Lê Ngọc Thống
Chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu
Á-TBD được Tổng thống Mỹ và giới chức quốc phòng công bố ngày 5/01/2012
đã rõ. “Để răn đe một cách đáng tin cậy những đối thủ tiềm tàng và
ngăn chúng đạt được những mục tiêu của mình, Mỹ phải duy trì khả năng
triển khai sức mạnh ở những khu vực mà sự tiếp cận và quyền tự do hoạt
động của chúng ta bị thách thức…”
Chiến lược quân sự mới ra đời ngoài
ra còn từ nguyên nhân do kinh phí cho quốc phòng bị cắt giảm 450 tỷ USD
trong 10 năm vì thế Lầu Năm Góc bắt buộc phải từ bỏ kiểu cơ cấu tổ
chức lực lượng tác chiến đánh thắng 2 cuộc chiến tranh lớn cùng một lúc
mà chuyển sang chiến lược có “cơ cấu tổ chức lực lượng tác chiến để
đánh thắng các thách thức trong thế kỷ 21…”
Nói một cách đơn giản, thời kỳ giàu
có vung tiền, phiêu lưu quân sự của Mỹ đã qua. Thời kỳ coi thường những
thách thức từ Trung Quốc khi Mỹ còn đang ở đỉnh cao của sức mạnh đã
qua. Bây giờ là phải thể hiện sự “thực dụng” kiểu Mỹ của mình.
Và trọng tâm, cốt lõi của chiến lược
quân sự mới này là: Mỹ đã, đang và sẽ “giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu và
duy trì ưu thế quân sự của Mỹ”. Một nước Trung Quốc trỗi dậy là sự
thách thức chủ yếu đặt ra cho Mỹ trong thế kỷ 21. Do đó Mỹ phải kiềm
chế, bao vây Trung Quốc và sẵn sàng đối đầu khi cần thiết.
Mỹ không chỉ nói mà Mỹ còn làm như
những gì đã nói. Sự tăng cường (không phải là trở lại) của Mỹ ở châu
Á-TBD trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế cả thế giới đều
biết.
Như vậy có thể nói, Mỹ - cường quốc
số 1 thế giới, đã tuyên bố thẳng thắn không úp mở trên giấy trắng mực
đen về hành động của mình đối với những ai thách thức vị trí bá chủ thế
giới.
Với Trung Quốc, Mỹ đã “rút kiếm”.
Nhưng ai là “kẻ cuối cùng tra kiếm vào vỏ” thì còn phải xem Trung Quốc
“trả lời” như thế nào hay sự lựa chọn “lối chơi” ra sao trước sự hùng
hổ của Mỹ.
Những sự lựa chọn của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ
Trung Quốc được 3 quyền lựa chọn.
Lựa chọn thứ nhất: Sẵn sàng “rút
kiếm”. Lúc này một cuộc chiến tranh lạnh nhất định sẽ xảy ra. Trung
Quốc khác Liên Xô về thực lực quân sự (lúc đó Mỹ và Liên Xô thực lực
quân sự ngang nhau, còn bây giờ thì Mỹ vượt trội so với Trung Quốc)
nhưng giống Liên Xô về sự bất ổn trong nội bộ và thiếu tính bền vững
trong lãnh thổ. Trung Quốc không có đồng minh và nội lực chưa thể so
với Mỹ. Mỹ, các cường quốc lớn trên thế giới, trừ Nga thì đều là đồng
minh. Mỹ lại có thừa kinh nghiệm trong việc tiến hành kiểu chiến tranh
này. Do đó nếu chiến tranh lạnh xảy ra, Mỹ là “kẻ cuối cùng tra kiếm
vào vỏ”. Tuy nhiên, vì Mỹ và Trung Quốc còn có mối quan hệ về kinh
tế…nên Mỹ cũng không phải lành lặn, an toàn.
Vậy một cuộc chiến tranh nóng có xảy ra không? Không thể xảy ra vì hậu quả mà Trung Quốc nhận được sẽ không thể chịu đựng nổi.
Điều ngạc nhiên là không phải ai
trong giới quân sự Trung Quốc cũng đánh giá khách quan như thế này. Mặc
dù không chính thức thông qua các phương tiện truyền thông, hiện nay
Trung Quốc đang đặt câu hỏi và tỏ vẻ rất hưng phấn là làm sao Mỹ có thể
duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng một nền kinh tế yếu kém? Trong
mắt họ, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ còn Mỹ đang suy thoái…
Sẽ là sai lầm nếu cho rằng sự cắt
giảm chi phí quân sự của Mỹ chứng tỏ sức mạnh quân sự đã giảm. Không
phải vậy! Nếu trong tình hình hiện nay, Mỹ không cắt giảm ngân sách
quốc phòng thì Trung Quốc còn cơ may kéo dài được thời gian yên ổn.
Sự cắt giảm chi phí quân sự của Mỹ
không phải là dấu hiệu cho Trung Quốc vui mừng. Vì chỉ như thế (cắt
giảm chi phí quân sự) Mỹ mới có điều kiện để tăng nơi khác, nơi mà
Trung Quốc không muốn.
Sự giải thích nằm trong thực tế ở châu Á – TBD:
Thiếu tướng Không quân Michael Keltz,
giám đốc hoạch định chiến lược và chính sách trong khu vực Thái Bình
Dướng, cho biết: "Một cách từ từ, ở phía sau, chúng ta đang tiếp tục
củng cố quan hệ và đồng minh tại Thái Bình Dương... Chúng ta đã lấy một
số thứ khỏi đây, và giờ chúng ta đang tăng cường, một cách kín đáo
nhưng rất hiệu quả, các năng lực mà chúng ta đã có tại khu vực này".
Ông Keltz nói, ba trong số sáu phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-22
được huy động ra ngoài nước Mỹ đã được đưa tới Thái Bình Dương - một
phi đội Bảo vệ Quốc gia tại Hawaii và hai phi đội tại Alaska luân phiên
giữa Guam và Nhật Bản. Bên cạnh đó, chỉ hai phi đội vận tải C-17 cỡ
lớn được huy động bên ngoài nước Mỹ, tại Alaska và Hawaii. Chiếc máy
bay do thám không người lái tầm xa Global Hawk đầu tiên đã được huy
động ra ngoài căn cứ Guam. Ông Ketz cho biết thêm những chiếc F-22 được
trang bị "công nghệ tân tiến nhất" có thể cung cấp "lượng thông tin về
tình hình nhiều chưa từng thấy".
Khoảng 31 tàu ngầm tấn công hạt nhân
của Hải quân Mỹ đang neo tại Thái Bình Dương, cùng với 8 tàu ngầm hạt
nhân chiến lược. Ba trong số các tàu lớn hơn đang thực hiện sứ mệnh
tuần tra. Bên cạnh đó, Hạm đội 7 đang quảng cáo về tàu sân bay USS
George Washington trên trang web của mình là "tàu sân bay duy nhất được
huy động đi xa trên thế giới" đang neo tại Yokosuka, Nhật Bản. Ngoài
ra, còn có hai tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường và bảy tàu khu
trục trang bị tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ. Cũng được huy động xa
tới tận Sasebo, Nhật Bản, là các tàu chiến lưỡng cư lớn nhất; trong số
đó có tàu Essex trông như một tàu sân bay nhỏ. Tàu này có thể mang 33
máy bay và 1.800 lính Thủy quân Lục chiến, với đường băng riêng trên
boong… vân vân và vân vân.
Đương nhiên, Trung Quốc không thể
khoanh tay ngồi nhìn. Bằng tên lửa, Trung Quốc có thể buộc các tàu sân
bay Mỹ dạt ra xa (chiến lược chống tiếp cận). Đáp lại, Mỹ thực hiện
“học thuyết tác chiến không-biển”. Trung Quốc tăng ngân sách quốc
phòng(150 tỷ USD cho năm 2012) trong khi Mỹ là 550 tỷ USD…
Một sự so sánh lực lượng quá chênh lệch trong một thế trận cũng hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc.
Như vậy, bất cứ cái đầu nóng đến cỡ
nào đi nữa cũng không bao giờ lựa chọn một lối chơi không cân sức như
vậy, trừ phi bị Mỹ tấn công xâm lược. Bất kỳ một sự lựa chọn kiểu chiến
tranh nào, “lạnh” hay “nóng” của Trung Quốc với Mỹ trong tương lai gần
cũng đều bị đều thua thiệt.
Lựa chọn thứ hai: Cùng nhau thống trị thế giới hay tái cân nhắc cấu trúc G2.
Tạp chí “Tuần tin tức Trung Quốc” số
ra ngày 15/1/2012, đăng bài viết của tác giả Bào Thịnh Cương, một học
giả về quan hệ quốc tế của Trung Quốc, trong đó cho rằng quan hệ
Trung-Mỹ chỉ tồn tại 2 sự lựa chọn lớn: một là như trên, đối đầu; hai
là cùng thống trị thế giới. Ông Bào Thịnh Cương cho rằng, đứng trước
thế tiến công hùng hổ của Mỹ, nếu Trung Quốc lựa chọn đối đầu thì dẫn
đến xung đột song phương nghiêm trọng, có khả năng bùng phát chiến
tranh khu vực…(không nói đến ai thắng ai thua), và “ Cùng nhau thống
trị thế giới” là sự lựa chọn thứ hai.
Quả thật, dư luận hoàn toàn đồng quan
điểm với ông Bào Thịnh Cương ở sự lựa chọn thứ nhất. Vì( theo ông ấy)
đây là sự lựa chọn “hạ sách”. Nhưng khả năng tồn tại lựa chọn thứ hai
theo sự phân tích của ông Bào Thịnh Cương thì “ngây thơ” không tưởng
được. Rằng “Trung Quốc đang trỗi dậy còn Mỹ trên đà suy thoái. Trong
lịch sử một nước Anh suy thoái và một nước Mỹ trỗi dậy cùng nhau thống
trị thế giới nên tránh được xung đột song phương…” “ Mỹ suy thoái thì
cùng với Trung Quốc thống trị thế giới mới tránh được sự hỗn loạn trật
tự quốc tế…”
Quan điểm cho rằng nước Mỹ suy thoái
thì phải nhường quyền thống trị thế giới cho Trung Quốc không chỉ là
của một học giả. Năm 2008, lúc cả thế giới kinh tế suy thoái, kể cả Mỹ,
nhưng Trung Quốc vẫn tăng trưởng thần kỳ 2 con số thì khi Đô đốc
Timothy Keating, tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, gặp một đô đốc cao cấp
của Trung Quốc trong năm 2008, ông nghe thấy một lời đề nghị đáng ngạc
nhiên. Keating cho biết ông ta đã đề nghị bằng cách vẽ một đường
trên bản đồ xuống giữa Thái Bình Dương và nói thêm: "Các bạn có thể có
một phần phía đông của Thái Bình Dương tính từ Hawaii. Chúng tôi sẽ lấy
phần phía tây của Thái Bình Dương, từ Hawaii đến Trung Quốc"
Trong khi đó, Mỹ đánh giá sự trỗi dậy
của Trung Quốc như nào? Chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Á-TBD
thẳng thắn chỉ rõ: “Về lâu dài, sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một
cường quốc khu vực…”
Rõ ràng Mỹ không gắn cho Trung Quốc
cái mác cường quốc toàn cầu hay siêu cường…Đúng thôi, vì dấu ấn quân sự
của Trung Quốc trên toàn cầu chưa có. Điều này thể hiện sự đánh giá
cho rằng quân đội Trung Quốc còn lâu mới mang tính toàn cầu, còn lâu
mới đuổi kịp quân đội Mỹ là không sai. Đánh giá này là của Lầu Năm Góc
chứ không phải của một cá nhân nào.
Vậy, liệu Mỹ có nhường quyền thống trị thế giới cho Trung Quốc hay không?
Sự lựa chọn này mang tính “xin-cho”
cho nên chỉ mang tính một phía. Trung Quốc “xin”, và đương nhiên đời
nào Mỹ “cho”. Hơn ai hết, người Trung Quốc hiểu rằng, Trung Quốc không
phải là Anh quốc. Mối quan hệ giữa Anh-Mỹ là đặc biệt, không mâu thuẫn
về quyền lợi, không mâu thuẫn về ý thức hệ. Đó là mối quan hệ giống như
“công ty mẹ và công ty con”.
Vì thế, chừng nào Mỹ còn “thoi thóp”
chừng đó Mỹ còn cố bảo vệ ngôi báu. Chỉ có kẻ dùng dao để cướp tiền
người khác chứ không có ngược lại.
Cho nên, lựa chọn này, cùng thống trị
thế giới, là không tưởng. Điều này không thể xảy ra và chỉ xảy ra khi
Trung Quốc giành lấy bằng sức mạnh. Trung Quốc phải “rút kiếm” ra và là
“người cuối cùng tra kiếm vào vỏ” mới thống trị thế giới chứ không có
sự lựa chọn nào khác. Đó chính là sự đối đầu với Mỹ.
(Nhưng giả sử Mỹ-Trung
ngả giá với nhau điều gì đó và Trung Quốc được chia TBD thì sao? Điều
này đồng nghĩa với sự Phần Lan hóa (Finlandisation, ý chỉ khả năng nước
lớn gây ảnh hưởng lên chính sách của các nước nhỏ hơn) của Trung Quốc
đối với những nước khác ở Biển Đông, như Việt Nam, Malaysia, Singapore…
Thực vậy, Bắc Kinh, với sức mạnh kinh tế và sự gần gũi về mặt địa lý
của mình, có thể sẽ trở nên ít hiền hòa với các nước láng giềng phía
nam. Họ sẽ ra tay. Đáng sợ thật)
Nhưng, như trên đã nói, trong tương
lai gần thì thế và lực của Trung Quốc chưa cho phép họ làm được điều
này, vậy có sự lựa chọn nào khác không?. Và, đây là lời dạy của ông
Đặng Tiểu Bình: “Lặng lẽ quan sát; giữ vững trận địa; bình tĩnh ứng
phó; giấu mình chờ thời; giỏi về phòng thủ; quyết không đi đầu”. Đó
chính là sự lựa chọn thứ ba trong tình hình hiện nay.
Có thể nói đây là trụ cột chính trong
chiến lược của Trung Quốc chỉ muốn bảo đảm an toàn lợi ích của mình
trong thế giới đa cực. Nhưng, sau 3 thập kỷ yên ổn làm ăn, tình thế
Trung Quốc đã khác. Đã đến lúc không cần phải “dấu mình” vì thời cơ đã
đến. Mỹ suy thoái kinh tế, Trung Quốc trở thành trung tâm kinh tế thứ 2
thế giới…Cho nên phải “quyết đi đầu”.
Tuy nhiên Trung Quốc đã ở trong một
tình thế khó khăn đó là, trừ Mỹ ra đang có một nền kinh tế, quân sự hơn
hẳn, thì thế giới cũng đang tồn tại nhiều siêu cường quân sự ngang và
hơn Trung Quốc dù kém GDP như Nga, Nhật, Ấn Độ…và những quốc gia này
cũng theo dõi chặt chẽ sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc không kém
gì Mỹ. “Cá lớn nuốt cá bé”; “nước lớn chèn ép, bắt nạt nước nhỏ”…là
chuyện đương nhiên xảy ra trong quan hệ quốc tế cho bất kỳ một quốc gia
nào.
Rốt cuộc, Trung Quốc, có vẻ như đã
quá sớm bộc lộ ý đồ, gây sự chú ý và sự đối phó, chống phá quyết liệt,
hùng hổ của các thế lực cảm thấy bất an trên thế giới.
Thực ra, Mỹ, tuy sẵn sàng đối đầu với
Trung Quốc khi cần, nhưng không bao giờ muốn. Điều Mỹ muốn là Trung
Quốc giàu nhưng không mạnh. Mỹ muốn Trung Quốc không thách thức vị trí
thống trị số 1 của Mỹ. Do đó, sự lựa chọn thứ 3 này hợp lý với Mỹ nhất
và trong tình hình hiện nay là “thượng sách” với Trung Quốc.
Có cách nào để Trung Quốc trỗi dậy
thách thức với Mỹ mà Mỹ và các thế lực khác dù có muốn kiềm chế, bao
vây vẫn không thể làm nổi?. Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm
2012 sẽ vạch ra con đường này.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 25-3-12
No comments:
Post a Comment