Pages

Sunday, October 16, 2011

Nguyễn Phú Trọng: Chuyến đi buôn mua lấy sống còn

Vũ Đông Hà 
Ngày 17 tháng 2 năm 1979 Trung Quốc xua quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Việt Trung. Quan hệ môi hở răng lạnh của 2 đảng cộng sản vừa là đồng chí vừa là anh em trở thành môi bầm răng mẻ và kẻ thù không đội trời chung. Trong lúc đó, kể từ năm 1975 (cho đến 1994) Hoa Kỳ bao vây kinh tế Việt Nam bằng cấm vận, ngăn cản các nỗ lực giúp đỡ Việt Nam từ quốc tế. Đồng minh duy nhất còn lại để đảng CSVN bám víu cho sự sống còn là Liên Xô cũ.

Từ thập niên 80s, Liên bang Xô Viết với chính sách từng bước chấm dứt đối đầu với thế giới tư bản, cộng thêm với những khủng hoảng nội tại về kinh tế lẫn xã hội đã không còn nhu cầu nuôi dưỡng các đàn em vệ tinh trong khối cộng sản. Năm 1985 Mikhail Gorbachov nhận chức Tổng bí thư và bắt đầu tiến hành chính sách "Cải Tổ" (perestroika – Перестройка) và "Công khai hóa" (Glasnost – Гласность).

Năm 1986 đảng CSVN nhận 2,9 tỉ viện trợ từ Liên Xô. Năm 1990 xuống còn 100 triệu. Ngày 25 tháng 12 năm 1991, sau khi các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết ký tuyên ngôn thỏa thuận thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên Bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết chính thức chấm dứt tồn tại. Nguồn viện trợ và là mạch sống của đảng CSVN từ Liên Xô tan biến.

Cái nôi Cách mạng tháng 10 sụp đổ. Nguồn tiếp tế để nuôi dưỡng bộ máy cai trị bị cắt đứt. Đảng CSVN phải tìm quan thầy khác để dựa vào cho sự sống còn. Quan thầy đó là Trung Quốc, kẻ đã xâm lăng và "dạy cho một bài học" ở biên giới năm nào. Đầu thập niên 90s, giai đoạn CSVN quay đầu và cúi đầu thần phục Trung Quốc lại một lần nữa bắt đầu.

*

Trong suốt thời gian thần phục và được tiếp máu bởi Trung Quốc, cộng với chính sách "Đổi mới" sao bản từ Perestroika và Glasnost, nền kinh tế Việt Nam đã có những "phát triển" đáng kể so với thời kỳ bao cấp. Có giai đoạn giới đầu tư quốc tế hồ hởi dự đoán Việt Nam sẽ trở thành một con hổ Á Châu, một con rồng đang vươn lên. Hơn 20 năm nhìn lại, câu hỏi được đặt ra: tiềm năng và động lực nào giúp Việt Nam "phát triển"?

Đối chiếu khách quan với thực tế:

- Một đất nước phát triển là nhờ vào một chính sách phát triển chủ đạo đúng đắn. Điều này đã không xảy ra tại Việt Nam với chính sách "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Đã có hàng ngàn bài viết phân tích về vấn đề này, nhưng đơn giản và cô đọng nhất có thể nói: "ngay cả những người đẻ ra khái niệm này, những người kiên quyết bám lấy nó để thực hiện cũng không biết nó là cái gì". Vậy thì chính sách phát triển chủ đạo đúng đắn không có.

- Một đất nước phát triển là nhờ vào kiến thức (lý thuyết) và kỹ năng (thực hành) của công dân nước đó. Nền giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục với chính sách đào tạo lạc hậu, đầy rẫy những tệ trạng về thành tích hảo, bằng cấp giả, lý thuyết từ chương, chính trị hóa học đường... mà suốt bao năm qua chính truyền thông báo chí của đảng phải thừa nhận. Dù thế nào, một đất nước 90 triệu người chắc chắn vẫn có những chuyên gia tài giỏi. Nhưng so với nhu cầu của đất nước và so sánh với các nước đang phát triển khác thì chưa đủ và tập thể này cũng không có được môi trường và cơ hội để phát triển và đóng góp tối đa. Hồng vẫn hơn chuyên. Trường hợp của Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) phải tự giải tán là một thí dụ điển hình. Nói chung, nền giáo dục Việt Nam đã không đào tạo được đội ngũ nhân sự có thể cạnh tranh với đà phát triển của thế giới.

- Một đất nước phát triển là nhờ vào khả năng quản trị và điều hành vĩ mô của nhà nước (nếu quốc gia đó vận hành theo chiều hướng chính phủ kiểm soát và can thiệp vào nền kinh tế quốc gia). Đánh giá thành quả của các tập đoàn kinh tế quốc doanh được điều hành bởi các đảng viên cộng sản, đo lường khả năng và kiến thức của 14 người trong Bộ Chính trị của đảng "đã quyết" mọi chính sách, đề án lớn của đất nước, và nhìn vào tình trạng giáo dục chuyên tu lấy lệ, mua bằng bán cấp của cán bộ cộng sản... đủ để kết luận rằng: Việt Nam không có một đội ngũ lãnh đạo có khả năng cao để điều hành và quản trị nền kinh tế.

- Một đất nước phát triển là nhờ vào một hệ thống điều hành kinh tế minh bạch và "trong suốt", kiểm soát bởi một nền pháp lý công bằng và nghiêm minh và một truyền thống tốt đẹp trong quan hệ kinh tế. Việt Nam với căn bệnh trầm kha "tham nhũng là quốc nạn" - một "bầy sâu lớn - nhỏ", với một rừng luật nhưng toàn là luật rừng, với thái độ luật là ta - ta là luật, với thói tật bôi trơn đã thành nếp ở mọi cấp, với truyền thống làm ít nói nhiều, làm giả khai thật, ... đã không có một cấu trúc lành mạnh cho việc phát triển kinh tế.

Vậy thì, một đất nước không có chính sách phát triển đúng đắn, không có một đội quân kinh tế với đủ kiến thức và kỹ năng, không có một tập thể lãnh đạo kinh tế giỏi, không có một cấu trúc hạ tầng lẫn thượng tầng lành mạnh, thì "cái gì" giúp đất nước đó "phát triển"?

"Cái gì"???

Ở Việt Nam, "cái gì" đó là tài nguyên, là lãnh thổ, là biển, là đảo của tổ tiên.

Ở Việt Nam, "cái gì" đó là đại chính sách "vay nợ tương lai", tài nguyên - khoáng sản có gì đem bán cứ bán, nếu chưa bán được thì tiến hành chính sách cho "nước lạ" thuê dài hạn để kiếm được chút phồn vinh giai đoạn.

Ở Việt Nam, "cái gì" đó không dừng lại ở tài nguyên mà còn là danh dự, sĩ diện dân tộc. Những hành động vinh danh "liệt sĩ" Trung Quốc, đục phá bia mộ ghi nhớ công lao chiến sĩ Việt Nam, kỷ niệm ngày 1 tháng 10... tất cả không chỉ là thái độ đê hèn; nó là một sự mua bán đổi chác đã được thương lượng.

Ở Việt Nam, "cái gì" đó là những chuyến ngoại giao bí mật, những hiệp định ký kết bí mật, những thỏa thuận mua bán ngầm, cách dàn xếp nhân sự để có được một đội ngũ trung thành và những chiếc ghế quyền lực được bảo chứng.

Tất cả những "cái gì" đó là nguồn vốn của "phát triển". Tất cả đều quy về một mối, đổ về một nơi: bản khế ước sang nhượng, mua và bán tổ quốc Việt Nam giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.

Tất cả những "cái gì" đó đều quy về một mục tiêu tối hậu: SỰ SỐNG CÒN của những chiếc ghế quyền lực, núp đằng sau hệ thống - đảng CSVN.
*

Thế nào là sự sống còn của đảng CSVN?

Đảng cộng sản có hơn 3 triệu đảng viên. Ngày hôm nay, tuy không chính thức thừa nhận nhưng tất cả đều biết đa phần những người vào đảng là vì quyền lợi cá nhân. Cũng ngày hôm nay, dưới ánh sáng "giẫy chết" của tư bản, mọi đảng viên đều biết có quyền mà không có tiền thì vất đi. Sự trung thành vào đảng tỉ lệ thuận với quyền và tiền được cung ứng từ đảng. Mất nó, đảng sẽ không còn tồn tại.

Đảng cộng sản có một đội ngũ quân đội "Trung với đảng, hiếu với dân". Lấy gì để nuôi dưỡng lòng trung thành này từ thành phần cầm súng có thể kéo về Ba Đình bất kỳ lúc nào để làm nên một cuộc đảo chánh? Khẩu hiệu trung với đảng được dán lên lá cờ và ban phát trong mỗi dịp lễ không mua được lòng trung thành của những khẩu súng đói. Mất nó, đảng có nguy cơ bị thay thế bởi một chế độ quân phiệt.

Đảng cộng sản có một đội ngũ công an, mật vụ "Còn đảng còn mình". Lấy gì để những người này can tâm trở thành một đội ngũ chó săn trung thành với đảng, trở thành một đám kiêu binh hơn cả thời phong kiến? Chắc chắn rằng hào quang chủ nghĩa, lời dạy sống chiến đấu học tập theo gương của Hồ chủ tịch không thể và không còn "ăn" bằng những khúc xương gói bằng tiền. Mất nó, đảng mất sẽ mất đi thành trì chuyên chính bảo vệ đảng.

Đảng có một đội ngũ vừa là đảng viên vừa là tư bản đỏ, kết quả con đẻ của sự ăn nằm chung chạ giữa chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Đội ngũ này với những đặc quyền chính trị theo thời gian đã trở thành tập đoàn nắm giữ lợi nhuận và từ đó "gói thầu" luôn quyền lực kinh tế bên cạnh quyền lực chính trị. Lãnh đạo đảng có nhu cầu, hay chính xác hơn hơn là có nhiệm vụ duy trì, nuôi dưỡng và làm hài lòng tập đoàn này. Mất nó, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Phú Trọng... đã không ngồi ở ghế quyền lực ngày hôm nay.

Chưa nói đến sự nổi dậy của quần chúng, chỉ cần mất đi khả năng nuôi sống, bồi dưỡng cho những khối nhân sự nói trên, tập đoàn thiểu số sẽ mất đi vai trò cai trị và đảng sẽ tan rã.

Ngày hôm nay, tập đoàn thiểu số thống trị và đảng cộng sản Việt Nam đang đứng bên lề nguy cơ tan rã đó. Nguy cơ đó mang tên "lạm phát và suy sụp kinh tế".

*

Gần 20 năm qua có thể nói là thời kỳ làm giàu vàng son của các đảng viên đảng cộng sản nhờ vào những "cái gì" đã được tung hê đem bán, cho thuê, khai thác. Người dân Việt Nam không ít thì nhiều cũng "quá giang" được phần nào chuyến xe làm giàu dựa vào vốn liếng tài nguyên này. Một số giàu theo nhờ vào sự hợp tác với quan chức đảng viên. Một số giàu theo nhờ vào khả năng thích ứng vượt trội so với đại số quần chúng khác khi đi từ giai đoạn ngăn sông cấm chợ và bao cấp sang thời kỳ kinh tế thị trường hoang dã. Bên cạnh những bất công, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đạo đức xã hội gần như phá sản, đời sống người dân trên bề nổi có phần khởi sắc nhờ vào kết quả các công trình xây dựng vốn là cơ hội và lý cớ để cán bộ rút ruột, tham ô làm giàu. Tất cả tạo nên một cảm giác thỏa mãn và phong cách sống mới của giai đoạn vơ vét và đua nhau làm giàu bằng mọi giá.

Dấu hiệu xì hơi đầu tiên của trái bong bóng làm giàu căng phình này là sự vỡ nợ khủng khiếp của Vinashin. Hệ lụy nhiều năm của những sai trái được phơi bày ra ánh sáng với con số nợ 86 nghìn tỷ đồng tức 4,41 tỷ USD. Cộng thêm với sự cố Quốc Hội bác dự án Đường sắt cao tốc 55 tỷ USD, nó là điểm báo đầu tiên cho thời kỳ làm giàu vô tội vạ đã qua. Đã qua không phải là vì đảng cộng sản thức tỉnh. Đã qua là vì đảng cộng sản xài và rút quá vốn, đã bước từ thời kỳ "bán để làm giàu" sang giai đoạn vỡ nợ vì "vay trước để làm giàu".

Giai đoạn vỡ nợ này cũng là kết quả của quá trình nhập siêu, rút ruột, tham nhũng, đầu tư bừa bãi cốt để vơ vét dẫn đến tình trạng ngân sách quốc gia thiếu hụt giống như hình ảnh một cửa hàng mậu dịch thời bao cấp. Bây giờ, lấy gì để nuôi dưỡng, để tiếp tục duy trì lòng trung thành của hơn 3 triệu đảng viên, của quân đội trung với đảng, của công an còn đảng còn mình, của tập đoàn tư bản xanh mặt đỏ lòng? Cách giải quyết: in thêm tiền để trám vào khoảng trống ngân sách của đảng. Hệ quả: lạm phát phi mã xảy ra và nền kinh tế đã suy sụp lại càng thêm suy sụp.

Một lần nữa, một đất nước không có chính sách phát triển đúng đắn, không có một đội quân kinh tế có đủ kiến thức và kỹ năng, không có một tập thể lãnh đạo kinh tế giỏi, không có một cấu trúc hạ tầng lẫn thượng tầng lành mạnh, thì lấy gì để thoát được bế tắc, khủng hoảng?

Câu trả lời rất đơn giản, đó là: tiếp tục cho thuê, sang nhượng hoặc bán nốt những gì có thể.

Nhưng còn gì để bán, sang nhượng, đổi chác để nuôi dưỡng guồng máy và bảo vệ những chiếc ghế quyền lực? Tây Nguyên đã đóng bùn bô xít. Giao kèo khai thác Rừng đầu nguồn mực ký đã khô. 90% tổng thầu EDP đã gói trọn cúng cho anh cả phía Bắc. Còn gì?

Cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của chính phủ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng, Thứ trưởng chức trung quyền lớn Nguyễn Chí Vịnh của quân đội, cùng nhìn về một hướng; Hồ Cẩm Đào, Đới Bỉnh Quốc cũng chỉ về một nơi: biển Nam Trung Hoa - họ cùng nhau gọi như thế trong những giao kèo. Ở đó là một vùng bao la còn rất nhiều thứ để bán và để mua.

*

Biển Đông. Món hàng còn lại để đổi chác trước khi Việt Nam từng bước âm thầm, lặng lẽ trở thành một Tân Cương, Tây Tạng thứ hai của Đại Hán. Thà làm quỷ phương Bắc để làm vương nước Nam là câu kết của bài ca nô lệ mà Nguyễn Phú Trọng sẽ cất tiếng hát ở sân khấu đèn màu Bắc Kinh. Bài ca đó đã được mở màn dạo trước bởi Nguyễn Chí Vịnh, Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thiện Nhân bằng những điệp khúc "khẳng định mong muốn trước sau như một", "nguyện ghi nhớ và trân trọng sự giúp đỡ to lớn chí tình chí nghĩa", "có còn ai hơn một nước Trung Quốc Xã hội chủ nghĩa láng giềng"...

Biển Đông. Lối thoát của chế độ và nước cờ cuối cùng để bảo vệ ghế quyền lực của thiểu số lãnh đạo trước sự vỡ nợ của Vinashin, tình trạng phá sản của các tập đoàn doanh nghiệp, và nguy cơ lạm phát bùng nổ dẫn đến bất ổn chính trị và sụp đổ của chế độ. Nó là đòi hỏi của bộ máy đảng, quân đội, công an phải tiếp tục được nuôi béo. Nó là yêu cầu của tập đoàn tư bản đỏ với cơn khát làm giàu không bao giờ đủ, và nhu cầu rút ruột công trình, ăn chận ngân sách đã trở thành cơn ghiền thuốc phiện.

Và đó là sứ mạng sinh tử cho chuyến đi sứ Tàu của Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Một chuyến đi buôn mua lấy sự sống còn của tập đoàn cai trị CSVN.

*

Nhìn lại suốt một giai đoạn "trước sau như một" khấu đầu làm nô lệ với mục tiêu bảo vệ quyền lực và làm giàu của đảng cộng sản Việt Nam để không có những ảo tưởng "vì quyền lợi dân tộc" của đảng CSVN và kết quả  gì có lợi cho dân tộc về chuyến triều cống của ông TBT đảng CSVN - Nguyễn Phú Trọng.

Nhìn lại để cho dù rằng có lúc người dân chúng ta phải thốt lên "sao hèn vậy ta!" hay "cực kỳ hèn!" nhưng thực sự những kẻ nắm quyền bản chất không chỉ có hèn. Chính xác hơn, hèn đã bị xóa mất trong tự điển của họ. Ở họ, chỉ còn lại, và duy nhất một hiện hữu đã trở thành bản chất: sự ham mê quyền lực đến mức sẵn sàng bán hết tất cả. Gia tài của tổ tiên, danh dự của đất nước, độc lập của dân tộc... họ sẵn sàng bán hết.

Nhìn lại để hiểu rằng tại sao cú đạp của vào mặt người biểu tình không chỉ là cú đạp của một công an mà là bàn chân của một tập đoàn bán nước. Họ không bao giờ chấp nhận bất kỳ ai tố giác, phản đối, ngăn cản cuộc mua bán này của họ bởi vì đó là sự sống còn cho quyền lực cai trị của họ. Và điều này đã không chỉ mới xảy ra. Nó đã xảy ra vào 1 giờ trưa ngày 3 tháng 9 năm 1990 khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười gặp Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng của Trung Quốc tại Thành Đô, Tứ Xuyên - mở đầu cho thời kỳ nô lệ Bắc Thuộc mới, kéo dài cho đến ngày hôm nay và sang đến tương lai - một tương lai vô cùng đen tối cho dân tộc Việt Nam.


Vũ Đông Hà (danlambao)
danlambaovn.blogspot.com

No comments:

Post a Comment