bên cạnh đó sự “tấn công” mạnh mẽ của nông sản Trung Quốc cũng góp phần ‘bóp chết’ nền nông nghiệp trong nước.
Người nông (ngư) dân Việt Nam vẫn bị bỏ rơi bên lề cuộc sống. Câu chuyện đẫm nước mắt về người thuyền trưởng nổi tiếng Mai Phụng Lưu (bị hải quân Trung Quốc bắt, phạt, đánh đập đến bốn lần), đã phải chia tay với biển vì lâm vào hoàn cảnh phá sản, nợ nần. Tương lai của ông và những người như ông không biết trôi về đâu?
Bong bóng bất động sản tại Việt Nam đã quá căng cho nên có thể nổ bất cứ lúc nào. Suốt 20 năm qua, bất động sản Việt Nam chỉ tăng chứ không giảm và đến lúc nào đó nó phải nổ hoặc xì hơi vì không thể kéo dài mãi. Năm 2011 chúng ta sẽ thấy được điều đó. Một mét vuông đất ở thành phố có giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, đa số người dân Việt Nam ai có tiền để mua? Sở dĩ bất động sản chưa xì hơi là nhờ sự “cứu trợ” của nhà nước và ngân hàng, vốn ngân hàng rót vào bất động sản đã lên gần 300.000 tỉ đồng. Chỉ cần bong bóng nhà đất xì hơi một chút thì giới ngân hàng và đầu cơ sẽ nguy ngập, vì vậy họ phải cố chống đỡ nhưng không thể chống mãi được.
Việc giá bất động sản tăng cao, tăng đều và tăng liên tục trong thời gian qua đã gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế đất nước. Hầu như tất cả tinh thần và sức lực của người Việt Nam là dành cho “đất”. Người người, nhà nhà đi buôn đất, đại gia thì buôn miếng to, người dân thì buôn miếng nhỏ. Câu chuyện hàng ngày hàng giờ của những người có tiền đều xoay quanh chuyện “buôn đất”. Với người dân lao động chân chính hoặc cán bộ chỉ ăn lương không thôi thì ước mơ có miếng đất cắm dùi ngày càng xa vời vợi. Với những kẻ có tiền và quyền chức thì lợi lộc mang lại từ đất ngày càng kinh khủng. Chẳng ai còn thiết tha nghĩ đến chuyện kinh doanh hay đầu tư sản xuất gì nữa. Chuyện người dân nghèo chen chúc trong các khu ổ chuột bên cạnh những khu biệt thự hàng triệu đô bị bỏ hoang nhiều năm đã trở nên bình thường. Do mối lợi khổng lồ từ bất động sản đem lại nên kiến nghị yêu cầu nhà nước cần phải công nhận “quyền sở hữu đất đai” của người dân vẫn không được xem xét. Các vụ “thu hồi” đất nông nghiệp của người dân để bán đi bán lại với giá cao vẫn sẽ tiếp tục và phản ứng của người dân sẽ lớn lên cùng với nó.
Thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc đã lên đến con số báo động 12,6 tỉ đô-la. Nguyên nhân của nó là do tham nhũng và những “ưu đãi” của nhà nước đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Tình hình này sẽ trầm trọng thêm trong năm tới. Sự phụ thuộc toàn diện của Việt Nam vào Trung Quốc ngày càng tăng.
Khu vực kinh tế tư nhân vẫn bị chèn ép và phân biệt đối xử, dễ thấy nhất là sự hạn chế về quyền tiếp cận thông tin và các nguồn ưu đãi, ví dụ về vốn hay đất đai, các ưu tiên đó đã dành hết cho các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn không thể “lớn” lên được. Sau Vinashin sẽ còn nhiều vụ phá sản của các tập đoàn nhà nước trong năm 2011. Các dự án “khủng” được vay vốn từ nước ngoài như vụ “đường sắt cao tốc” sẽ được tiếp tục thực hiện.
Tình hình xã hội: Sự đàn áp các tiếng nói đụng chạm đến gốc nạn “toàn trị” của đảng cộng sản vẫn gia tăng trong năm tới, công an vẫn là lực lượng chỉ biết “còn Đảng còn mình”, tiếp tục sứ mệnh là công cụ đắc lực của Đảng trong việc dập tắt các tiếng nói bất đồng của người dân, ăn lương của dân nhưng đứng về phía Đảng để chống lại nhân dân. Những tiếng nói phản biện và bất đồng sẽ tiếp tục gia tăng và sự ảnh hưởng của giới trí thức lề trái lên mọi mặt đời sống xã hội ngày càng lớn và có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền khi có sự cố xảy ra. Các tệ nạn xã hội ngày càng không kiểm soát được, nghiện ngập, cờ bạc, trai gái, rượu chè, cướp giật, lừa đảo, băng nhóm xã hội đen, tai nạn giao thông… vẫn gia tăng với tốc độ chóng mặt. Niềm tin của người dân vào chính phủ ngày càng cạn kiệt.
Hai lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào, đó là giáo dục và y tế. Giáo dục là đào tạo cho con người khả năng và kiến thức để làm việc với hiệu suất cao nhất, để có thể mang lại một cuộc sống tốt cho bản thân và cộng đồng. Chăm sóc y tế để người dân mạnh khỏe cường tráng để có đời sống tốt đẹp, yên tâm và không ám ảnh bởi ốm đau bệnh tật. Hai lĩnh vực này vốn được xem như là tính ưu việt của chế độ cộng sản thì nay gánh nặng đó đã được “chuyển sang” cho người dân.
Theo Ủy ban kinh tế của Quốc hội thì phần chi cho giáo dục của nhà nước chỉ bằng 60% tổng chi cho giáo dục, tức là người dân phải bỏ ra 40%, trong khi tỷ lệ người dân chi cho giáo dục ở các nước phát triển chỉ là 20%, dân Mỹ cũng chỉ phải chi 26%, Pháp 7%. Rõ ràng là hệ thống giáo dục của Việt Nam không bình đẳng và nhà nước đã đẩy gánh nặng sang cho dân chúng.
Lĩnh vực y tế còn thấp hơn: Người dân Việt Nam phải gánh chịu 61% tổng chi phí về y tế. Trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này ở Áo là 33,7%, Bỉ 28%, Đan Mạch 15,5%… và hầu như không bao giờ quá 40%. Hệ thống y tế của Việt Nam là không công bằng. Nhiều người dân bị rơi vào cảnh nghèo khổ và nợ nần do bệnh tật.
Lĩnh vực y tế còn thấp hơn: Người dân Việt Nam phải gánh chịu 61% tổng chi phí về y tế. Trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này ở Áo là 33,7%, Bỉ 28%, Đan Mạch 15,5%… và hầu như không bao giờ quá 40%. Hệ thống y tế của Việt Nam là không công bằng. Nhiều người dân bị rơi vào cảnh nghèo khổ và nợ nần do bệnh tật.
Về lĩnh vực đối ngoại: Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách “đu dây” giữa Trung Quốc độc tài và các nước dân chủ, đứng đầu là Mỹ. Đường lối ngoại giao ba phải “Việt Nam làm bạn với tất cả các nước” vẫn như cũ, quan hệ ngoại giao với các nước chỉ nhằm mục đích kiếm lợi mà bất chấp việc cải tổ cơ chế cũng như việc không chịu tiếp thu những lời góp ý chân tình của bạn bè khiến thế giới văn minh xa lánh dần. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Lòng tốt và sự kiên nhẫn của thế giới cũng đã đến độ dừng. Việc đóng cửa đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội sau 40 năm hoạt động là một thông điệp khá rõ ràng gửi đến chính quyền Việt Nam.
4. Kết luận
Như vậy, năm 2011 sẽ là một năm có nhiều biến động lớn ở Việt Nam. Không có gì là “tươi sáng” đang chờ đợi người dân Việt Nam. Với chính quyền mới của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì năm tới sẽ có nhiều sóng gió (thậm chí là bão tố) hơn năm 2010.
Việc báo chí (viện BKV của Pháp) cho rằng người dân Việt Nam lạc quan nhất thế giới chỉ có thể xem là hành động “ru ngủ chính quyền Việt Nam” của người dân chứ không phản ánh tâm tư nguyện vọng thật của người dân Việt Nam.
Muốn gì thì muốn, lịch sử phải sang trang. Chế độ toàn trị tại Việt Nam sẽ phải kết thúc. Năm 2011 sẽ là năm bắt đầu cho quá trình sụp đổ này. Vấn đề mà mỗi người Việt Nam yêu nước cần phải làm là chung tay để ngày đó đến nhanh hơn. Câu hỏi lớn cần đặt ra lúc này đó là “Trí thức Việt Nam đang ở đâu?”, nhiệm vụ lớn nhất của trí thức là “sẽ làm gì?” trong năm 2011 để có thể mang lại dân chủ cho Việt Nam?
Việt Nam chưa có dân chủ không phải vì “dân trí” người dân kém mà là “trí thức” Việt Nam kém. Việc dấn thân chính trị trong hoàn cảnh đất nước hiện nay là một mệnh lệnh của lương tâm và lòng yêu nước. Đó cũng là trách nhiệm của trí thức đối với đất nước. Giới cầm quyền, giới làm chính trị chân chính (ở bất cứ quốc gia nào) cũng luôn là tinh hoa của đất nước.
Việc giới trí thức chân chính Việt Nam “nhường” quyền lãnh đạo đất nước cho những kẻ cơ hội và bất tài suốt thời gian qua đã khiến cho Việt Nam trở nên dặt dẹo như ngày hôm nay. Giờ đã đến lúc giới trí thức Việt Nam đứng lên, giành lại cái quyền đó cho mình và cho cả dân tộc. Đất nước Việt Nam sẽ hồi sinh khi được giới trí thức chân chính lãnh đạo và dẫn dắt.
Trí thức Việt Nam ngày hôm nay có muốn đi vào lịch sử như những người anh hùng hay không? Hay chấp nhận mang tiếng là “hèn nhát”?
Nguồn: Thongluan.org
No comments:
Post a Comment