Hoàng Linh Vương - Nếu ngay bây giờ nhà nước CSVN phá sản và sụp đồ, tổ chức nào, và ai, sẽ thay thế để điều hành đất nước? Trong
tình huống hiện nay, đây là một câu hỏi hoàn toàn bị bế tắc. Một điều
chắc chắn là chúng ta - những con người - ở trong cùng một xã hội sẽ
không thể sinh sống vô tư, vô tổ chức như một đàn gà trên cách đồng,
mạnh ai nấy bới.
Đã đến lúc những ai có chủ trương
mưu cầu cho một xã hội Việt Nam dân chủ, công bằng và văn minh phải tập
hợp lại, gầy dựng không những thành một, mà là thành đôi ba hội đoàn
hoặc những tổ chức khỏe mạnh với những tiêu chí riêng sao cho phù hợp
với ước vọng của mình, hòng tập trung sức mạnh của tập thể, để sinh
hoạt, để đối kháng, để đẩy lùi những thế lực vụ lợi, độc đoán, thực hiện
quyền con người (nhân quyền) và đưa xã hội đi lên.
Những tập hợp này cũng không thể
chỉ nằm ở vị thế của phong trào, chúng phải được tiếp tục trưởng thành
với những chủ trương lâu dài, có cương lĩnh riêng biệt, tức là trở nên
những tổ chức chính trị của xã hội (còn gọi là đảng phái) để có thể tồn
tại và tiếp tục sinh hoạt, tham gia xây dựng đất nước. Các cường quốc
dân chủ trên thế giới đều có tiến trình như thế, họ có nhiều đảng phái
khác nhau, mạnh có, và yếu cũng có. Việt Nam cũng không thể ở ngoại lệ
nếu muốn thực hiện dân chủ thực sự. Không có "con đường đi tắt hay đón đầu".
Cũng ngay ở Việt Nam, chắc chắn các tổ chức chính trị với những người
dẫn đầu (lãnh tụ) sẽ phải được thành hình, đi sâu vào hoạt động thì mới
hy vọng có ngày môi trường chính trị được thay đổi.
Chúng ta đã từng có khối 8406, tổ
chức của BS Nguyễn Đan Quế v.v… (mặc dù bị đàn áp, ít nhiều gì hiện nay
vẫn còn tồn tại). Cơ hội để thành lập những tổ chức hay những đảng phái
khác trong thời gian vừa qua cũng không phải là ít. Hãy nhớ đến những
cuộc biểu tình của mùa hè 2011 vì chủ quyền lãnh thổ, hãy nhìn những
hành động bảo vệ dân oan hiện nay, hãy nghĩ đến những hành động chống
tham nhũng v.v…. Đây là những cơ hội đủ để thành hình những tổ chức có
chính nghĩa, có thể hoạt động về lâu về dài cho mục đích hạnh phúc của
xã hội.
Điểm lại, chúng ta đang có những
nhân vật như BS Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Hải (Điếu
Cày), Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Thanh Hải (Anh ba SG),
Lê Công Định, một số những nhà hoạt động tôn giáo khác v.v…. Ngoài ra,
từ những cuộc biểu tình trong mùa hè 2011, từ những diễn biến dân sự như
của dân oan đòi đất, từ những tranh luận ở quốc hội, từ những phát biểu
và những động thái phản biện trong hệ thống cầm quyền hiện nay v.v…,
qua đó chúng ta cũng thấy có nhiều "ngôi sao" với đầy đủ uy tín xuất
hiện (vì sự tế nhị nên xin miễn được viết ra ở đây).
Nhưng, ai có đủ can đảm hơn nữa
để trong tương lai sắp đến sẵn sàng xăn tay áo "đứng mũi chịu sào" cho
đại cuộc, và họ sẽ làm như thế nào để có thể vận động cho sự đồng thuận
từ nhiều cá thể, ở một xã hội mà quan điểm lệch nhau khá là phức tạp của
Việt Nam? Đây cũng là một câu hỏi lớn, đòi hỏi một sự hy sinh gần như
tuyệt đối của người có lòng. Lịch sử thế giới cũng chứng minh hầu như
các lãnh tụ xuất thân từ những tổ chức của xã hội đã từng bị bắt bớ tù
đầy, nhất là trong bối cảnh chính trị độc tài. Lãnh tụ đối lập của Miến
Điện bà Aung San Suu Kyi đang được thế giới thán phục cũng xuất thân như
thế: là tù nhân, đã từng mất quyền tự do, từng bị cô lập dài hạn. Tâm,
tầm và lòng can đảm là 3 yếu tố bắt buộc.
Phong trào "Con đường Việt Nam"
muốn đi đến cái đích là thực hiện nhân quyền được anh LTL (Lê Thăng
Long) công khai phát động trong một hoàn cảnh không mấy tế nhị. Bản thân
anh LTL chưa có đủ uy tín chính trị, lại trong tình trạng "hưởng luật
khoan hồng của chế độ được giảm án tù" gây ra sự nghi ngờ - một cách hợp
lý - về thân thế và nhân cách, nhiều người còn cho đây là "cạm bẫy",
đồng thời sự vội vã của anh cho ra đời phong trào và cung cách thực hiện
làm cho người ta thêm ngờ vực về bản lĩnh của cá nhân anh, từ đó phong
trào đã bị một số người được mời từ chối. Một điều rất lạ và đáng chú ý
là đáng lẽ ra anh LTL phải lên tiếng để giãi bày và trấn an dư luận -
như là một nhiệm vụ - nhưng cho đến lúc này, anh LTL cũng chỉ mới phát
biểu sơ sài về chủ trương (lấy từ bản thông tin ở website) mà không đi
vào trọng tâm của nghi vấn. Một sự lơ ngơ có thể đưa phong trào đến một
cái chết tức tưởi.
Mặt khác, dư luận xung quanh sự
việc rất đa dạng. Có một số rất ít những người được mời công khai bày tỏ
sự đồng thuận với phong trào, ngoài ra sự thể hiện từ chối rất trái
chiều. Đã có những người được mời tỏ thái độ căm phẫn, thậm chí có thái
độ hoảng loạn, lên án việc công khai danh sách mời là "chỉ điểm" cho
chính quyền, gây nguy hiểm cho bản thân họ (điều này trên thực tế không
sáng suốt, bởi nhà nước, với bộ máy công an hiện tại của họ, dư khả năng
để lập lên những danh sách còn rộng hơn gấp năm mười lần như thế, và họ
đã có sẵn). Cũng có những người được mời than phiền rằng họ không hề
biết gì về "Con đường Việt Nam".
Sự thất bại mà viễn ảnh có thể
xảy ra của phong trào "Con đường Việt Nam" sẽ là sự thất bại riêng của
cá nhân anh Lê Thăng Long, lý do vì chỉ có một mình anh khởi sự. Nó sẽ
không có ảnh hưởng xấu đến tiến trình xây dựng dân chủ ở Việt Nam nói
chung, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến uy tín các anh Trần Huỳnh Duy Thức,
Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, bởi các anh ấy đang còn ở trong tù và
không hề dính líu gì với hành động triển khai của anh LTL.
Với sự kiện này, người ta có thể học hỏi khá nhiều kinh nghiệm rất thực tế và bổ ích:
- Cơ hội để mỗi chúng ta thanh
lọc tư duy và nhân cách từng „người của công chúng“, qua thái độ, về sự
đồng thuận hay từ chối (kể cả sự thông minh, phán đoán…), giá trị xã hội
đích thực và lòng can đảm của từng người.
- Đo lường được khả năng nhận
thức, nỗ lực chung về sinh hoạt xã hội-chính trị ở Việt Nam, sự khác
biệt về cách thức tham gia của từng nhóm, vùng, miền, trong cũng như
ngoài nước - và cũng có thể của chung cả nước - để tiên liệu đúng đắn
hơn cho những quyết định về hoạt động xã hội-chính trị trong tương lai.
Cuối cùng xin được đặt một giả thiết:
Nếu phong trào "Con đường
Việt Nam" không mắc phải những khuyết điểm, và những người được mời đều
đồng thuận, họ đồng loạt công khai phổ biến và thực hành những văn bản
về quyền con người ở Việt Nam thì sự việc và kết quả sẽ ra sao?
Kính gửi BBT Khối 8406,
ReplyDeleteTôi là Hoàng Linh Vương, rất cảm ơn BBT đã đăng tải bài này. Một thiếu sót rất lớn của tôi là đã "quên" không ghi tên chị Lê Thị Công Nhân sau tên anh Nguyễn văn Đài. Nhờ BBT ghi thêm vào và cho tôi chân tình gửi lời thăm sức khoẻ đến chị ấy và gia đình.
Thân ái
Hoàng Linh Vương
TB.: nội dung này đáng lý ra tôi gửi qua eMail nhưng tìm mãi không ra link liên lạc.
Trân trọng